Sau khi phát hành trong nước, Trấn Thành đã đưa “Bố già” chinh phục nhiều thị trường quốc tế như Mỹ, Singapore, Malaysia và Australia. Tính đến ngày 15/6, “Bố già” đã công chiếu tại 45 rạp trên toàn nước Mỹ, đạt doanh thu hơn 1 triệu USD, đánh dấu cột mốc mới cho phim Việt Nam tại kinh đô điện ảnh thế giới.

Cùng với “Bố già”, các phim “Hai Phượng”, “Lật mặt”, “Thiên thần hộ mệnh” cũng ghi nhận nhiều kết quả ấn tượng khi công chiếu ở thị trường nước ngoài. Ngô Thanh Vân đã đưa “Hai Phượng” đi công chiếu tại Trung Quốc và Mỹ, thu về hơn 2 triệu USD. Hai phần phim “Lật mặt: Nhà có khách” và “Lật mặt 48h” của đạo diễn Lý Hải cũng được phát hành tại Mỹ và Australia. Còn “Thiên thần hộ mệnh” được đạo diễn Victor Vũ đem công chiếu tại 12 thị trường bao gồm: Mỹ, Anh, Pháp, Ireland, Malaysia, Indonesia, Philippines, Canada, Cộng hòa Czech, Singapore, Hungary, Australia.

Nội dung mang bản sắc Việt Nam

Theo đạo diễn Victor Vũ, khi đã ra đến thị trường quốc tế phải tính đến “khẩu vị” của người xem. Bên cạnh nội dung cuốn hút, giàu tính giải trí, phim Việt muốn cạnh tranh ở nước ngoài phải mang “bản sắc và phong vị Việt Nam”.

“Khi một bộ phim muốn ra thế giới thì nội dung của nó phải vượt khỏi giới hạn về ngôn ngữ và văn hóa", vị đạo diễn Việt kiều nói. "Đó phải là những câu chuyện về con người, có những yếu tố mà bất cứ dân tộc hay quốc gia nào xem cũng cảm được. Thứ hai là những thể loại kinh dị, hành động… sẽ dễ đi xa hơn”.

Chia sẻ quan điểm của đạo diễn Victor Vũ, đạo diễn Đinh Tuấn Vũ – người được đào tạo ở nước ngoài, có nhiều kinh nghiệm hợp tác quốc tế với các đoàn phim Mỹ và Hàn Quốc cũng nhấn mạnh, phim Việt phải đề cao yếu tố bản sắc ở khía cạnh nội dung: “Theo tôi điều quan trọng với điện ảnh Việt Nam khi ra quốc tế là chúng ta phải đưa được câu chuyện của con người Việt Nam vào bộ phim".

Khi điện ảnh Việt Nam chưa thể có kinh phí lớn để đầu tư thì chúng ta phải tập trung vào những câu chuyện nhỏ như vậy. Chúng ta có thể nhìn sang đất nước Iran. Họ có những bộ phim kinh phí chỉ vài chục ngàn USD, nhưng họ vẫn tạo ra được những câu chuyện có bản sắc rất riêng, những câu chuyện mang đậm yếu tố gia đình, bản sắc xã hội của họ. Khi thế giới xem những bộ phim đó họ hiểu hơn về con người Iran. Đó là tiền đề để họ đạt được nhiều giải thưởng uy tín trên thế giới. Tôi nghĩ thời điểm này (và có thể nhiều năm sau nữa), chúng ta nên tập trung vào những câu chuyện như vậy, khai thác sâu về tâm lý con người Việt Nam. Chính cái tâm lý đó, cách xử sự đó là cái khác biệt, cái đặc biệt so với những nước khác trên thế giới”, Đinh Tuấn Vũ chia sẻ.

Đáp ứng tiêu chuẩn kĩ thuật quốc tế ngặt nghèo

Sau yếu tố nội dung là đến khâu kĩ thuật. Nếu gọi nội dung là “điều kiện cần” thì kĩ thuật là “điều kiện đủ” để phim Việt tiến ra nước ngoài. Đạo diễn Lý Hải và nhà sản xuất Minh Hà chia sẻ, khi ê-kíp đưa series “Lật mặt” đi chiếu ở Mỹ phải đáp ứng những yêu cầu cực kì khắt khe, không phải phim cứ đạt chuẩn về âm thanh, hình ảnh, màu sắc là được mà ngay cả các tiêu chí như làm poster, standee, banner quảng cáo... cũng phải theo chuẩn quốc tế về thiết kế ấn phẩm giải trí.

Đạo diễn Lý Hải nói: “Muốn ra thế giới thì trước tiên chúng ta phải học theo thế giới, phải làm phim chiều theo khán giả. Hồi xưa, 5-7 năm về trước khán giả xem một phim đơn thuần cũng có thể hài lòng vừa ý rồi, nhưng bây giờ khán giả rất khó tính. Họ đã tiếp cận nhiều dòng phim nước ngoài, nếu chúng ta làm phim đơn giản quá thì sẽ bị so sánh và không được chấp nhận. Thế nên mỗi người đều phải có ý thức nâng tầm nền điện ảnh của mình lên”.

Nhà sản xuất Ngô Thanh Vân từng mất đến 7 tháng để thiết kế lại “Hai Phượng” đạt chuẩn quốc tế mới có thể đem đi trình chiếu tại Mỹ. Khó khăn là thế nhưng chính vì vậy mà Ngô Thanh Vân học hỏi được rất nhiều, đến các sản phẩm sau này chỉ cần áp dụng đúng công thức đó từ đầu là có ngay một sản phẩm hoàn chỉnh, đủ điều kiện phát hành nước ngoài.

Tự chào hàng thông qua các liên hoan phim quốc tế

Với mong muốn đưa điện ảnh Việt đến gần hơn với công chúng thế giới, nhiều bộ phim cũng tìm đường đến các liên hoan phim quốc tế. Các nhà làm phim cũng phải có tố chất làm kinh doanh, phải biết cách gọi vốn, quảng bá cho phim của mình. Chẳng hạn như với phim “Cha cõng con”, ê-kíp của đạo diễn Lương Đình Dũng đã tự tìm kiếm kinh phí để đưa phim đi dự các liên hoan vòng quanh thế giới, đạt giải “Phim nước ngoài hay nhất” tại Liên hoan phim Quốc tế Arizona lần thứ 26 và giải “Phim Châu Á xuất sắc nhất” tại Liên hoan phim Quốc tế Iran lần thứ 36”.

Chị Nguyễn Thị Hường, trợ lí cho đạo diễn Lương Đình Dũng trong bộ phim “Cha cõng con” chia sẻ: “Anh Dũng có sự kết hợp của một nhà kinh doanh và một người làm đạo diễn. Anh ấy không quá thiên về làm nghệ sỹ mà quên mất mình đang làm kinh tế nên đó là một con người rất nghệ nhưng rất nhanh về mặt sản xuất, tính toán".

Hay đạo diễn Victor Vũ, với những quan hệ sẵn có, không ít lần đưa các phim của mình ra quốc tế. Có thể kể ra “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh" được giới thiệu tại Liên hoan phim Cannes 2015, đạt giải thưởng Phim hay nhất tại Liên hoan phim quốc tế Silk Road 2015, đồng thời là đại diện chính thức của Việt Nam tại vòng sơ loại cho hạng mục Phim nói tiếng nước ngoài hay nhất tại Oscar 2017. “Người bất tử” tham dự hạng mục “Lát cắt châu Á” ở Liên hoan phim quốc tế Tokyo. Mới đây nhất, tác phẩm "Mắt Biếc" cũng trở thành đại diện chính thức của Việt Nam tại vòng sơ loại hạng mục “Phim nói tiếng nước ngoài hay nhất” tại Oscar 2021.

Marketing không chỉ thể hiện ở những yếu tố to tát mà đôi khi chỉ ở những chi tiết kĩ thuật nhỏ như đặt tên phim. Cùng một nội dung, làm sao để có một cái tên gây tò mò, thu hút sự chú ý của khán giả... là cả một quá trình nghiên cứu công chúng đích, tìm hiểu thói quen sở thích của họ để đặt tên cho phù hợp. Chẳng hạn như câu chuyện của phim “Gái già lắm chiêu”. NSND Lê Khanh, tham gia phần thứ 5 “Gái già lắm chiêu” kể: “Khi tiếp cận với yêu cầu hợp tác của đoàn phim, bản thân tôi và một số diễn viên khác rất ngại ngùng với cái tên phim. Tôi có hỏi là ‘có thể đổi tên phim Gái già lắm chiêu không?’, nghe có gì đó không sang trọng, không cao quí, hơi thị trường".

"Mà các bạn lại nói là muốn tôn vinh Huế, muốn quảng bá mọi giá trị của Huế... nhưng khi đọc cái tên ấy chúng tôi hơi ngần ngại. Nhưng nhà sản xuất đã thuyết phục rằng, chúng em cũng có thể đặt tên khác, kiểu như ‘Nàng thơ xứ Huế’ hay gì đó... nhưng sợ rằng như thế không ‘hot”, không thu hút. Cái tên này có thể khiến mọi người không tin tưởng, nhưng chắc chắn sẽ thu hút khán giả, người ta sẽ tò mò".

"Đến ngày ra mắt phim rất thành công về doanh thu. Thứ hai là phần hình ảnh, những cảnh phim bên ngoài rất bình thường sau mọi người tìm đến rất đông, xem đôi diễn viên ấy hôn nhau ở bối cảnh nào. Nội dung phim cũng không hề làm mất đi những giá trị cao đẹp của Huế mà còn góp phần làm mọi người biết đến Huế sâu hơn, rộng hơn”, NSND Lê Khanh chia sẻ.

Gần đây, sự lên ngôi của các nền tảng phim trực tuyến trong bối cảnh đại dịch Covid-19 bùng phát toàn cầu đã mang đến thêm hy vọng vươn mình ra biển lớn của phim Việt. Có thể nhận thấy, Netflix đang tăng dần sự quan tâm với thị trường phim Việt thông qua các hoạt động mua bản quyền, làm đầy thêm kho phim Việt. Việc các bộ phim của Việt Nam được chiếu thương mại ở nước ngoài hoặc trên kênh chiếu phim trực tuyến lớn như Netflix sẽ góp phần xây dựng, định vị thương hiệu điện ảnh Việt trên trường quốc tế.