Hiện tại, TP.Hà Nội đang dẫn đầu xu hướng phát triển phố đi bộ trong không gian đô thị trên cả nước. Ngoài phố đi bộ Hồ Gươm và quanh khu phố cổ còn có phố đi bộ Trịnh Công Sơn, Thành cổ Sơn Tây, Đảo ngọc – Ngũ Xã và mới đây nhất là không gian đi bộ phố Trần Nhân Tông và phụ cận. Có thể nói, chủ trương mở rộng phố đi bộ của Hà Nội là hoàn toàn phù hợp bởi khai thác được tối đa cảnh quan kiến trúc đường phố vốn có của Thủ đô và tạo ra nhiều không gian công cộng cho người dân. KTS Trần Huy Ánh cho rằng, chủ trương này đã hiện thực hóa một giải pháp sáng tạo nâng cao chất lượng sống cho cư dân đô thị, được người dân đón nhận một cách tích cực, được các chuyên gia trong nước và ngoài nước đánh giá rất cao. Hà Nội vốn được xây dựng rất thân thiện với việc đi bộ. Nhưng sau 20 năm trở lại đây, do chúng ta quá phụ thuộc vào các phương tiện cơ giới khác nên dẫn đến tình trạng thiếu không gian đi bộ. Phố đi bộ là cần thiết với Thủ đô vốn thiếu điểm vui chơi công cộng cho người dân.
Không gian đi bộ hồ Hoàn Kiếm đã trở thành "thương hiệu" của du lịch Hà Nội sau vài năm hoạt động. Hàng trăm sự kiện văn hóa quy mô lớn, với sự tham gia của các tỉnh, thành phố trong nước, các tổ chức quốc tế đã được tổ chức tại đây. Tuy nhiên từ thực tế của phố đi bộ Trịnh Công Sơn cho thấy, không phải tuyến phố đi bộ nào cũng đáp ứng được hiệu quả về kinh tế, văn hóa, du lịch… như kỳ vọng ban đầu. Mục tiêu mở rộng mô hình phố đi bộ ra nhiều quận, huyện và thị xã nằm trong chiến lược phát triển kinh tế đêm của Hà Nội. Thêm nhiều không gian đi bộ, chủ trương này phù hợp với xu thế phát triển đô thị xanh, thông minh của Hà Nội nhưng cũng đồng thời đặt ra thách thức về việc xây dựng đặc trưng, giá trị văn hóa, du lịch hay kinh tế riêng của mỗi một không gian đi bộ. Theo KTS Trần Huy Ánh, thành công của phố đi bộ hồ Hoàn Kiếm là đáng khích lệ nhưng nếu như tổ chức quá nhiều các lễ hội, sự kiện làm phiền đến việc đi bộ thì cũng không nên. Thế cho nên dù đã thành công rồi cũng phải thường xuyên được tiến hóa để thành công hơn.
Ở Hà Nội, mỗi phố đi bộ đều có cảnh quan chung. Nhưng do chúng ta "coppy" các mô hình rồi tổ chức chợ búa, nên làm xóa nhòa bản sắc của từng khu vực và nguy cơ thất bại rất cao. Vì vậy, cần phải nhận diện tổng thể về mặt văn hóa lịch sử. Điều đáng tiếc là các đề án làm phố đi bộ đều không hề tham khảo các chuyên gia về văn hóa, kiến trúc, xã hội, những điều tra về xã hội học. Đây là những điều cần phải bổ sung trong những bước tiếp theo” - KTS Trần Huy Ánh lưu ý.
Thước đo quan trọng nhất để phố đi bộ thành công là nhu cầu của công chúng. Mục tiêu mở không gian đi bộ là thu hút du khách. Chỉ khi mô hình này trở nên hấp dẫn, đáp ứng được nhu cầu của khách du lịch thì đó mới là sự thành công của phố đi bộ. Tuy nhiên, KTS Trần Huy Ánh cho rằng, đầu tiên là phải nâng cao chất lượng cuộc sống của chính người dân rồi mới tính đến những yếu tố khác. Khi người dân sống trong một đường phố mà hạnh phúc thì tự dưng nó sẽ thu hút khách du lịch. Mục tiêu cuối cùng của phố đi bộ là nâng cao chất lượng cuộc sống, sinh hoạt đô thị sinh động hơn, nếu đi ngược điều đó thì phải xem lại. Trước tiên đi bộ phải tiện nghi, đi bộ phải an toàn. Và cần có những hoạt động khiến việc đi bộ thú vị hơn. Cả thành phố đã là một tổ hợp dịch vụ khổng lồ rồi thì chúng ta nên biến dịch vụ thành chuyển đổi số hoàn toàn.
Để phát huy tiềm năng du lịch của thủ đô Hà Nội, điều chúng ta nên quan tâm không phải số lượng phố đi bộ hình thành, mà là chất lượng kết nối không gian và tạo ra giá trị của các tuyến phố đó. Trước khi đưa một tuyến phố đi bộ vào khai thác, lãnh đạo UBND các quận, huyện cần phải tính toán đến nhiều yếu tố. Đặc biệt là mỗi tuyến phố đi bộ phải tạo được những giá trị đặc sắc riêng. Để làm được điều này, KTS Trần Huy Ánh cho rằng, mỗi địa phương cần phải nhận diện một cách đầy đủ chứ đừng "coppy" mô hình của phố này rồi nhân rộng ra phố khác. Điều này khiến nó cứng nhắc và khả năng thất bại là rất cao. Phố đi bộ cũng là cơ hội là đột phá trong phương pháp quản trị. Ngoài khai thác cảnh quan thiên nhiên sẵn có thì cũng cần phải nâng cao chất lượng quản trị đô thị, thậm chí là phải kiểm soát chất lượng các dịch vụ.
Người Hà Nội vốn dĩ khao khát có những không gian đi bộ đúng nghĩa, nhằm thỏa mãn nhu cầu thư giãn giải trí, hưởng thụ đời sống văn hóa tinh thần. Nhưng điều đó không có nghĩa là có thể đưa vào hoạt động một cách tràn lan, không hiệu quả. Thực tế có những tuyến phố đi bộ chẳng bao lâu sau thời điểm khai trương đã nhanh chóng trở nên nhạt nhẽo và rời khỏi tâm trí người dân, du khách. Trong khi, những tuyến phố đi bộ mới thì vẫn tiếp tục được hình thành. Chính vì thế, các cơ quan quản lý cần có sự nghiên cứu kỹ lưỡng, làm sao để tạo cho không gian này có những đặc trưng, giá trị riêng, tránh tình trạng chạy theo trào lưu, số lượng.