Bế quan tỏa cảng. "Trên trải thảm, dưới rải đinh".

Chúng ta sẽ không tìm thấy bất cứ một từ hoặc ý nào trong Luật Điện ảnh cản trở hội nhập quốc tế. Nhưng với những quy định hiện hành thì đúng là “trên trải thảm, dưới rải đinh”. Đơn cử như quy định tiền kiểm kịch bản của đoàn phim quốc tế trước khi cấp phép quay phim tại Việt Nam. Một dự án điện ảnh bom tấn quốc tế có tính bảo mật rất cao, thậm chí tên dự án phải đặt mật danh, thay đổi nhiều lần để đánh lạc hướng báo chí. Đó là còn chưa nói đến chuyện, quy trình bảo mật tác phẩm điện ảnh khi trình duyệt ở nước ta còn để lọt, đôi khi chính hội đồng lại là nơi làm lộ tác phẩm.

Nhiều đoàn phim quốc tế mê mệt cảnh đẹp thiên nhiên Việt Nam, nhưng cuối cùng đành ngậm ngùi sang quay tại Thái Lan, Philipines, Singapore... nơi họ được trải thảm đỏ đón chào với những quy định hoàn thuế, tạo điều kiện hết sức. Nhà sản xuất Trần Thị Bích Ngọc, người từng có nhiều kinh nghiệm hợp tác quốc tế trong sản xuất điện ảnh cho rằng, nếu cứ đóng chặt cửa, “bế quan tỏa cảng” điện ảnh như hiện nay khiến hàng trăm triệu USD đầu tư nước ngoài – lẽ ra đổ vào Việt Nam lại chảy sang các nước khác trong khu vực.

“Nhìn vào quy mô thị trường kinh tế do hợp tác quốc tế mang lại đối với thị trường điện ảnh Việt Nam, chúng ta sẽ thấy con số là vô cùng lớn”, bà Ngọc phân tích. “Trước khi dịch Covid bùng phát, chỉ riêng trong năm 2019 đã có 740 đoàn phim quốc tế vào làm việc tại Thái Lan, đem lại doanh thu 150 triệu USD. Còn ở Hungary, quốc gia được coi là trung tâm phim trường của châu Âu và Mỹ, năm 2018 ghi nhận doanh số 323 triệu USD (trong đó 94% đến từ các dự án hợp tác quốc tế). Nếu chúng ta có chính sách cởi mở, tôi tin là sẽ có sự thúc đẩy quy mô thị trường điện ảnh cả về kinh tế và sáng tạo”.

Thực tế, không phải không có đoàn phim quốc tế nào đến Việt Nam, 2 dự án điển hình gần đây là “Kong: Đảo đầu lâu” và một vài TV series (loạt phim truyền hình) hợp tác HBO. Nhưng những dự án đó mang dấu ấn của một vài cá nhân hơn là tạo ra một quy trình cởi mở để thu hút đầu tư từ điện ảnh. Cụ thể, theo nguồn tin riêng của VOV2, ngay khi biết đạo diện phim Kong đang ở Tp.HCM, nguyên Cục trưởng Cục Hợp tác Quốc tế, Bộ VH-TT&DL Nguyễn Văn Tình và giám đốc Trung tâm Xúc tiến Du lịch Trần Nhất Hoàng bỏ tiền túi bay vào để thuyết phục đoàn phim đến quay tại Việt Nam. Đơn vị này sau đó cũng hỗ trợ đoàn phim rất nhiều, qua đó tạo ấn tượng tốt.

Chỉ trong 1 tháng ghi hình tại Việt Nam, đoàn phim “Kong: Đảo đầu lâu” đã chi ra tới 16 triệu USD (hơn 360 tỉ đồng). Đạo diễn Kong Jon Voigt-Roberts về sau còn nhận lời làm Đại sứ Du lịch Việt Nam, tạo ra hiệu ứng lan tỏa tốt đẹp đến vài năm sau. Tuy nhiên, tiếc là những dự án như Kong chỉ là điển hình hiếm hoi cho sự hợp tác quốc tế thành công. Nhà sản xuất Trần Thị Bích Ngọc cho rằng: “Trong lĩnh vực hợp tác sản xuất quốc tế, khi nhìn vào dự thảo Luật hiện giờ thì tôi thấy dường như chưa có một sự chủ động, vai trò dẫn dắt của nhà nước để tập trung phát triển mảng hợp tác quốc tế”.

Nên chăng, thay vì đòi duyệt kịch bản, cơ quan quản lý Việt Nam yêu cầu đoàn phim kí một cam kết không vi phạm các điều cấm theo quy định của Luật, nếu sai phạm phải thì chính phủ Việt Nam sẽ kiện đoàn phim ra tòa án quốc tế.

Những đề nghị khẩn thiết

Từng nhiều lần gửi phim đi dự các liên hoan phim quốc tế, hiện cũng là thành viên Hội đồng Thẩm định và phân loại phim truyện quốc gia, đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp chỉ ra điểm nghẽn của quy định khiến các phim “muốn làm đúng luật cũng khó”. “Ai làm phim cũng biết là liên hoan phim quốc tế chỉ cần gửi bản Director Cut (bản gần cuối) thôi, còn Hội đồng duyệt trong nước lại yêu cầu bản đầy đủ đã ra DVD. Nghĩa là bạn phải có giấy phép thì bạn mới có thể đi thi đúng luật. Nhiều bộ phim rơi vào trường hợp bị buộc phải sai luật vì sự chồng lấn thời gian này”, đạo diễn Hoàng Điệp cho biết.

Đạo diễn Hoàng Điệp cũng đề xuất cấp một “luồng xanh” cho dòng phim độc lập đi tranh tài. Bởi phim độc lập Việt Nam, dù có tuổi đời non trẻ nhưng đã mang lại một số thành tựu nhất định, không xin một đồng ngân sách nhà nước nào nhưng có hiệu ứng quảng bá. Ví dụ như Dự án phim ngắn của CJ, mùa đầu 5 phim làm ra thì 3 phim đạt giải tại các liên hoan phim uy tín; sang đến mùa 2 con số này nâng lên là 4 phim vào vòng tranh giải.

“Tôi thực sự muốn vận động một cơ chế dành riêng cho các phim đủ tiêu chuẩn tham dự các Liên hoan phim quốc tế", đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp nói. "Thành lập riêng một hội đồng thẩm định, hội đồng này hoạt động phi lợi nhuận, không hưởng lương, phụ cấp trích ra từ Quỹ điện ảnh hoặc các khoản đầu tư vào điện ảnh khác mà hàng năm chúng ta vẫn cấp cho ngành".

Đạo diễn Phan Đăng Di trong bản kiến nghị chung có chữ kí của nhiều nhà làm phim đề xuất: “Chuyển các điều cấm trong Luật thành một Bộ Tiêu chí riêng đính kèm trong Nghị định hướng dẫn thi hành với nguyên tắc tránh các khái niệm, từ ngữ mơ hồ có thể gây suy diễn theo chủ quan. Bộ Tiêu chí này sẽ được áp dụng khi bên ban hành lệnh cấm chứng minh được sự gây hại của phim, cảnh phim theo khảo sát thực tế, đánh giá thật sự khoa học".

"Hội đồng cũng chỉ được phân loại phim để chiếu theo độ tuổi phù hợp, không được cấm phim. Hội đồng phải ghi chép lại cụ thể quá trình làm việc, bao gồm những khảo sát, ý kiến của các thành viên hội đồng, những căn cứ, cơ sở để đưa ra các kết quả phân loại. Tất cả các hồ sơ ghi chép, biên bản làm việc của hội đồng phải được công bố công khai”, đạo diễn Phan Đăng Di nhấn mạnh.

Ở góc độ đơn vị thẩm định dự thảo Luật Điện ảnh sửa đổi, PGS.TS Bùi Hoài Sơn, đại biểu Quốc hội ghi nhận ý kiến của các nhà làm phim. Ông Sơn cho biết, các nhà làm phim cần kiến nghị cụ thể và rõ ràng hơn nữa, đồng thời cũng mong được đối thoại cụ thể với các nhà làm phim bởi theo ông: "Ý kiến của các nhà làm phim, nhà sản xuất, biên kịch... đều rất hữu ích, giúp cơ quan soạn thảo luật có hướng tháo gỡ để giúp điện ảnh Việt Nam phát triển".

"Tôi muốn kiến nghị của các nhà làm phim phải cụ thể hơn nữa, điều nào phải sửa, tại sao phải sửa và sửa như thế nào. Tôi hy vọng Luật Điện ảnh mới sẽ khắc phục những điểm nghẽn, tạo điều kiện cho Việt Nam thể hiện hình ảnh mạnh mẽ hơn, thể hiện sức mạnh nội sinh của quốc gia và lan tỏa cho các lĩnh vực khác cùng phát triển”.

photo-1-1579165714731237398663.jpg

Điện ảnh không chỉ là ngành giải trí đơn thuần mà có sức mạnh to lớn, là “mũi tiên phong” của công nghiệp văn hóa, công nghiệp tiêu dùng. Minh chứng là những bộ phim truyền hình Hàn Quốc đến Việt Nam khoảng giữa những năm 1990 đã tạo ra cả một làn sóng hâm mộ các ngôi sao và vật phẩm thương mại xứ Hàn. Điện ảnh cũng góp phần tạo nên những làn sóng hâm mộ các giá trị Hàn Quốc và Mỹ trên toàn thế giới.

So sánh giữa 2 nền điện ảnh hàng đầu thế giới như thế với điện ảnh Việt Nam lúc này là khập khiễng. Nhưng nếu không đi thì sẽ chẳng thể thành đường. Những gì đang xảy ra ở nền điện ảnh Việt Nam gần đây, kể cả những tranh cãi xoay quanh bộ Luật, là cực kỳ cần thiết cho quá trình sửa đổi, tạo hành lang pháp lý cho sự phát triển của điện ảnh Việt Nam thời gian tới.

Luật Điện ảnh và cơ chế vận hành của nó – lẽ ra phải nhằm mục đích phát triển nền điện ảnh - lại đang là thứ đào sâu khoảng cách giữa cơ quan quản lí nhà nước và các nhà làm phim. Sự mâu thuẫn đó xuất phát từ quan điểm, cách nhìn: nếu cơ quan quản lí vẫn xem mục tiêu chủ đạo của điện ảnh là tuyên truyền, định hướng thẩm mỹ; thì với các nhà làm phim, ngả theo trào lưu chủ đạo của thế giới, điện ảnh phản ánh góc nhìn cá nhân. Trong bối cảnh hiện nay, nếu vẫn giữ cách quản lí này thì phim Việt bị kìm kẹp đủ đường, khó lòng phát triển, khán giả trong nước sẽ lựa chọn xem các bộ phim nước ngoài tràn lan trên mạng, giá trị Việt Nam vì thế cũng sẽ không đến được công chúng. Luật Điện ảnh mới vì thế cần phải làm sao thu hẹp khoảng cách, tăng cường đối thoại để cơ quan quản lí và nhà làm phim hiểu nhau, hướng đến cái đích chung để phát triển nền điện ảnh nước nhà.