Từ một chuyến đi chơi ngông của tuổi trẻ

8 năm trước, ở ngưỡng cửa tuổi 30, anh Nguyễn Mạnh Duy lên kế hoạch khám phá một vùng đất mới: Vùng Himalaya với những khung cảnh thiên nhiên đẹp mê hồn và một nền văn hóa xa lạ độc đáo. Chuyến đi đó, như anh nói: "Ban đầu chỉ để thỏa mãn cái tôi, cái ngông của tuổi trẻ". Nhưng rồi nó đã làm thay đổi con người anh. "Tôi thực sự bị choáng ngợp khi đứng trước khung cảnh bao la hùng vĩ của vùng đất ấy! Himalaya là vùng đất của Phật Giáo, ở đó có những luồng năng lượng rất mạnh, nên tôi cũng được truyền những năng lượng đó, khiến tôi cảm nhận rõ những thay đổi từ bên trong nhận thức của mình" - anh Nguyễn Mạnh Duy chia sẻ.

"Điều ấn tượng thực sự là văn hóa và đức tin của những con người sống ở vùng đất này! Càng lang thang trên những chặng đường, tôi càng nhận ra một điều: Hóa ra là hành trình vĩ đại nhất không phải là hành trình đến với những nơi mà người khác khó có thể đến được, mà lại là hành trình khám phá nội tâm bên trong của chính mình".

Trong những chuyến đi Tây Tạng, anh Duy đã có nhiều dịp tiếp xúc với những vị cao tăng, những vị Lạt Ma của Phật Giáo Mật Tông Kim Cương Thừa. "Đây là những người mà khi tiếp xúc, tôi bị ấn tượng mạnh bởi 2 điều: Từ bi và trí tuệ. Để rồi bây giờ, khi đã quy y, những người thực hành truyền thống Phật giáo Tây Tạng như tôi luôn luôn nhắc nhở mình rèn luyện 2 khía cạnh đó mỗi ngày", anh Mạnh Duy chia sẻ. "Nếu chúng ta chỉ có từ bi mà không có trí tuệ thì sẽ rất khó để đạt được những thành tựu trong công việc. Còn nếu chỉ có trí tuệ mà không có từ bi thì sẽ rất dễ làm những điều khiến mình phải hối tiếc.

Đến hành trình mang văn hóa Tây Tạng về Việt Nam

Trở về từ Tây Tạng, anh Mạnh Duy bắt tay vào kế hoạch: Xây ngôi nhà văn hoá Tây Tạng để đưa những vật phẩm từ vùng đất này giới thiệu tại Việt Nam. "Lúc đầu, tôi mê không khí, mê những vật phẩm Phật giáo, mê đời sống của con người, cảnh vật. Chỉ 4 tháng sau chuyến đi đầu tiên, tôi quyết định quay trở lại Nepal để tìm kiếm một điều gì đó cụ thể hơn. Tôi bắt đầu gặp những con người. Một vị Rinpoche (bậc thầy của Phật giáo Tây Tạng) nói với tôi: "Đây là con đường dành cho con".

Không gian Ngôi nhà Văn hoá Tây Tạng - Himalayas Vietnam đầu tiên được thành lập ở 18 Hàng Rươi, Hoàn Kiếm (Hà Nội) sau chuyến đi thứ 3. Bước sang năm thứ 7 gắn bó với vùng đất này, với tôi, Himalaya bây giờ chính là ngôi nhà thứ 2".

"Tôi luôn luôn xác định là tôi sẽ tập trung giới thiệu về văn hóa của vùng đất này thay vì tôn giáo. Bởi vì tôn giáo và tâm linh là những thứ vô cùng thiêng liêng, chúng ta không thể nào trao đổi, giao dịch hay mua bán được. Nhưng các yếu tố khác như: văn hóa, nghệ thuật, điêu khắc, mỹ thuật, nghề thủ công... thì chúng ta có thể trao đổi được. Rồi cả những trải nghiệm về mặt du lịch nữa. Hay cả những phương pháp trị liệu, chữa lành... Đó là những thứ các bạn có thể tìm thấy tại Ngôi nhà Văn hóa Tây Tạng của tôi".

"Sau ngôi nhà đầu tiên ở Hà Nội, tôi xây nhà Himalayas Hải Phòng vào năm 2015, rồi Himalayas Sài Gòn vào năm 2016. Vừa qua, sau một thời gian gián đoạn, tôi cũng cho tái khởi động lại Ngôi nhà Văn hóa Tây Tạng Hà Nội ở địa chỉ mới tại số 47 phố Thợ Nhuộm. Hiện tại, chúng tôi tích hợp các hoạt động và mô hình mang trải nghiệm văn hoá - sản phẩm - du lịch Tây Tạng vào ngôi nhà chung để có thể gọi là một ngôi nhà đúng nghĩa".

Ngoài Himalayas Vietnam - không gian văn hoá chuyên về các vật phẩm Tây Tạng, chúng tôi lần lượt cho ra đời Om Healing - trung tâm trị liệu chuông xoay Tây Tạng, Lungta Center - chuyên tour du lịch trải nghiệm các nước Himalaya, Zi Bazaar - chuyên về các sản phẩm thủ công trên "Con đường tơ lụa" (Silk Roads).

Anh Mạnh Duy chia sẻ, điều hài lòng nhất của anh trên hành trình mới này không phải sự lớn mạnh của những ngôi nhà văn hóa Tây Tạng trên khắp Việt Nam, mà là giúp cho nhiều người trải nghiệm văn hoá Nepal - Tây Tạng. Từ đó họ bén duyên với vùng đất này. Nhiều người quyết định đến với các nước nằm trong khu vực Himalaya để tìm sự cân bằng thân và tâm. Có những doanh nhân khi trở về sống chậm hơn. Có họa sĩ khi trở về tìm thấy ý tưởng cho dòng tranh thiền…

Điều tâm đắc và hạnh phúc nhất với anh khi xây ngôi nhà này chính là tìm ra con đường cho mình và "rủ" thêm được nhiều người đi đến vùng đất có con đường ấy. "Thấy nhiều người sau chuyến đi Nepal chỉ một tuần thôi nhưng bắt đầu cân bằng được thân và tâm, tôi thấy ngôi nhà đã làm được điều ý nghĩa nhất", anh Duy cho biết.

Nghe cuộc trao đổi giữa phóng viên VOV2 và anh Nguyễn Mạnh Duy tại đây: