Nhà máy Xe lửa Gia Lâm - nơi tổ chức chuỗi hoạt động chính của Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội 2023 với chủ đề “Dòng chảy” đã được thiết kế trở thành một không gian sinh hoạt cộng đồng, quy tụ các gian hàng, hội chợ thuộc nhiều lĩnh vực: sáng tạo, giải trí, thủ công mỹ nghệ, thời trang, truyền thông-quảng cáo…

Đến với Lễ hội, công chúng, đặc biệt là thanh niên và các em nhỏ có cơ hội tham gia hoạt động vui chơi ứng dụng công nghệ như: vẽ tranh, học vẽ tranh 3 chiều, du lịch giả lập, đấu trường âm nhạc, các game tương tác 3D sống động với Không trải nghiệm thực tế ảo và thực tế tăng cường - Random Techhub. Không gian trải nghiệm và tương tác Complex 01 cũng mang đến những tương tác với không gian thực tế ảo (VR) vô cùng thú vị.

Hoạt động trải nghiệm trò chơi sáng tạo "Thả Ga Zone” được thực hiện bởi Tòhe Play và Think PlayGrounds sẽ là cơ hội gắn kết các bậc phụ huynh với con em mình. Các thiết bị vui chơi được thiết kế độc đáo từ lốp xe ô tô cũ, vật liệu tái chế hứa hẹn sẽ mang đến môi trường phát triển tốt nhất cho trẻ em, truyền cho thế hệ trẻ ý thức về môi trường và khơi nguồn cảm hứng sáng tạo. Hoạt động “Dòng chữ” xuất phát từ trò chơi nối từ cũng sẽ giúp các bạn học sinh nâng cao khả năng từ vựng, kích thích trí sáng tạo.

Bên cạnh đó, nhiều hoạt động giúp nâng cao hiểu biết, bồi đắp tình yêu của các bạn nhỏ về văn hoá dân tộc. Người tham gia có thể lấp đầy chiếc bụng đói với không gian ẩm thực “Món ăn của tôi, Bản sắc của tôi – Việt Nam ơi”. Các phụ huynh và cơ sở giáo dục cũng có thể cho con em mình trải nghiệm đồ thủ công mỹ nghệ với hoạt động làm gốm “Hơi thở của Gốm”, khám phá sản phẩm mây tre đan Phú Vinh, sản phẩm sơn mài…

Tiêu biểu, tại không gian “Hơi thở của Gốm” do đội ngũ Về Làng thực hiện, các bạn trẻ và gia đình sẽ có cơ hội trải nghiệm tự tay nặn gốm, vẽ trên gốm cùng với sự hướng dẫn của những thợ gốm, các nhà thiết kế tài hoa. Các sản phẩm gốm đậm chất Việt Nam, đặc biệt là gốm mộc truyền thống không men qua các ứng dụng tượng phật, bình lọ hoa… và men sử dụng hiện đại trên gốm được thiết kế ứng dụng qua bộ sản phẩm quà tặng 12 con giáp đến từ các nghệ nhân gốm trẻ ở nhiều làng nghề của Việt Nam cũng được trưng bày.

Giữa bối cảnh đô thị hoá, chuyến du khảo “Về với bãi giữa” là một cơ hội tuyệt vời để các bạn trẻ đắm mình vào thiên nhiên nơi bãi giữa sông Hồng - “ốc đảo xanh” nằm giữa lòng thủ đô nhộn nhịp, được nuôi dưỡng tâm hồn về thiên nhiên bình dị với những hoạt động như: đạp xe, thiền, dạo bước trong vườn quả và trò chuyện với người dân ở bãi giữa.

Anh Lê Quang Bình, điều phối viên mạng lưới Vì một Hà Nội đáng sống cho biết, bãi giữa – cụ thể hơn là khu vực bãi bồi của dòng chảy sông Hồng thuộc địa phận phường Tứ Liên và Chương Dương, quận Hoàn Kiếm là “ốc đảo xanh” hiếm hoi nằm trong thủ đô hiện đại. Trái với cảnh nhộn nhịp nơi phố thị hay sự tráng lệ của những tòa cao ốc sát nhau, bãi giữa sông Hồng vẫn lưu giữ vẻ yên tĩnh, mộc mạc của những con đường đất và sắc xanh của cây. Tuy nhiên, hiếm khi ta quan tâm và đắm mình vào những cảnh sắc dung dị ấy. Vì thế, chuyến du khảo “Về với bãi giữa” sẽ đem đến cơ hội “chạm và cảm” thiên nhiên cho người tham gia. Qua những hoạt động như đạp xe, thiền, dạo bước trong vườn quả, và trò chuyện với người dân ở bãi giữa, người tham gia sẽ khám phá vẻ đẹp thiên nhiên xung quanh mình. Đây là một trải nghiệm với thiên nhiên qua các giác quan, từ đó thấy vẻ đẹp thiên nhiên tồn tại xung quanh ta và luôn gắn kết với con người.

Những hoạt động cộng đồng tại Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội 2023 hứa hẹn sẽ tạo ra không gian vui chơi, giải trí thú vị cho các gia đình, nhà trường, giúp mọi người hiểu thêm về văn hoá - nghệ thuật. Sự đam mê sáng tạo, khát khao cống hiến của đội ngũ kiến trúc sư và giới nghệ sĩ… sẽ là động lực để phát triển hoạt động sáng tạo của thủ đô ngày càng lớn mạnh. Đặc biệt, đó sẽ là nguồn cảm hứng sáng tạo dồi dào dành cho các bạn trẻ - thế hệ tương lai của Thành phố Sáng tạo và đất nước Việt Nam.