Ra đời ở mảnh đất phương Nam những năm đầu thế kỷ XX, có nguồn gốc từ hát bội và đờn ca tài tử, nên không có gì lạ khi nghệ thuật cải lương thấm đẫm tâm hồn, tính cách và gu thưởng nhạc của người dân Nam Bộ.

Thập niên 60 được xem là giai đoạn hưng thịnh của cải lương miền Nam. Có lúc, riêng tại vùng Sài Gòn - Gia Định - Chợ Lớn đã có tới 39 sân khấu cải lương và 20 lò luyện cổ nhạc. Các sân khấu sáng đèn gần như tất cả các tối trong tuần, người xem đến rất đông. Các soạn giả và nghệ sỹ cải lương sống tốt với nghề, thậm chí nhiều ca sỹ tân nhạc còn phải chuyển sang cải lương để kiếm thêm thu nhập.

Trong ký ức của NSƯT Hồ Ngọc Trinh, Trưởng đoàn Cải lương Long An, đó thực sự là giai đoạn hoàng kim: "Khán giả rất đông, lấp đầy các sân khấu. Thời đó toàn các nghệ sỹ rất máu nghề nên khi các anh chị đó đầu tư vào một vở diễn thì thường rất chỉn chu với mỗi sản phẩm được đưa ra. Các nghệ sỹ đều có lượng fan riêng tại mỗi sân khấu, nên mỗi khi ra vở diễn thường các rạp đông lắm".

Cải lương được xem là đã “bám rễ sâu” vào đời sống người dân Nam Bộ, bởi lẽ, cải lương chính là “đời”, là “tiếng lòng” của những người con phương Nam mà bất cứ ai cũng đều tìm được ở đó sự đồng điệu. Giai điệu cất lên, bao muộn phiền, mỏi mệt như tan biến… Đó cũng chính là lý do cải lương có thể được hát ở bất cứ đâu, từ con đò cho đến góc sân, khoảnh vườn, nơi ông bà cha mẹ ca ru con cháu ngủ trong những buổi trưa hè.

"Nói gì nói cải lương vẫn là truyền thống của dân tộc. Mình làm gì thì vẫn phải nhớ nguồn gốc, nòi giống dân tộc mình ở đâu", NSƯT Hồ Ngọc Trinh nói. "Xưa ông bà mình thường ngồi đưa võng vắt vẻo để nghe hát cải lương thời các cô chú Minh Dương, Lệ Thủy… Nghe riết rồi nó cũng đi vào lòng và thành mê".

Thời “vàng son” của cải lương có lẽ đã xa rồi, khi xã hội hiện đại mang đến nhiều thay đổi về gu thưởng nhạc cùng sự ra đời của nhiều loại hình mới, nhưng những giá trị của môn nghệ thuật này thì vẫn vẹn nguyên. Cải lương vẫn duy trì sức sống bền bỉ nhờ những nghệ sỹ tận tâm, đầy nhiệt huyết, đam mê, trong đó phải kể đến NSƯT Hồ Ngọc Trinh.

Từ nhiều năm nay, trên cương vị Trưởng đoàn Cải lương Long An, NSƯT Hồ Ngọc Trinh đã cùng các đồng nghiệp bằng nhiều cách để “làm mới” cải lương qua từng vở diễn, làm sao để cải lương mang đậm hơi thở thời cuộc, để có thể “sống” được trong lòng công chúng.

Một trong những cách đó là lan tỏa tình yêu tới những người trẻ, nhằm tạo ra thế hệ kế cận cho cải lương miền Nam. Để rồi những nghệ sĩ trẻ hôm nay, như nghệ sỹ Thu Mỹ, bằng niềm đam mê nghệ thuật truyền thống, bằng thái độ tiếp nhận của tuổi trẻ… đã “khoác” lên cho cải lương một diện mạo hiện đại, tươi mới hơn nhưng vẫn giữ nguyên những giá trị đặc sắc.

"Thời buổi bây giờ có rất nhiều loại hình nghệ thuật, nhưng với Thu Mỹ thì luôn yêu mến, muốn phát huy và bảo tồn giá trị nghệ thuật truyền thống của ông cha mình là đờn ca tài tử và cải lương", nghệ sỹ cải lương Thu Mỹ chia sẻ. "Từ nhỏ mình đã được nghe cải lương, thích được hóa thân vào các nhân vật nên khi lớn lên có ước mơ theo đuổi bộ môn nghệ thuật cải lương".

Đã qua 100 năm, và chắc chắn không dừng lại ở đó, cải lương sẽ luôn là “bản sắc phương Nam” đầy tự hào.