Nhằm thúc đẩy thực hiện các cam kết của Hà Nội với tư cách là thành viên của mạng lưới Thành phố Sáng tạo của UNESCO, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội phối hợp với Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam, Văn phòng UNESCO tại Việt Nam tổ chức hội thảo: “Thiết kế Sáng tạo từ nguồn lực Văn hóa Thủ đô” tại Di tích quốc gia đặc biệt Văn Miếu - Quốc Tử Giám.

Phát biểu tại hội thảo, bà Phạm Thị Mỹ Hoa, Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội cho biết, việc tham gia mạng lưới Thành phố Sáng tạo của UNESCO là bước đi đầu tiên nhưng có ý nghĩa vô cùng quan trọng cho mục tiêu nâng cao vị thế và tạo dựng hình ảnh mới, hấp dẫn hơn cho Hà Nội. Với tầm nhìn trở thành kinh đô sáng tạo Đông Nam Á, Hà Nội tận dụng cơ sở thiết kế sẵn có từ nguồn tài nguyên văn hóa dồi dào, được bồi đắp qua ngàn năm lịch sử và chuyển hóa văn hóa, sáng tạo trở thành “sức mạnh mềm” - nguồn lực chủ chốt cho tăng trưởng kinh tế. Trong đó, du lịch văn hóa là nhân tố quan trọng để thành phố đạt được mục tiêu phát triển thành phố bền vững cả về kinh tế và văn hóa - xã hội.

Theo PGS.TS Nguyễn Thị Thu Phương, Phó Viện trưởng phụ trách Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam, các chính sách của thành phố Hà Nội thời gian qua đã bước đầu tạo khung thể chế có khả năng phát huy được 8 trụ cột tài nguyên văn hóa: di sản văn hóa vật thể, di sản văn hóa phi vật thể, di sản thiên nhiên, sản phẩm và dịch vụ văn hóa đa dạng...

Đặc biệt, Hà Nội không thiếu nhân lực thực hiện, không thiếu chất liệu văn hóa cũng như ý tưởng sáng tạo để phát triển văn hóa sáng tạo. Đông đảo các dự án trẻ, hướng tới đa dạng các mảng màu văn hóa thủ đô với cách tiếp cận độc đáo là minh chứng rõ ràng cho tiềm năng ấy. Những dự án tuy chưa lớn mạnh về quy mô đầu tư, nhưng tiềm năng phát triển và sự độc đáo, có chiều sâu thì không hề kém cạnh so với thành phố nào trên thế giới.

Tuy nhiên, theo ông Lê Quốc Vinh, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn truyền thông Lê, Chủ tịch CLB Doanh nhân Sáng tạo (VCE Club), bên cạnh những thành tựu đã đạt được, Hà Nội vẫn còn một số hạn chế trong việc đẩy mạnh phát triển và thể hiện tiềm năng sáng tạo của mình dưới danh hiệu “Thành phố Sáng tạo”.

"Tôi có một cuộc khảo sát trên mạng xã hội Facebook cho thấy 67% những người làm về văn hoá, về sáng tạo nhưng không hiểu “Thành phố sáng tạo” là gì trong khi chúng ta đã có 2 năm giữ danh hiệu “Thành phố sáng tạo”. Ông Lê Quốc Vinh cho hay. Như vậy, Thành phố sáng tạo mới chỉ được những người liên quan, người nằm trong hệ thống chính quyền và các cơ quan tham gia vào tiến trình vận động quan tâm...

Bên cạnh đó, mặc dù đã xác định công nghiệp văn hoá là một trong những chiến lược kinh tế - xã hội then chốt đến 2030, song lại chưa được đầu tư đủ mạnh, chưa có cơ chế thu hút đầu tư quy mô lớn, do vậy chưa tạo bước đột phá. Thị trường văn hóa phát triển còn manh mún, tự phát, chưa chuyên nghiệp. Ở Việt Nam, các công trình văn hóa, các sản phẩm văn hóa mang tầm đẳng cấp thế giới và khu vực rất ít, chỉ đếm trên đầu ngón tay: Show Ký ức Hội An, Tinh hoa Bắc Bộ, Tinh hoa Việt Nam và Sắc màu Venice tại Grand World Phú Quốc hay À Ố Show của Lune Production ở Hội An.

Ngay tại Hà Nội, nơi được công nhận là Thành phố Sáng tạo trong mạng lưới thành phố sáng tạo của UNESCO, hầu như chúng ta chưa có những dự án được đầu tư đúng nghĩa, có sức hút về du lịch hay là tạo cho thành phố một hình ảnh đúng nghĩa như danh hiệu chúng ta được ghi nhận.

Nguồn lực kinh tế yếu, khiến cho việc lựa chọn đầu tư cho các công trình và sản phẩm văn hoá khó khăn. Nhưng năng lực sáng tạo, khả năng quản lý hiệu quả của nhà nước mới là những lý do quan trọng nhất khiến cho việc đầu tư vào các công trình văn hoá và sản phẩm văn hoá lâu nay chưa thành công. Hà Nội cần huy động được nguồn lực đầu tư, cả nguồn vốn lẫn năng lực sáng tạo, kỹ năng vận hành và phát triển của khối kinh tế tư nhân. Vấn đề đặt ra là làm thế nào để thu hút sự đầu tư mạnh mẽ hơn của khối tư nhân vào lĩnh vực văn hoá, nơi sẽ tạo ra những sản phẩm trí tuệ sáng tạo có tiềm năng tạo ra giá trị gia tăng lớn.

"Có hai việc phải đồng thời giải quyết, đó là: Vận động các nhà đầu tư tư nhân tham gia vào công nghiệp văn hoá, bằng cách kiến tạo một thị trường cho công nghiệp văn hoá, xây dựng những chính sách khuyến khích phù hợp và một quy hoạch rõ ràng, hấp dẫn cho từng ngành kinh tế sáng tạo. Cùng với đó, mạnh dạn mở ra một phương thức hợp tác mới trong lĩnh vực văn hoá, giữa nhà nước và tư nhân, đó là phương thức hợp tác đối tác công tư PPP". Ông Lê Quốc Vinh phân tích.

Không chỉ thiếu đầu tư, Hà Nội còn gặp khó khăn khi có quá nhiều tài nguyên văn hóa và trải rộng nên rất khó để tập trung phát triển thành hệ thống mà chỉ đang phát triển rời rạc. Với danh hiệu Thành phố sáng tạo, Hà Nội cần có những trung tâm sáng tạo quy mô lớn tập trung ở một vài quận, huyện, ở đó quy tụ các doanh nghiệp sáng tạo cũng như tạo dựng thương hiệu giúp định vị Hà Nội khác với các thành phố khác trên cả nước và thực sự khác biệt với các thành phố sáng tạo khác trên thế giới.

PGS.TS Đặng Văn Bài, Phó Chủ tịch Hội đồng Văn hóa Quốc gia cho rằng, việc xây dựng các không gian văn hoá đặc biệt cho lớp trẻ sẽ tạo nên một thế hệ văn minh, một thói quen thưởng thức lành mạnh và một môi trường phát triển công nghiệp văn hóa. Đặc biệt, cần có cơ chế chính sách thông thoáng để khuyến khích các doanh nghiệp tham gia vào hợp tác công tư, xã hội hóa các hoạt động văn hóa.

Tạo dựng môi trường thuận lợi cho phát triển công nghiệp văn hoá, xây dựng hạ tầng, cơ sở vật chất, hoàn chỉnh các quy hoạch văn hoá, hoàn thiện, bổ sung cơ chế chính sách phù hợp... cũng như học hỏi công nghệ, cách thức từ nhiều quốc gia trên thế giới, tuy nhiên phải gìn giữ bản sắc độc đáo của riêng mình thì mới thu được thành quả giá trị, để xây dựng thương hiệu Thành phố sáng tạo hàng đầu của cả nước.

Ra đời vào năm 2004, Mạng lưới Thành phố Sáng tạo của UNESCO ra đời nhằm thúc đẩy hợp tác giữa các thành phố đã chọn sáng tạo làm yếu tố chiến lược để phát triển đô thị bền vững. Tính đến thời điểm hiện tại, 246 thành phố đã gia nhập mạng lưới và cùng hướng tới một mục tiêu chung: đưa công nghiệp văn hóa vào trọng tâm của kế hoạch phát triển ở địa phương và tích cực hợp tác, kết nối trên trường quốc tế.

Mạng lưới Thành phố Sáng tạo của UNESCO hướng tới 7 lĩnh vực: Thủ công và Nghệ thuật Dân gian; Nghệ thuật Truyền thông; Phim; Thiết kế; Ẩm thực; Văn học và Âm nhạc. Qua đó, các thành phố sẽ phát triển cơ sở hạ tầng văn hóa đô thị cũng như đẩy mạnh các sản phẩm thuộc công nghiệp văn hóa để đóng góp cho nền kinh tế cũng như nâng cao đời sống của người dân.

Thông qua việc tham gia mạng lưới, các thành phố cam kết chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn tốt nhất của mình và phát triển quan hệ đối tác công tư cũng như các tổ chức xã hội.