Chỗ thì chặt chẽ, chỗ thì mơ hồ

Trong bài 1 của loạt bài mang tên "Kiểm duyệt phim và những ‘nhát kéo vô hình", chúng tôi đã nêu vài ví dụ để thấy Luật Điện ảnh hiện hành có những chi tiết quá chặt chẽ như đòi “gà cúng thì phải nằm trên bàn thờ”. Nhưng thực tế Luật Điện ảnh có chỗ quá chặt chẽ, có chỗ thì lại rất mơ hồ, không rõ ràng. Đạo diễn Nguyễn Hữu Tuấn cho biết, anh đã đọc và nghiên cứu phiên bản số 7 và số 8 của Dự thảo Luật và nhận ra rằng ngay cả những phiên bản mới nhất này vẫn có những thiếu sót, gây khó khăn cho cả hội đồng duyệt lẫn các nhà làm phim.

“Điều 33 nêu ra và định nghĩa các mức phân loại độ tuổi mới nhất, trong đó có mức loại C (cấm phổ biến hoàn toàn)", đạo diễn Nguyễn Hữu Tuấn nói. "Nếu như chúng ta đang nêu ra các tiêu chí của phân loại C trong Luật Điện ảnh thì tại sao không nêu luôn các tiêu chí phân loại khác. Điều 33 đang có khoảng 5-6 phân loại, nhưng không giống loại C, chúng không có bất kì diễn giải nào để mô tả.

Rồi lại có một số mục mới được liệt kê ra, và tôi nghĩ nó có mục đích tốt thôi, nhưng lại không rõ ràng lắm, ví dụ như "Kích động phá hoại Chính sách Tôn giáo Quốc gia". Vậy thì Chính sách Tôn giáo Quốc gia ở đây cụ thể là gì, được diễn giải trong văn bản nào thì Luật cũng chưa đề cập hoặc dẫn giải đến”.

Có thể lấy ngay câu chuyện phim “Vị” làm ví dụ cho sự không rõ ràng của Luật Điện ảnh gây khó cho cả các nhà làm phim lẫn hội đồng như thế nào! Phim “Vị” bị cấm phát hành vì “có cảnh quay khỏa thân trực diện kéo dài”, nhưng cụ thể là dài bao nhiêu, và như thế nào thì là dài? Đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp, ủy viên Hội đồng thẩm định và phân loại phim truyện quốc gia nói: Ở đây có sự sai khác về thước đo! Với tôi, như thế là vừa đủ; nhưng với người khác thì là kéo dài.

"Vì trong tiêu chí phân loại không ghi cụ thể như luật ở các quốc gia khác bao lâu là kéo dài. Nên sự đong đếm trong cảm tính khiến chẳng may phim "Vị" rơi vào kẽ hở nằm ở giữa. Khi hội đồng thẩm định xếp loại theo hướng dẫn thì mọi người nhận ra rằng không thể xếp phim "Vị" vào C18. Và sau C18 thì chẳng còn mức nào nữa, do vậy phim "Vị" trở thành 1 phim bơ vơ. Để làm theo đúng tiêu chí phân loại phim từ 2015 thì sau cùng chúng ta đúng tất cả, có tất cả, chỉ là chúng ta không có phim thôi”.

Chính vì Luật không qui định cụ thể, rõ ràng đã dẫn đến chuyện, khi xem xét có thể viện dẫn Luật dựa theo cách hiểu và cảm nhận cá nhân, khiến cho người làm phim mất niềm tin vào bộ luật. “Giữa Luật và thực thi Luật là 2 vấn đề khác nhau. Thực tế thực thi Luật người ta có thể diễn giải tùy theo ý. Chúng ta mất niềm tin vào Luật vì thực tế có nhiều diễn giải sai”, đạo diễn Nguyễn Hữu Tuấn chia sẻ.

Đạo diễn Phan Gia Nhật Linh thì cho rằng: “Mặc dù Luật Điện ảnh hồi đó đến giờ không có quá nhiều thay đổi, nhưng tư duy của người viện dẫn Luật để duyệt phim thì thay đổi. Nên tôi thấy hiện giờ đang rất nguy hiểm ở cách hiểu của người sử dụng Luật, hơn là bản thân bộ Luật”.

Dấu hiệu lạm dụng quyền lực nhà nước trong quá trình duyệt phim?

Dường như đang có dấu hiệu lạm dụng quyền lực nhà nước trong công tác kiểm duyệt phim. Xin lấy câu chuyện phim “Ròm” của đạo diễn Trần Thanh Huy làm ví dụ. Trần Thanh Huy kể, sau khi gửi phim đi duyệt, anh được mời đến văn phòng Cục điện ảnh tại Hà Nội, trong một không gian riêng tư. Một vị là thành viên hội đồng duyệt thời điểm đó đưa ra những lời khuyên rất cụ thể để Thanh Huy chỉnh sửa bộ phim của mình, nhưng đó chỉ là nói miệng mang tính cá nhân, không được ghi chép trong một biên bản cụ thể nào.

“Tôi còn nhớ, hôm đó là gần Tết, tôi nhận được một ý kiến rất cá nhân của hội đồng duyệt, một cuộc điện thoại rất riêng tư khuyên cụ thể, căt từng frame hình, từng giây trong phim của tôi như thế nào. Tôi cũng thắc mắc tại sao không có một văn bản chính thức nào về việc này”, Trần Thanh Huy cho biết.

bia_phim-rom_elle-man_0920.jpg

Theo quy định tại Điều 24 khoản 3 Luật Điện ảnh hiện hành (có hiệu lực áp dụng lúc Huy đi duyệt phim năm 2017, không phải dự thảo Luật đang được bàn để sửa đổi) ghi rõ: trong vòng 15 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, cơ quan nhà nước có thẩm quyền về điện ảnh có trách nhiệm cấp Giấy phép phổ biến phim, trường hợp không cấp phải có văn bản nêu rõ lý do.

Mặt khác, đạo diễn Nguyễn Hữu Tuấn cũng cho rằng, hành vi can thiệp đòi chỉnh sửa tác phẩm đã vi phạm Công ước Berne mà Việt Nam cam kết thi hành. “Chúng ta vẫn nghĩ chuyện hội đồng đòi can thiệp vào bộ phim, cắt bỏ hay chỉnh sửa gì đó là chuyện rất bình thường. Nhưng thật ra về pháp lý thì không đơn giản như vậy!", Nguyễn Hữu Tuấn phân tích.

"Trong Luật Sở hữu Trí tuệ, khi định nghĩa về quyền tác giả có ghi: ‘tác giả được quyền bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm, không cho người khác sửa chữa, cắt xén hoặc xuyên tạc tác phẩm dưới bất kì hình thức nào’. Đây cũng là một diễn giải thêm từ định nghĩa Quyền tác giả trong Công ước Berne mà Việt Nam là một thành viên (trong Công ước Berne ghi tại Điều 6 bis).

Có phải Luật Điện ảnh đang có độ vênh với Luật Sở hữu Trí tuệ và Công ước Berne không? Và tôi e là còn có sự lạm dụng quyền lực nhà nước để ép các doanh nghiệp. Khi mà các doanh nghiệp chịu thiệt hại về kinh tế thì cũng không ai được lợi cả. Nhà nước cũng không lợi vì không thu được thuế”.

Còn đạo diễn Phan Đăng Di nhận định, điều 34 của Luật Điện ảnh đang mâu thuẫn với một điều khoản của Luật Sở hữu trí tuệ. Theo điều này, đơn vị sản xuất khi nộp lưu chiểu phải nộp cả mã để mở khóa bộ phim nhưng “chỉ có thể giữ bản phim của người ta trong thời gian lưu chiểu thôi, hết thời gian lưu chiểu thì phải trả, không có căn cứ nào về pháp luật để đương nhiên đưa phim đó vào lưu trữ quốc gia", đạo diễn Phan Đăng Di cho biết. "Trừ trường hợp phải thuyết phục được chủ sở hữu phim. Các nước cũng làm thế! Viện lưu trữ phim không thể lưu trữ phim mà họ không mua, hoặc không có người tự nguyện đóng góp. Nếu cứ ép buộc như thế thì là xâm phạm vào quyền sở hữu”.

Là một người am hiểu về hệ thống pháp luật Việt Nam cho rằng, đạo diễn Nguyễn Hữu Tuấn nói, các nhà làm phim cần tin tưởng và tìm hiểu kĩ luật trong nước, bởi luôn có những công cụ để tự bảo vệ bản thân: “Luật pháp không hoàn hảo. Bản thân luật pháp cung cấp cho chúng ta rất nhiều công cụ để bảo vệ chính mình.

Chẳng hạn như mỗi khi hội đồng thẩm định đưa ra một quyết định hành chính thì chúng ta hoàn toàn có cơ chế khiếu nại lên Thanh tra Bộ Văn hóa, chúng ta cũng có quyền kiện quyết định đó lên tòa hành chính. Pháp luật có hết tất cả các công cụ đó. Cái chính là chúng ta phải tin vào hệ thống pháp luật nhà nước và biết cách sử dụng các công cụ đó. Không thể nào không biết gì được. Mọi người hãy cố gắng trở thành những công dân thực thụ bằng cách tin và tìm hiểu kĩ pháp luật”.

Theo các nhà làm phim, đây đang là thời điểm mang tính bước ngoặt lịch sử của sự phát triển điện ảnh nước nhà. Luật Điện ảnh chuẩn bị được trình Quốc hội vào cuối tháng 10 này, và đang kêu gọi đóng góp của toàn xã hội để chính sửa cho phù hợp.

Khác với thời điểm ban hành Luật gần nhất năm 2006, hiện tại trình độ nhận thức pháp luật, sự liên kết – kết nối và phản biện của các nhà làm phim với đơn vị soạn thảo Luật đã trở nên mạnh mẽ và có cơ sở khoa học thực tiễn. Thậm chí họ đã mời các luật sư đồng hành trong quá trình đóng góp ý kiến cho bộ luật có ý nghĩa tác động trực tiếp đến sinh mệnh làm nghề của chính họ.

Các đạo diễn kiến nghị gì? Sửa đổi và thực thi hiệu quả Luật Điện ảnh sẽ mang đến cho điện ảnh Việt Nam điều gì? Những cơ hội được và mất?... Những vấn đề này sẽ được chúng tôi phân tích tiếp trong kỳ 3 của loạt bài này với nhan đề "Sửa đổi Luật Điện ảnh - Tạo đà cho sáng tạo và phát triển".