Cụ thể, vào lúc 11 giờ 55 phút ngày 24/05/2025, đối tượng Hồ Văn Phương Tâm, sinh ngày 10/02/1983, nơi thường trú: Tổ 7, Khu vực 4, phường Hương Long, quận Phú Xuân, thành phố Huế mua vé vào cổng của Đại nội Huế.
Qua trích xuất camera và điều tra bước đầu của lực lượng chức năng, tại thời điểm xảy ra vụ việc, hai nhân viên bảo vệ đều có mặt ở khu vực Điện Thái Hoà. Lúc vào khu vực Điện Thái Hòa, đối tượng có biểu hiện không bình thường, một nhân viên bảo vệ đã mời đối tượng đi ra phía hậu điện. Tuy nhiên, sau đó đối tượng quay lại, lẻn vào khu vực trưng bày ngai vua triều Nguyễn, la hét và sau đó làm gãy phần tựa phía trước tay bên trái.

Để tránh việc đối tượng manh động, đập phá các hiện vật trưng bày khác, nhân viên bảo vệ đã tiếp cận từ xa, nhắc nhở đối tượng đi ra bên ngoài, đồng thời gọi điện yêu cầu tăng cường lực lượng hỗ trợ. Đến 12g10 phút đã khống chế đối tượng Tâm, báo cho Công an phường Đông Ba.
Lực lượng Công an phường Đông Ba đã lập biên bản vi phạm đối với đối tượng Hồ Văn Phương Tâm. Tuy nhiên, chưa thể ghi lời khai do đối tượng có biểu hiện loạn thần, la hét, nói nhảm không thể trả lời các câu hỏi của Điều tra viên.

Hiện tại, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an thành phố đang tiến hành trưng cầu giám định tâm thần đối với Hồ Văn Phương Tâm và phối hợp cùng Viện kiểm sát nhân dân quận Phú Xuân thu thập các tài liệu chứng cứ để làm rõ vai trò, trách nhiệm của các bên liên quan nhằm giải quyết vụ việc theo đúng trình tự, quy định của pháp luật.
Cục Di sản văn hóa đã có Công văn số 566/DSVH-DT ngày 24/5/2025 yêu cầu khẩn trương kiểm tra, xác minh đánh giá mức độ hư hại, kịp thời có phương án bảo quản, bảo vệ Bảo vật quốc gia và di tích.

Hiện tại, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế đã chỉ đạo Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế đưa Ngai vua triều Nguyễn về lưu giữ, bảo quản tại kho cổ vật, đồng thời đưa Ngai phục chế đến trưng bày tại điện Thái Hoà phục vụ du khách.
Đây là sự cố hết sức hi hữu, mặc dù thời gian qua Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế đã có nhiều giải pháp đảm bảo an ninh trong khu di sản như tăng cường lắp đặt camera giám sát, xây dựng quy chế phân công trực bảo vệ, có bộ phận cơ động thường xuyên kiểm tra các địa bàn di tích...

Để phòng tránh sự việc tương tự, trong thời gian tới Trung tâm sẽ xây dựng phương án đảm bảo chặt chẽ an ninh an toàn trong khu di sản nói chung và đối với hiện vật, cổ vật... đặc biệt là Bảo vật quốc gia, tập trung vào các giải pháp: Tăng cường các trang thiết bị an ninh, công cụ hỗ trợ; tăng cường công tác bảo vệ, tập huấn xử lý các tình huống an ninh, phát hiện ngăn chặn từ sớm các hiện tượng nghi vấn…
Về Ngai vua triều Nguyễn, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế sẽ mời các chuyên gia, nghệ nhân để cùng đánh giá và lập phương án tu sửa phù hợp; đồng thời có phương án tăng cường lực lượng, phương tiện để đảm bảo an toàn cho hệ thống hiện vật trưng bày.
Ngai vàng là biểu tượng quyền lực của triều đại, được truyền qua 13 đời vua triều Nguyễn. Ngai được làm bằng gỗ, cao 101cm, rộng 72cm, dài 87cm. Phía trên ngai vàng có bửu tán bằng gỗ thếp vàng và trang trí pháp lam lộng lẫy. Bên dưới là bệ ngai vàng với ba tầng bệ bằng gỗ sơn son thếp vàng. Tất cả đều được làm bằng gỗ với nhiều hình con rồng mang ý nghĩa cầu phúc, cầu thọ, cầu may mắn.
Ngai vàng của vua triều Nguyễn được công nhận là Bảo vật quốc gia Việt Nam vào năm 2015 và thường được đặt tại điện Thái Hòa nhằm phục vụ du khách du lịch đến chiêm ngưỡng, tham quan.
Luật Di sản văn hóa hiện hành và Khoản 2 Điều 9 Luật Di sản văn hóa năm 2024 quy định về hành vi bị nghiêm cấm “xâm hại, huỷ hoại di sản văn hóa”. Bộ Luật Hình sự cũng quy định đồng bộ với Luật Di sản văn hóa về tội vi phạm các quy định về hành vi hủy hoại tài sản thuộc khu di tích lịch sử - văn hóa, danh lam, thắng cảnh , ở các mức độ gây hậu quả. Về chế tài, hệ thống pháp luật đều có quy định Xử lý vi phạm tuỳ theo mức độ, từ xử phạt vi phạm hành chính, phạt tiền, phạt cải tạo ko giam giữ cho đến phạt tù.