“Thực tiễn 7 năm triển khai chiến lược phát triển công nghiệp văn hóa đã tạo ra sự chuyển biến tích cực, đóng góp hơn 4% GDP, nhưng để công nghiệp văn hóa phát triển xứng tầm, có thể đóng góp 7% GDP vào năm 2030 như chiến lược đề ra vẫn còn nhiều điểm nghẽn cần nhìn thẳng để “cởi trói” - Đó là nhận định của nhiều đại biểu tại Hội thảo tham vấn "Đề án chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045" do Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam phối hợp với Cục Bản quyền tác giả (Bộ VH-TT&DL) tổ chức ngày 09/07. Hội thảo tham vấn là hoạt động nằm trong khuôn khổ của việc triển khai thực hiện nhiệm vụ "Xây dựng Đề án Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045".

Ngày 08/9/2016, Thủ tướng Chính phủ kí ban hành Quyết định số 1755/QĐ-TTg phê duyệt “Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030”. Việc ban hành Chiến lược này đã tạo ra sự chuyển biến tích cực và đổi mới đối với các ngành công nghiệp văn hóa (CNVH).

PGS.TS Nguyễn Thị Thu Phương, Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam cho biết, năm 2022, các ngành CNVH Việt Nam bước đầu đạt được một số kết quả đáng khích lệ, đóng góp ước đạt 4,04% GDP, tạo 1 triệu việc làm cho xã hội. Doanh thu xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ văn hóa, số lượng doanh nghiệp và các không gian văn hóa, trung tâm sáng tạo, thành phố sáng tạo trong mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO trong cả nước tăng lên. Nhiều sản phẩm, dịch vụ sự kiện, chương trình văn hóa nghệ thuật đã thể hiện sống động bản sắc, tinh thần sáng tạo Việt Nam, góp phần phát huy sức mạnh mềm văn hóa trong hội nhập quốc tế.

Những kết quả khả quan này là tổng hòa của sự nỗ lực hợp tác của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và nhiều cơ quan chính phủ khác trong việc xây dựng và cải thiện khung khổ chính sách, cơ chế liên quan... cho tới việc triển khai các kế hoạch và nhiệm vụ cụ thể ở cả cấp trung ương và địa phương. Và quan trọng nhất là sự tích cực và chủ động tham gia của các cá nhân nghệ sỹ, người thực hành, doanh nhân, nhà nghiên cứu, các tổ chức xã hội nghề nghiệp, các tổ chức quốc tế... đã kết nối và dần hình thành một hệ sinh thái văn hóa và sáng tạo sống động ở nước ta trong những năm vừa qua.

Tuy nhiên, qua thực tiễn 7 năm triển khai thực hiện Chiến lược còn một số tồn tại, điểm nghẽn như: Nhận thức về vai trò, tầm quan trọng của phát triển các ngành công nghiệp văn hóa gắn với mục tiêu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế của đất nước chưa rõ, thói quen trông chờ ngân sách nhà nước cho các hoạt động sản xuất các sản phẩm, dịch vụ văn hóa vẫn tồn tại. Bên cạnh đó là quan niệm “ngành văn hóa là ngành tiêu tiền” đang tạo rào cản trong nhận thức về đầu tư các nguồn lực cho phát triển các ngành công nghiệp văn hóa. Sự kết nối phối hợp giữa các ban, ngành, cơ quan các cấp, giữa khu vực nhà nước và khu vực tư nhân còn thiếu đồng bộ, chặt chẽ. Quá trình hoàn thiện thể chế chưa tạo điều kiện ưu tiên và khuyến khích các ngành công nghiệp văn hóa phát triển...

Đặc biệt, việc đầu tư cho văn hóa chưa tương xứng với tiềm năng của các ngành CNVH trong phát triển bền vững, chất lượng nguồn nhân lực chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển các ngành CNVH. Hiệu quả thực thi các chính sách và biện pháp bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, quyền tác giả và quyền liên quan còn hạn chế, chưa thúc đẩy năng lực sáng tạo các ngành công nghiệp văn hóa...

Ở góc độ quản lý Nhà nước, ông Trần Hoàng, Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả (Bộ VH-TT&DL) cho rằng hành trình phát triển các ngành công nghiệp văn hóa sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức, nhất là trong bối cảnh mới với xu hướng toàn cầu hóa mạnh mẽ, sự phát triển như vũ bão của công nghệ. “Bản chất năng động của các ngành công nghiệp văn hóa và sáng tạo đòi hỏi chúng ta phải có những đánh giá thường xuyên, điều chỉnh kịp thời và thích ứng liên tục với bối cảnh mới đó để tối đa hóa nguồn lực hiện có, nắm bắt xu hướng phát triển của tương lai trong lĩnh vực này” – ông Trần Hoàng nhấn mạnh.

Tại hội thảo, các chuyên gia đã khách quan nhìn nhận về những thách thức, nhất là trong bối cảnh mới với xu hướng toàn cầu hóa mạnh mẽ, sự phát triển như vũ bão của công nghệ kỹ thuật số và các công nghệ mới của cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Nhiều chuyên gia bày tỏ mong muốn Nhà nước cần có những cơ chế, chính sách làm “bệ đỡ” cho công nghiệp văn hóa, cụ thể là tạo điều kiện hỗ trợ các doanh nghiệp ngoài Nhà nước, có chính sách miễn giảm thuế cho doanh nghiệp liên quan đến công nghiệp sáng tạo.

"Nhà nước cần tăng đầu tư cho văn hóa, sử dụng các công cụ tài chính, ưu đãi thuế, thu hút các nguồn lực, xây dựng và mở rộng thị trường văn hóa, thông qua việc học tập kinh nghiệm của các nước. Cùng với đó, xem xét xây dựng những công cụ tài chính riêng cho phát triển văn hóa thông qua hệ thống các quỹ hỗ trợ trên các lĩnh vực văn hóa như: Quỹ phát triển điện ảnh, Quỹ hỗ trợ văn hóa số, Quỹ hỗ trợ nghệ thuật… áp dụng giảm thuế giá trị gia tăng đối với các sản phẩm và dịch vụ văn hoá và cho phép tính các khoản tài trợ cho văn hóa nghệ thuật vào chi phí của doanh nghiệp, sớm có hướng dẫn cách thức “gọi vốn đám đông” - bà Nguyễn Thị Phương Hoà, Cục trưởng Cục Hợp tác quốc tế, Bộ VH-TT&DL nêu ý kiến.

Từ kinh nghiệm tổ chức Lễ hội Âm nhạc quốc tế Gió mùa, nhạc sỹ Quốc Trung cho rằng việc doanh nghiệp tư nhân muốn sử dụng các thiết chế văn hóa Nhà nước còn nhiều rào cản về kinh phí, giấy tờ, thủ tục. Do đó, nhiều thiết chế văn hóa do Nhà nước đầu tư bị lãng phí, chưa được vận hành hiệu quả. “Hiện nay Nhà nước chưa có chính sách hỗ trợ cụ thể cho các doanh nghiệp tư nhân phát triển công nghiệp văn hóa, trong khi đây là lĩnh vực đòi hỏi quá trình đầu tư. Sự hỗ trợ từ phía Nhà nước nên được chia đều cho các đơn vị trong và ngoài Nhà nước để thúc đẩy sự công bằng và khích lệ các doanh nghiệp tư nhân có đóng góp vào công nghiệp văn hóa vì họ cũng có đóng thuế, có trách nhiệm xã hội đầy đủ”.

Bà Trương Uyên Ly, Giám đốc Không gian sáng tạo trực tuyến Hanoi Grapevine cho rằng, để phát triển công nghiệp văn hóa bài bản cần thành lập Ban hành động về công nghiệp văn hóa liên bộ ngành trực thuộc Chính phủ để đẩy mạnh sự kết nối trong thực hiện công nghiệp văn hóa. Bên cạnh đó, theo bà Trương Uyên Ly, khu vực tư nhân tạo ra một lực đẩy để công nghiệp văn hóa phát triển nhanh, do vậy rất cần một cơ chế cho khối tư nhân như giảm thuế cho doanh nghiệp, hoặc trong hoạt động thường ngày nên có mức thuế phù hợp: “Chúng ta đã có những bước tiến trong quan hệ công-tư nhưng cần phải hiện thực hóa những vấn đề thuế, hạn mức, định mức thanh toán, thời hạn thanh toán… Những vấn đề đó có tác động rất lớn đến doanh nghiệp”.

Từ góc độ doanh nghiệp, ông Lê Quốc Vinh, Chủ tịch Tập đoàn Truyền thông Lê (Le Bros) nhận định, công nghiệp văn hóa phải hội tụ đầy đủ các yếu tố của nền kinh tế thị trường như: doanh nghiệp, khối vận hành sản xuất, người thực hành sáng tạo, khâu trung gian phân phối, người tiêu thụ sản phẩm (khách hàng, công chúng) và nhà quản lý công nghiệp văn hóa. Ông Lê Quốc Vinh cho rằng doanh nghiệp, nhà đầu tư giữ vai trò rất quan trọng trong mối quan hệ này, do đó Nhà nước cần quan tâm, khích lệ, hỗ trợ để doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư cho văn hóa. “Nền kinh tế sáng tạo đang thay đổi rất nhanh. Cái áo chật hẹp của cơ chế đang trói buộc chúng ta khiến Việt Nam chưa bắt nhịp được xu hướng công nghiệp văn hóa giải trí toàn cầu” - ông Lê Quốc Vinh nhấn mạnh.

Phát triển công nghiệp văn hóa bước đầu đã đạt được một số kết quả đáng khích lệ, thổi luồng gió mới cho tư duy sáng tạo không giới hạn. Tuy nhiên, để đạt được kỳ vọng đóng góp 7% GDP vào năm 2030, để thực sự trở thành chiếc “đòn bẩy’, ngành công nghiệp văn hóa cần một điểm tựa, cần phải được đầu tư xứng tầm và phải được “cởi trói” cho nhiều điểm nghẽn về cơ chế, chính sách.