Theo các nhà nghiên cứu lịch sử, “ngụ binh ư nông” theo nghĩa tiếng Việt là "gửi binh ở nông: tức là gửi quân vào nông nghiệp, cho binh lính lao động, sản xuất tại địa phương trong một khoảng thời gian xác định". Đây là một trong những chính sách liên kết hài hoà giữa việc quân sự và nông nghiệp. Nhờ chính sách này, triều đình có thể huy động lực lượng quân đội đông đảo, có thể đạt tới 8-10% dân số, trong khi sản xuất nông nghiệp vẫn được duy trì.

PGS.TS Đinh Quang Hải – nguyên Viện trưởng Viện Sử học phân tích, trong suốt chiều dài lịch sử dân tộc ở thời kỳ phong kiến, đất nước ta thường xuyên phải chịu các cuộc xâm lược của các nước lớn khiến cho triều đình phải đồng thời đối mặt với 2 vấn đề lớn đó là: thiếu lương thực và chống giặc ngoại xâm. Chính sách “ngụ binh ư nông” được đưa ra để giải quyết cả 2 vấn đề lớn này: “Nước ta thường xuyên phải đối diện với những cuộc chiến tranh xâm lược, nhất là kẻ thù phương Bắc là đất nước rộng lớn, hùng mạnh. Do vậy chúng ta phải huy động toàn dân tham gia đánh giặc, duy trì lực lượng vừa chiến đấu vừa tham gia sản xuất cho nên chúng ta thực hiện chính sách “ngụ binh ư nông”.

Cũng theo các nhà nghiên cứu lịch sử, chính sách “ngụ binh ư nông” phản ánh tư duy nông binh bất phân (không phân biệt quân đội và nhân dân), ở đâu có dân là ở đó có quân, phù hợp với điều kiện xây dựng nền quốc phòng của một đất nước vừa sản xuất vừa đánh giặc. Bên cạnh đó, chính sách này cũng thể hiện sự gắn bó mật thiết giữa quân và dân, một yếu tố quan trọng giúp nước ta chiến thắng trong những trận đánh lớn.

TS Sử học Nguyễn Hữu Tâm, nguyên Giám đốc Thư viện Viện sử học cho rằng, “ngụ binh ư nông” có tác dụng đảm bảo lực lượng sản xuất trong thời bình nhưng khi có chiến tranh hay bất cứ khi nào triều đình cần đều có lực lượng dự bị đáp ứng ngay. Chính sách này được áp dụng rất sớm, ngay từ thời nhà Đinh. Đến thời Lý, chính sách này được kế thừa và phát triển. Quân đội được xây dựng mang tính chính quy hơn và phân cấp thành quân triều đình (cấm quân đóng ở trong và xung quanh kinh thành, chịu trách nhiệm canh gác cung điện, phủ quan..., còn gọi là "thiên tử binh") và quân địa phương (quân ở các lộ, đạo, dân binh ở hương, động, sách... còn gọi là "lộ quân" hay "sương quân").

Sách “Việt sử tiêu án” viết rằng: “Chế độ binh lính nhà Lý, mỗi tháng lên cơ ngũ một lần, gọi là đi canh, hết canh lại về làm ruộng, quân không phải cấp lương”. Khi đội quân nhà Lý đi chinh phạt Chiêm Thành, đoàn quân đi đến đâu, việc tiếp tế binh lương đều được chu tất. Nhờ đó, người dân nước Đại Việt được hưởng thái bình, đời sống xã hội phát triển hưng thịnh. Binh lính cùng người dân mở mang các tuyến giao thương từ miền xuôi đến miền ngược, từ thị thành tới nông thôn, cả trên đường bộ và đường thủy. Sang đến thời nhà Trần rồi tiếp đến nhà hậu Lê, chính sách “ngụ binh ư nông” ngày càng hoàn chỉnh và đi vào nền nếp. Thời bình dân đinh thay nhau vào lính, binh lính luân phiên về làm ruộng.

Theo Đại tá PGS.TS Dương Hồng Anh, nguyên Phó Viện trưởng Viện Lịch sử quân sự Việt Nam, chính sách này giúp triều đình giảm được nhiều chi phí nuôi quân mà vẫn xây dựng và tổ chức được các đạo binh hùng mạnh, góp phần tạo nên sức mạnh tổng hợp giữ nước, đánh thắng các đội quân xâm lược có số lượng đông hơn ta nhiều lần trong điều kiện lịch sử lúc bấy giờ.

Nhờ có sự kết hợp giữa quân và dân, nông nghiệp phát triển mạnh mẽ, thóc gạo dự trữ dồi dào, hệ thống thủy lợi được chú ý phát triển, không những phục vụ giao lưu kinh tế mà còn phục vụ đắc lực cho nhu cầu quân sự khi chiến tranh xảy ra, các làng nghề tiểu thủ công nghiệp phát triển mạnh, nhất là các nghề có liên quan đến quốc phòng của đất nước.

Với những sáng tạo không ngừng, chính sách “ngụ binh ư nông” tạo sự kết hợp hài hòa của nhiều yếu tố: giữa việc quân sự và nông nghiệp, giữa kinh tế và quân sự. Sự kết hợp này khiến cho quân đội có thể linh hoạt, chủ động trong mọi tình huống khẩn cấp để bảo vệ đất nước, toàn vẹn lãnh thổ.

Lịch sử dân tộc ta đã ghi những dấu son chói lọi trong nghệ thuật giữ nước, kết hợp giữa xây dựng và bảo vệ giang sơn, bờ cõi. Có thể nói, “ngụ binh ư nông” là nét đặc sắc trong nghệ thuật tổ chức và xây dựng lực lượng vũ trang của thời phong kiến ở nước ta. Chính sách này được áp dụng qua nhiều triều đại và để lại những bài học kinh nghiệm quý báu về xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Mời quý vị và các bạn nghe nội dung bài viết tại đây: