Theo gia phả và những tư liệu lịch sử, danh nhân Phùng Bá Kỳ sinh năm Giáp Tuất (tức năm 1694), là con trai trưởng trong số 13 người con của quan Tham Nghị Phùng Khoa Hân, người được coi là Thủy tổ họ Phùng ở chi tộc Vĩnh Mỗ, phủ Tam Đái, trấn Sơn Tây (nay thuộc trị trấn Yên Lạc, huyện Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc).

Ông Phùng Khánh Chuông, Chủ tịch Hội đồng họ Phùng thị trấn Yên Lạc cho biết những thông tin được ghi trong gia phả: “Cụ Phùng Bá Kỳ tên chữ là Trác Tuynh, tên hiệu là Mặc Trai, là con trai cả của cụ thủy tổ Phùng Khoa Hân. Từ nhỏ cụ rất thông minh nổi tiếng thần đồng. Năm 17 tuổi trong kỳ thi hương đỗ đầu Cử nhân (thủ khoa) Giải nguyên. Đến khoa thi năm Ất Mùi thi Hội cụ đỗ thứ 3 hàng tiến sĩ, đứng đầu hàng đồng tiến sĩ xuất thân năm 1715. Cụ làm quan đên chức Giám sát ngự sử, sau được thăng tới chức Đông Các đại học sĩ”.

Trải qua những thăng trầm của lịch sử, những tư liệu ghi chép về danh nhân Phùng Bá Kỳ không còn nhiều, chỉ được ghi sơ lược trong cuốn “An Lãng thượng thư công gia phả” của Phan Công Huyễn ghi lại ở cuối thế kỷ thứ 18 như sau: “Văn thần Phùng Bá Kỳ đời Lê Dụ Tông, quê ở làng Vĩnh Mỗ, huyện Yên Lạc. Ông đỗ giải nguyên, đến năm Ất Mùi (1715), đỗ Tam giáp Tiến sĩ, rồi làm Đãi chế ở Viện Hàn Lâm, sau thăng dần chức Đô đài ngự sử. Năm Nhâm Tuất (1742), đời vua Lê Hiển Tông, ông được cử đi sứ Trung Quốc, khi về nước có soạn sách Sứ hoa tùng biên”.

Còn ở quê hương ông, xã Vĩnh Mỗ xưa, nay là thị trấn Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc vẫn còn lưu truyền rất nhiều những câu chuyện huyền thoại về dòng họ Phùng danh giá với truyền thống vẻ vang cả về ngạch quan văn và quan võ như cụ thủy tổ, quan Tham Nghị Phùng Khoa Hân, người không những cần mẫn trong việc giúp nước an dân mà còn chuyên tâm dạy dỗ 12 người con trai đều thành danh, trong đó nổi bật là con trưởng Phùng Bá Kỳ, con thứ Phùng Dong Oánh, Phùng Năng Kính, Phùng Khoa Chủng… là những vị quan tri phủ, tri huyện thanh liêm chính trực.

Ngoài những câu chuyện về những lời răn dạy con cháu họ Phùng được khắc trên bia đá lưu truyền đến ngày nay còn có một câu chuyện đặc biệt nữa dưới triều vua Lê Dụ Tông (trị vì từ 1705-1729) mà trong sách “Lịch triều hiến chư­ơng loại chí” của sử gia Phan Huy Chú có ghi: "Triều đại vua Lê Dụ Tông kỷ c­ương vững vàng hoàn bí, đất nư­ớc thái bình, các hình phạt bị giảm nhẹ, việc ban khen được chú ý”. Do đó, khi người con trưởng của quan Tham Nghị Phùng Khoa Hân tên là Phùng Bá Kỳ đỗ tiến sĩ ở tuổi 21, trẻ nhất khoa thi, biết thầy dạy lại chính là người cha, vua Lê Dụ Tông liền ban khen và cho phép 2 cha con cùng vinh quy bái tổ.

Về khoa thi năm Ất Mùi, niên hiệu Vĩnh Thịnh năm thứ 11, tức năm 1715, tại Văn Miếu Quốc Tử Giám, Hà Nội vẫn còn ghi danh đầy đủ các danh sĩ đỗ đạt năm ấy. Theo các tư liệu lịch sử, văn bia dựng ngày 2 tháng 3 niên hiệu Vĩnh Thịnh thứ 13 (1717), có đoạn ghi: “ Đầu xuân năm Ất Mùi, Bộ Lễ chiếu theo điển lệ mở khoa thi Hội cho các cống sĩ trong nước. Bèn sai Trung quân Đô đốc phủ Đô đốc Trạc Quận công Trịnh Thực làm Đề điệu, Bồi tụng Binh bộ Thượng thư Thọ Lâm bá Nguyễn Đăng Liên làm Tri Cống cử, Bồi tụng Lễ bộ Hữu Thị lang Phạm Công Trạch, Bồi tụng Hình bộ Hữu Thị lang Nguyễn Đương Hồ làm Giám thí cùng trăm quan hữu ty chia giữ các việc”. Khoa thi năm đó có số dự thi đông lên đến hơn 2.500 người. Vào đến trường bốn, chọn hạng xuất sắc được 20 người. Trong đó, Hoàng thượng xếp định thứ bậc cao thấp. Ban cho Bùi Sĩ Tiêm, Nguyễn Quý Ân 2 người đỗ Đệ nhị giáp Tiến sĩ xuất thân, 18 người đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân, trong đó đứng đầu là Phùng Bá Kỳ.

Cùng với những câu chuyện, giai thoại về danh nhân khoa bảng, tiến sĩ, quan Ngự sử Phùng Bá Kỳ, ngày nay tại thị trấn Yên Lạc còn nhiều dấu tích minh chứng về dòng họ Phùng Văn nổi danh cuối thế kỷ XVII, đầu thế kỷ XVIII. Tại nhà thờ họ Phùng Văn ở thị trấn Yên Lạc cũng còn lưu giữ được một số sắc phong, các bức đại tự, câu đối thể hiện công lao dấu tích của các bậc tiền nhân xưa. Ông Phùng Khánh Chuông cho biết: "Tại nhà thờ họ Phùng Văn còn lưu giữ 3 đạo sắc phong và bảng vàng và bức đại tự mang 3 chữ: Trung hiếu đường, câu đối thì rất nhiều”.

Bên cạnh đó, tên tuổi của 2 danh nhân họ Phùng là Phùng Bá Kỳ và Phùng Dong Oánh được đặt tên cho các đường phố ở TP Vĩnh Yên và thị trấn Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc. Những dấu tích đó tôn thêm niềm tự hào và lòng biết ơn của con cháu đối với các bậc tiền nhân.

Bạn trẻ Phùng Thu Hương, sinh viên năm 2 trường Đại học Ngoại Thương Hà Nội, hậu duệ dòng họ Phùng Vĩnh Mỗ tự hào chia sẻ: “Mỗi khi đi qua những con phố mang tên cụ Phùng Bá Kỳ, cụ Phạm Dong Oánh tôi rất tự hào, còn chủ động giới thiệu với các bạn tôi đó là các bậc tiền nhân của dòng họ nhà tôi. Chính những sức mạnh tinh thần ấy thúc đẩy tôi cố gắng để học tập tốt hơn, rèn luyện bản thân tốt hơn, có những kế hoạch cụ thể hơn cho bản thân mình để noi theo và xứng đáng với truyền thống của dòng họ”.

Con cháu họ Phùng ngày nay luôn ghi nhớ và tuân theo lời răn dạy của cha ông thuở trước, trong đó nhiều người đỗ đạt là Tiến sĩ, Thạc sỹ, kỹ sư, cử nhân và doanh nhân thành đạt. Anh Phùng Văn Tuyến hậu duệ dòng họ Phùng Vĩnh Mỗ chia sẻ: “Rất may mắn tôi được sinh ra trong dòng họ Phùng Thị trấn Yên Lạc và cũng là hậu duệ của các cụ là danh nhân của tỉnh Vĩnh Phúc. Cá nhân tôi rất tự hào và luôn luôn phải tự nhủ bản thân mình làm sao để sống tốt có ích cho xã hội”.

Với những đóng góp của mình cho sự nghiệp khoa bảng, Tiến sĩ Đệ Tam Giáp Đồng xuất thân được hậu thế tôn ngưỡng và biết ơn, ông được phối thờ tại Nhà thờ họ Phùng Văn ở thị trấn Yên Lạc, huyện Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc, nơi đã được xếp hạng di tích cấp tỉnh vào tháng 2/2015.

Mời nghe âm thanh tại đây: