Bộ Thông tin và Truyền thông vừa thông qua Quyết định 512 về việc cập nhật Kế hoạch triển khai thực hiện Chiến lược phát triển lĩnh vực phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử giai đoạn 2021 - 2025.

Theo đó, từ tháng 10/2023, nghệ sĩ và người có tầm ảnh hưởng (KOLs) vi phạm pháp luật, trái thuần phong mỹ tục, gây ảnh hưởng không tốt đến xã hội sẽ bị hạn chế các hoạt động: Phát sóng, biểu diễn, quảng cáo.

Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ TTTT) cho biết, các biện pháp xử lý như "cấm sóng", "cấm mạng", "cấm diễn" nhằm mục đích từng bước làm lành mạnh không gian mạng, hạn chế ảnh hưởng tiêu cực đến xã hội, nhất là đối với giới trẻ. Do chưa có quy định pháp luật, trước mắt cơ quan chức năng sẽ sử dụng phương thức "khuyến nghị" hạn chế phát sóng, đưa tin, biểu diễn đối với đối tượng vi phạm.

Thời gian qua có không ít những nghệ sĩ, người nổi tiếng có hành vi vi phạm trong hoạt động biểu diễn, phát ngôn trên mạng xã hội. Những hành vi như đưa tin sai sự thật, quảng cáo tiền ảo, mê tín, thổi phồng công dụng của thực phẩm bảo vệ sức khỏe… đã gây ảnh hưởng không tốt tới xã hội, đặc biệt là giới trẻ.

Sau khi công bố, quyết định của Bộ Thông tin và Truyền thông nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của dư luận. Nhiều ý kiến cho rằng, biện pháp này không chỉ nhằm "thanh lọc" giới giải trí mà còn giúp định hướng lối sống, suy nghĩ của giới trẻ, đặc biệt trong giai đoạn mạng xã hội và các phương tiện thông tin đại chúng bùng nổ.

Vào năm 2021, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đã ban hành Quy tắc ứng xử của người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật. Trong đó, bộ quy tắc yêu cầu nghệ sĩ tuân thủ các quy định của pháp luật về sở hữu trí tuệ, không được sáng tác, phổ biến, lưu hành, biểu diễn những tác phẩm có nội dung không phù hợp với giá trị đạo đức, văn hóa và truyền thống của dân tộc, gây tác động tiêu cực đến tư tưởng, thẩm mỹ của công chúng. Tuy nhiên, đây là khung về quy tắc ứng xử chứ không phải quy phạm pháp luật nên không có phần xử phạt, hay quy định về cấm sóng các nghệ sĩ.