Tham dự hội nghị có lãnh đạo Bộ Ngoại giao, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Ủy ban quốc gia UNESCO Việt Nam, Đại sứ, Trưởng đại diện một số Cơ quan đại diện ngoại giao của các nước, Tổ chức quốc tế tại Việt Nam, các chuyên gia quốc tế, và đại diện 32 tỉnh, thành phố của Việt Nam có di sản được UNESCO ghi danh.
Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Phạm Quang Ngọc - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình cho biết: Việc phối hợp với Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam đồng chủ trì tổ chức Hội nghị quốc tế “Phát huy giá trị các danh hiệu UNESCO phục vụ phát triển bền vững tại Việt Nam” là cơ hội để Ninh Bình và các tỉnh có di sản thế giới nói riêng, các đối tác toàn cầu nói chung đẩy mạnh trao đổi, hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm và tầm nhìn chung về thực hiện bảo tồn, phát huy giá trị các danh hiệu UNESCO. Đặc biệt, Ninh Bình mong được các chuyên gia, bạn bè, đối tác chia sẻ những kinh nghiệm và tầm nhìn về kiến tạo thể chế đặc thù cho quản lý và phát triển đô thị di sản được UNESCO vinh danh; cơ chế đặc thù giải phóng và huy động nguồn lực cho bảo tồn và phát triển di sản; các phương thức đô thị hóa và phân loại đô thị phù hợp chức năng đô thị di sản sở hữu danh hiệu của UNESCO, tránh được áp lực của mô hình “đô thị nén” gây xung đột với yêu cầu bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới; sáng tạo nên mô hình cư trú và sinh kế chuyển đổi phù hợp cho cư dân trong các đô thị di sản hướng vào giải quyết tốt cả mục tiêu bảo tồn và phát triển; mở rộng cơ hội hợp tác và thúc đẩy kết nối giữa các đô thị di sản mà UNESCO đã vinh danh.
Ông Nguyễn Văn Hùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho rằng, trong suốt 47 năm kể từ khi chính thức là thành viên của UNESCO từ năm 1976, người Việt Nam đã phát huy tâm thế và mang nhận thức đó vào trong tất cả các hoạt động, hợp tác với các đối tác, nhất là với UNESCO. Quan hệ Việt Nam - UNESCO là hình mẫu tốt về hợp tác hiệu quả, ở đó Việt Nam - UNESCO là những người bạn cùng chí hướng, chung tầm nhìn và đều rất kiên trì, bền bỉ trong thực hiện các cam kết.
"Với nguồn tài nguyên văn hóa và thiên nhiên đồ sộ, phong phú, đặc sắc, có thể nói, các di sản văn hóa và thiên nhiên của Việt Nam được UNESCO ghi danh đã giúp khơi dậy niềm tự hào và khuyến khích mạnh mẽ các cộng đồng có di sản, các cấp chính quyền địa phương, toàn xã hội quan tâm, tự nguyện và chủ động tham gia, đóng góp bảo vệ di sản, đẩy mạnh giới thiệu, quảng bá di sản văn hóa của địa phương, tạo thêm động lực trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội. Thực tế cho thấy, các di sản văn hóa sau khi được UNESCO công nhận, ghi danh đã trở thành những điểm đến du lịch hấp dẫn, tạo nên thương hiệu cho các địa phương có di sản, góp phần không nhỏ trong công cuộc phát triển kinh tế - xã hội. Theo thống kê, trước thời điểm dịch COVID-19, năm 2019, các Di sản Thế giới ở Việt Nam đã đón trên 18,2 triệu lượt khách đến thăm quan, tìm hiểu, trải nghiệm, với tổng doanh thu từ vé tham quan, dịch vụ đạt 1.800 tỷ đồng”, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng thông tin.
Tại hội nghị lần này, các đại biểu tập trung thảo luận 3 phiên chuyên đề trọng tâm gồm: Thực tiễn về phát huy danh hiệu UNESCO phục vụ phát triển bền vững tại Việt Nam; Chia sẻ kinh nghiệm quốc tế về phát huy danh hiệu UNESCO phục vụ phát triển bền vững; Và giải pháp huy động nguồn lực trong bảo tồn và phát huy giá trị danh hiệu UNESCO phục vụ phát triển bền vững.
Tính đến tháng 05/2023, Việt Nam đã có 57 danh hiệu UNESCO, bao gồm 8 di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới, 15 di sản văn hóa phi vật thể, 9 di sản tư liệu cấp khu vực và thế giới, 11 khu dự trữ sinh quyển thế giới, 3 công viên địa chất toàn cầu, 3 thành phố học tập toàn cầu UNESCO, 1 thành phố sáng tạo, 1 thành phố hòa bình, 6 danh nhân quốc tế. Các danh hiệu của UNESCO đã đem lại nhiều lợi ích to lớn cho phát triển kinh tế xã hội, nâng cao đời sống cộng đồng, phục vụ phát triển bền vững và bao trùm tại Việt Nam.
Đánh giá về việc bảo tồn, phát huy giá trị di sản được UNESCO ghi danh của Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Hà Kim Ngọc, Chủ tịch Ủy ban UNESCO Việt Nam cho biết: Trong những năm qua, công tác bảo tồn và phát huy giá trị danh hiệu UNESCO của Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, góp phần hình thành thương hiệu mỗi địa phương và đóng góp lớn cho sự phát triển kinh tế xã hội thông qua thu hút khách du lịch, chuyển đổi cơ cấu phát triển kinh tế, mô hình tăng trưởng xanh. Văn hóa đã thực sự là nền tảng, giáo dục là động lực, khoa học công nghệ là mũi nhọn của phát triển bền vững. "Một số địa phương đã được UNESCO đánh giá rất tốt trong việc trùng tu, bảo tồn như: Quần thể Di tích Cố đô Huế, Phong Nha - Kẻ Bàng (Quảng Bình), Hội An (Quảng Nam); cũng như tiến bộ trong công tác khảo cổ học phát lộ ra nhiều di tích quan trọng tại Hoàng Thành Thăng Long (Hà Nội), Thành Nhà Hồ (Thanh Hóa), Thánh địa Mỹ Sơn (Quảng Nam); việc thúc đẩy mô hình phát triển xanh, sạch và bền vững thông qua các Công viên địa chất toàn cầu ở Cao Bằng, Hà Giang, Đắk Nông…; việc thúc đẩy vai trò của thanh niên trong quản lý và bảo vệ giá trị các khu dự trữ sinh quyển thế giới; việc tận dụng các danh hiệu của “Chương trình Ký ức thế giới” ở cấp độ thế giới và khu vực Châu Á-Thái Bình Dương, các danh hiệu thành phố sáng tạo, thành phố học tập toàn cầu tại Hải Phòng, Nam Định, Nghệ An, Lâm Đồng, Thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Đồng Tháp, Cà Mau, Kiên Giang và nhiều địa phương khác".
Tuy nhiên, bên cạnh những câu chuyện thành công, ở một số địa phương sở hữu danh hiệu vẫn đang trăn trở trước những thách thức giữa bảo tồn và phát triển. Phát triển kinh tế nhiều lúc không khớp nhịp với bảo tồn và phát huy giá trị danh hiệu UNESCO; Việc ứng dụng công nghệ số trong quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản còn hạn chế. Thách thức lớn nhất vẫn là hài hòa giữa phát triển lợi ích kinh tế và bảo tồn các di sản văn hóa, thiên nhiên, địa chất, sinh quyển.
Nằm ở trung tâm vùng duyên hải miền Trung, Quảng Nam có 2 Di sản Văn hóa thế giới là Khu đền tháp Mỹ Sơn và Đô thị cổ Hội An được UNESCO công nhận vào ngày 04/12/1999; Nghệ thuật Bài chòi Trung bộ Việt Nam được UNESCO vinh danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại vào 07/12/2017. Đây là niềm tự hào vinh dự của chính quyền và Nhân dân tỉnh Quảng Nam, song cũng đặt ra cho Quảng Nam những thách thức trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa của nhân loại gắn với sự phát triển bền vững của địa phương khi sự phát triển nhanh chóng của ngành du lịch cũng có thể đe dọa các Giá trị nổi bật toàn cầu, tính toàn vẹn, tính xác thực của các di sản.
"Một trong những biện pháp được tỉnh Quảng Nam xem là hiệu quả nhất và có tính bền vững chính là phát huy vai trò của cộng đồng đối với công tác bảo tồn các giá trị di sản văn hóa. Để di sản văn hóa thế giới được bảo tồn và phát huy giá trị, góp phần thu hút du khách và phát triển du lịch thì phải cần đến sự chung sức của cả cộng đồng, cần có cơ chế chính sách đúng đắn, trong đó đề cao và đặt lợi ích của cộng đồng từ việc phát huy giá trị di sản được bảo tồn thông qua phát triển du lịch. Cộng đồng dân cư là đối tượng hưởng lợi lớn từ du lịch cả về vật chất lẫn tinh thần. Nhờ vậy mà thành phố Hội An là một trong những địa phương dẫn đầu tỉnh về mức sống dân cư, tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh; các di sản được UNESCO vinh danh trên địa bàn tỉnh Quảng Nam không những tránh được nguy cơ hư hại, xuống cấp, mai một, mà quan trọng hơn đã phát huy hiệu quả giá trị, góp phần tích cực trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương có di sản và của tỉnh Quảng Nam nói chung". Ông Hồ Quang Bửu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam chia sẻ kinh nghiệm.