Cuốn sách “Những bước chân hy vọng” của tác giả Nguyễn Quang Thạch, người khởi xướng chương trình sách hoá nông thôn tại Việt Nam và Ấn Độ, vừa ra mắt bạn đọc. Sách dày 424 trang, do NXB Phụ nữ ấn hành. Nhà xuất bản Phụ nữ Việt Nam và tác giả Nguyễn Quang Thạch tổ chức buổi giao lưu “Hành trình Những bước chân hi vọng – chia sẻ về Khuyến đọc, Tự học và Thực làm” tại Hà Nội .

“Những bước chân hy vọng” của Nguyễn Quang Thạch tập hợp những bài viết, bài báo của tác giả, bài phỏng vấn tác giả, bài báo viết về Nguyễn Quang Thạch với những hoạt động sách hóa nông thôn…. Tất cả đều xoay quanh những trăn trở, ưu tư về con người và xã hội, về hành trình vận động ủng hộ đọc sách, đưa sách về nông thôn…

Buổi giao lưu không chỉ dừng lại ở việc giới thiệu ra mắt cuốn sách”Những bước chân hy vọng” mà thu hút đông đảo đội ngũ những người tâm huyết với sách, với phát triển văn hóa đọc bởi những câu chuyện về sự thành công và cả thất bại, những nỗi niềm đau đáu với công tác khuyến đọc, được giãi bày.

Phát biểu tại buổi giao lưu, bà Khúc Thị Hoa Phượng, Giám đốc, Tổng biên tập NXB Phụ nữ bày tỏ, sự kiện này được tổ chức với mong muốn cùng những người có trách nhiệm với xã hội nhìn lại những gì mà chương trình Sách hóa nông thôn đã làm được, cùng chia sẻ câu chuyện tự học và thực làm, cùng suy nghĩ và hành động, thắp lên niềm hi vọng: giúp con trẻ có tri thức, toàn xã hội trân quý tri thức, văn minh và sáng tạo quốc gia sẽ được nuôi dưỡng, hiển hiện trong mỗi người, mỗi nhà, phố xá, cây hoa, và nơi xa trái đất trong tương lai. “Nghĩ về Nguyễn Quang Thạch tôi thường nghĩ anh là “nhà cách mạng”. Có thể gọi anh là “nhà cách mạng khuyến đọc” với phong trào “Sách hóa nông thôn”. Thời bình, vẫn cần có những nhà cách mạng. Không phải nhà cách mạng để “chuyển dời” thể chế mà “cách mạng tư duy”, để thay đổi tương lai của quốc gia, dân tộc theo hướng tốt đẹp hơn” - Bà Khúc Thị Hoa Phượng chia sẻ.

Đồng hành cùng Nguyễn Quang Thạch trong nhiều hoạt động khuyến đọc, “người bán sách rong” Nguyễn Quốc Vương nhận định về cuốn “Những bước chân hi vọng” của tác giả Nguyễn Quang Thạch: “Đọc cuốn sách này bạn đọc sẽ hiểu được tại sao anh Nguyễn Quang Thạch lại nung nấu ý nghĩ phải “sách hóa nông thôn Việt Nam”, tại sao anh lại quyết định bỏ công việc ổn định, thu nhập tốt để dấn thân toàn diện cho công việc truyền bá tri thức và khai trí. Bạn đọc cũng sẽ hiểu được những bước đường khó khăn, thất bại và thành công của anh khi biến những ý tưởng về tủ sách dòng họ, tủ sách hậu phương chiến sĩ, tủ sách lớp học, tủ sách giáo xứ… thành thực tiễn”.

Hành trình bền bỉ, đến nay, chương trình “Sách hóa nông thôn” do Nguyễn Quang Thạch khởi xướng với sự chung tay hành động của người Việt Nam trong và ngoài nước gồm cả khu vực dân sự và chính quyền…, đã tạo nên ít nhất 30.000 tủ sách với nhiều loại hình như tủ sách phụ huynh, tủ sách lớp em, tủ sách dòng họ, tủ sách giáo xứ, tủ sách chiến sĩ… mang lại cơ hội nghe và đọc sách của nhiều trẻ em nông thôn. Từ chương trình Sách hóa nông thôn, anh Nguyễn Quang Thạch khởi xướng chương trình Tiếng Anh hóa nông thôn ở Việt Nam và vận động Sách hóa nông thôn ở Ấn Độ.

Niềm vui đã có, nhưng cũng vẫn còn đó nhiều trăn trở, suy tư cùng nỗi niềm đau đáu với sách, với phát triển văn hóa đọc. Một trong những người làm tủ sách ở Quảng Trị từ năm 2016 trong phong trào Sách hóa nông thôn của Nguyễn Quang Thạch, đến nay anh Lê Minh Tuấn đã gây dựng được 3.200 tủ sách, tương đương khoảng 250.000 cuốn sách cho trẻ em Quảng Trị. Thế nhưng, những chuyện không vui gặp phải cũng không ít. Anh Tuấn chia sẻ: "Có lần tôi muốn đến tặng tủ sách cho một trường ở Quảng Trị, lãnh đạo trường không muốn nhận sách tặng. Họ muốn xin tiền lợp lại mái tôn cho nhà trường. Chuyện các nhà trường không muốn nhận sách mà chỉ muốn xin tiền để cải tạo, nâng cấp cơ sở vật chất cho nhà trường cũng không phải chuyện hiếm có”.

Cũng tại buổi giao lưu, Nguyễn Quang Thạch cho biết cũng không ít lần anh gặp chuyện "chê sách". Đáng buồn hơn, có lần, anh phải mất nhiều công sức đi xin sách chỗ nọ chỗ kia, xin sách của các tác giả, các nhà văn nổi tiếng, phân loại rồi mang tặng các vùng nông thôn. Một thời gian sau ông thấy kho sách ông tặng được người dân mang để… chuồng heo.

Còn rất nhiều những câu chuyện khác nữa về hành trình “sách hóa nông thôn” nói riêng và công tác khuyến đọc nói chung. Những người tâm huyết với phát triển văn hóa đọc đều nhất trí rằng, việc xây dựng tủ sách, có sách đã là một hành trình không đơn gian, nhưng cái khó hơn là kéo được người dân, đặc biệt là các em nhỏ chịu đọc sách, duy trì thói quen đọc sách.

Dù hành trình khuyến đọc còn nhiều nỗi gập ghềnh nhưng Nguyễn Quang Thạch và những người chung tâm huyết vẫn kiên trì với sứ mệnh mang sách tới cho các vùng nông thôn mà họ tự nguyện khoác lên mình, bởi họ vẫn tin rằng, đó là hành trình của những bước chân đầy hy vọng.