Nhìn lại tổng quan kết quả 20 năm khảo cổ học kinh đô Thăng Long (2002-2022) và 10 năm Khảo cổ học khu vực Không gian chính điện Kính thiên (2011-2022), PGS.TS Tống Trung Tín nhấn mạnh, các cuộc khai quật khảo cổ học tại đây đã phát lộ một hệ thống di tích và di vật lịch sử đồ sộ, minh chứng tiêu biểu, xác thực cho lịch sử văn hóa Thăng Long nói riêng, Việt Nam nói chung phát triển liên tục qua hơn 1000 năm lịch sử. “Các giá trị lịch sử văn hóa của Thăng Long đạt 3 tiêu chí nổi bật toàn cầu đã đem lại cho Việt Nam và nhân loại một di sản thế giới mà giá trị to lớn của nó đã được các chuyên gia quốc tế khẳng định", PGS.TS Tống Trung Tín khẳng định.

Đối với việc tăng cường nghiên cứu, bảo tồn và phát huy giá trị của khu di sản, ông Tín cho biết, công tác khai quật khảo cổ học đã đem lại nguồn tư liệu xác thực, góp phần tích cực và quyết định vào việc xây dựng nhiều chương trình bảo tồn, phát huy giá trị của khu di sản như: xây dựng khu bảo tồn các di tích khảo cổ học tại 18 Hoàng Diệu; nghiên cứu, khôi phục không gian Chính điện Kính Thiên; nghiên cứu, xây dựng Bảo tàng Hoàng cung Thăng Long; nghiên cứu các phương án phát huy các giá trị văn hóa phi vật thể của Kinh đô Thăng Long.

Các nhà nghiên cứu khoa học trong nước và thế giới cũng khẳng định: lần đầu tiên Việt Nam đã tìm ra tầng văn hóa Thăng Long – Hà Nội tại Hoàng thành Thăng Long, một quần thể hệ di tích của các thời kỳ kéo dài trên 1.300 năm lịch sử. Do vậy di sản Hoàng thành Thăng Long đã được ghi danh là di sản thế giới. Đồng thời khẳng định Việt Nam và thành phố Hà Nội đã thực hiện nghiêm túc cam kết với UNESCO về công tác bảo tồn. Vì vậy, cần phát huy giá trị và phục dựng di sản thế giới quý giá này.

Chia sẻ kinh nghiệm về phục dựng lại các công trình kiến trúc đã bị phá hủy, chỉ còn lại dấu tích có tuổi đời hơn 10 thế kỷ mà phía Nhật đã tiến hành phục dựng thành công. GS.TS Ueno Kunikazu Giáo sư danh dự Đại học Nara (Nhật Bản) cho rằng, điều cốt lõi để bảo tồn các di tích khảo cổ chính là công trình được phục dựng trên nguyên tắc không bao giờ được phá hủy các hiện vật có giá trị nguyên gốc. “Trước tiên, cần dựa vào kết quả của các cuộc khảo cổ học để dựng lên phác thảo chính xác tới 70-80% công trình kiến trúc cổ. Trong quá trình nghiên cứu, chúng tôi dựng mô hình ở tỷ lệ 1/50 đến 1/100. Chúng tôi cũng kiểm tra các vấn đề khác nhau trong quá trình phục dựng trên nguyên tắc không bao giờ phá hủy các hiện vật có giá trị gốc” - chuyên gia này chia sẻ.

Việt Nam hiện có 8 Di sản Văn hóa và Thiên nhiên Thế giới, trong đó Khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội được UNESCO công nhận năm 2010, đánh dấu một bước tiến lớn của quá trình nghiên cứu về khu di sản đặc biệt quan trọng này.

Bà Nao Hayashi – Chuyên gia phụ trách văn hóa khu vực châu Á – Thái Bình Dương, Trung tâm Di sản thế giới thì cho rằng: Công ước Di sản Thế giới ra đời năm 1972 giúp các nước trên thế giới ngày càng ý thức được rằng trách nhiệm bảo tồn một số khu di sản thiên nhiên hay văn hóa có giá trị nổi toàn cầu không chỉ thuộc về từng quốc gia mà là của toàn thể cộng đồng quốc tế.

Tính đến nay, đã có 1.154 di sản được ghi vào Danh sách Di sản thế giới. Công ước có tổng số 194 quốc gia thành viên bao gồm 27 quốc gia chưa có di sản nào được ghi danh. "Một khu di sản, sau khi đã được ghi vào Danh sách Di sản thế giới, sẽ trở thành thành viên của cộng đồng toàn cầu của Công ước này. Công ước Di sản thế giới là một trong những công cụ pháp lý được tuân thủ rộng rãi nhất", Bà Nao Hayashi cho biết.

Năm 2022, kỷ niệm 50 năm ra đời, Công ước đang phải đối mặt với nhiều thách thức nảy sinh từ sự thay đổi trong lối sống, trong quan niệm về di sản và ý nghĩa của nó trong bối cảnh chung của chương trình nghị sự phát triển bền vững. Vì vậy, bảo tồn giá trị nổi bật toàn cầu đòi hỏi liên tục phải suy ngẫm, chiêm nghiệm và đổi mới để mang lại sự hài hòa giữa nhu cầu cuộc sống hiện đại, các giá trị di sản và khát vọng của người dân về một tương lai tốt đẹp hơn.

Ông Trần Đình Cường – Phó cục trưởng Cục Di sản văn hóa, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết: Trên cơ sở 06 nội dung quản lý Di sản thế giới được xác định theo Công ước, Hướng dẫn thực hiện Công ước 1972 và thực tiễn của Việt Nam, cần làm rõ về thực trạng quản lý đối với Khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội sau 20 năm nghiên cứu, bảo tồn, thông qua việc tìm hiểu của quá trình. "Trên cơ sở đánh giá tổng thể khi so sánh với thực trạng quản lý của các Di sản Văn hóa và Thiên nhiên Thế giới khác ở Việt Nam để đề xuất giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý di sản, bao gồm cả giải pháp cần tăng cường lồng ghép các hoạt động bảo vệ, phát huy giá trị Di sản với quan điểm phát triển bền vững của UNESCO trong thời gian tới", ông Trần Đình Cường đề xuất.

Để tiếp tục quản lý, bảo tồn phát huy giá trị Di sản văn hóa thế giới của Hoàng thành Thăng Long nhằm tiếp tục thực hiện theo 8 cam kết với UNESCO, ông Trương Minh Tiến - Chủ tịch Hiệp hội UNESCO Hà Nội cho rằng: tiếp tục sưu tầm, nghiên cứu và từng bước phục dựng, tái hiện các giá trị văn hóa phi vật thể đã từng diễn ra trong không gian văn hóa cung đình đặc trưng ở các thời kỳ như: Sinh hoạt Cung đình, triều nghi, thi cử, lựa chọn nhân tài, các quyết sách lớn ảnh hưởng tới phát triển quốc gia; Lễ hội quảng chiếu và các lễ hội lớ; Thiết triều, lễ Đăng quang, tế Nam Giao, Xã tắc... Những giá trị di sản văn hoá phi vật thể này là bộ phận quan yếu không thể tách rời, tạo nên giá trị riêng có của Hoàng thành Thăng long và là nguồn tài nguyên quý giá để xây dựng những sản phẩm du lịch hấp dẫn du khách.

Việc khôi phục không gian chính điện Kính Thiên và điện Kính Thiên cần đẩy nhanh tiến độ thực hiện. Trước mắt, phục dựng dưới dạng bản vẽ, hình ảnh 3D, không gian “hiện thực ảo” bằng công nghệ số với tư cách là phương án gợi mở để trao đổi, thảo luận, phản biện để tiến tới sự đồng thuận trong cộng đồng để không gian chính Điện Kính thiên và Điện Kính thiên sớm trở thành công trình hiện hữu trong di sản thế giới Hoàng thành Thăng Long.

Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long- Hà Nội Nguyễn Thanh Quang cho biết, sau hơn 10 năm, quy hoạch chi tiết bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị Khu di tích Trung tâm Hoàng thành Thăng Long- Hà Nội (tỉ lệ 1/500) đã được phê duyệt, việc thực hiện những cam kết của Thủ tướng Chính phủ với UNESCO về cơ bản đã được thực hiện đầy đủ. “Công tác bảo vệ, bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di sản cũng đã được thực hiện tốt. Các hoạt động tuyên truyền, quảng bá giá trị khu di sản được tập trung và đẩy mạnh; nhiều trưng bày, triển lãm đã thu hút số lượng lớn du khách; các hoạt động nghiên cứu khoa học có những kết quả tốt đáp ứng nhu cầu thực tiễn của khu di sản...”.