Những ngày này cùng với những cánh đào khoe sắc trong gió núi thì khắp các bản làng của người Khơ Mú ở huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An nói riêng và đồng bào Khơ Mú khắp cả nước nói chung đều rộn ràng trong không khí đón Tết Gơ rơ với ý nghĩa hết sức độc đáo.

“Với người Khơ Mú, Tết Gơ rơ là tổng kết 1 năm xem mình làm được những gì, gom góp mời anh em họ hàng dân bản về chung vui. Đây là ngày đoàn kết của cả dân bản. Có những khó khăn hay khúc mắc gì thì ngồi nói chuyện rồi bỏ qua cho nhau...” – Anh Cụt Văn Nhi, bản Xốp Kha, xã Yên Hòa, huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An chia sẻ.

Tết Gơ rơ của đồng bào dân tộc Khơ Mú được tổ chức vào vào dịp cuối năm, có thể bắt đầu từ cuối tháng 11 âm lịch, mỗi gia đình sẽ chọn một ngày lành để tổ chức. Tết Gơ rơ có ý nghĩa cầu mong một năm mới mưa thuận gió hòa, mọi người trong gia đình, bản làng khỏe mạnh, gặp nhiều may mắn. Đây là một nghi lễ linh thiêng nhất của đồng bào trong năm, là dịp thể hiện đạo lý uống nước nguồn, con cháu nhớ ơn ông bà, tổ tiên và thần linh núi rừng.

Cũng như anh Cụt Văn Nhi và nhiều gia đình khác ở bản Xốp Kha, gia đình ông Sèo Văn Một cũng rộn ràng chuẩn bị cho ngày Tết Gơ rơ với đầy đủ lễ vật gồm đôi con gà còn sống 1 trống, 1 mái, 5 vò rượu cần, 1 mâm cơm cúng có đầy đủ các thức như thịt lợn, bách chưng, cá, ruốc, khoai sọ, khoai lang, sắn…

Bà Lự Thị Loan cùng ở bản Xốp Kha cho biết, trong các lễ vật cúng Tết Gơ rơ quan trọng nhất là đôi gà 1 trống 1 mái, bởi con gà trống là cúng cho hết những đen đủ, xui xẻo của năm cũ, còn con gà mái là cúng cho năm mới làm ăn phát đạt, may mắn và khỏe mạnh.

Theo quan niệm của người Khơ Mú, rượu cần là thức uống quan trọng để thể hiện năm vừa qua, gia chủ làm ăn có phát đạt hay không. Do vậy, dù khó khăn đến đâu, ngày Tết trong nhà người Khơ Mú cũng có từ 5 - 7 bình rượu cần. Rượu được làm từ những hạt gạo nếp, đồ lên trộn với trấu và men lá rừng, khi rượu lên hương ngào ngạt khắp căn phòng nhỏ báo hiệu 1 cái Tết vui vầy sắp đến.

Vào ngày Tết Gơ rơ do mỗi gia đình lựa chọn ngày lành, khoảng 8 giờ sáng, phụ nữ trong nhà mang rượu cần và gà sống lên căn bếp thiêng - nơi trú ngụ của tổ tiên người Khơ Mú để bắt đầu buổi lễ. Thầy cúng lấy rượu cần để dâng lên tổ tiên. Sau khi dâng rượu, thầy mo cắt tiết gà và gọi con cháu lại bôi huyết gà lên đầu gối mọi người. Cứ như thế hết lượt, con cháu lại xúm lại bôi cho bố mẹ. Vừa bôi vừa chúc nhau năm mới sức khỏe, an lành, đôi chân luôn cứng để vững bước trên núi rừng, nương rẫy.

Cũng giống như nhiều lễ hội của đồng bào các dân tộc khác, Tết Gơ rơ của đồng bào Khơ Mú gồm hai phần, phần lễ và phần hội. Phần lễ bao giờ cũng linh thiêng, trang nghiêm và huyền bí, còn phần hội lại rất tưng bừng vui tươi và cuốn hút mọi người cùng tham gia.

Tết Gơ rơ của người Khơ Mú không thể thiếu màn múa cồng chiêng mang những nét đặc biệt bởi người đánh cồng chiêng và người múa đều là phụ nữ. Hơn nữa, múa cồng chiêng của người Khơ Mú thể hiện sự gắn kết, đồng thời qua đó cũng biết được mùa vụ có bội thu hay không.

Tết Gơ rơ của đồng bào Khơ Mú kéo dài trong vòng 1 ngày 1 đêm. Sau lễ cúng coi như năm mới đã bắt đầu với từng nhà. Những tiếng nói cười, tiếng chúc nhau năm mới rộn ràng khắp bản làng. Men rượu cần càng uống càng ngọt trên đầu môi càng say đắm lòng người. Một năm mới đã bắt đầu với đồng bào dân tộc Khơ Mú.

Tết Gơ Rơ cũng là dịp để đồng bào, những người trong gia đình, họ hàng bản làng một năm đi làm ăn xa có dịp gặp gỡ nhau, vui chơi thỏa thích, thắt chặt tình đoàn kết, cùng nhau vượt qua mọi khó khăn thách thức để xây dựng cuộc sống ngày một ấm no, hạnh phúc trong mỗi gia đình và toàn thôn bản.

Tết Gơ Rơ là một nghi lễ truyền thống chứa đựng những nét văn hóa đặc trưng của dân tộc Khơ Mú góp phần làm đa dạng thêm vốn văn hóa của các dân tộc trong kho tàng Văn hóa dân gian Việt Nam.

Mời các bạn nghe âm thanh tại đây: