Đây là hội nghị đầu tiên có sự tham dự của 94 Đại sứ, Trưởng cơ quan đại diện Việt Nam tại nước ngoài và lãnh đạo các địa phương, doanh nghiệp du lịch, hàng không.

Phát biểu khai mạc hội nghị, Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ nhấn mạnh, thế giới đã bước sang một giai đoạn mới sau 2 năm ứng phó với dịch bệnh. Việc Chính phủ quyết định mở cửa trở lại du lịch quốc tế là rất đúng thời điểm, việc mở cửa sẽ giúp vực dậy ngành du lịch sau giai đoạn hết sức khó khăn vừa qua, đồng thời tạo đà bứt phá trong thời gian tới vì du lịch là ngành kinh tế có vai trò, vị trí quan trọng đối với phát triển kinh tế - xã hội đất nước, được Đảng và Chính phủ quan tâm đầu tư để trở thành một trong những ngành kinh tế mũi nhọn.

Hội nghị cũng đã nghe các Đại sứ, Trưởng cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài và lãnh đạo các địa phương, đại diện doanh nghiệp, lữ hành, du lịch, khách sạn, hàng không… trao đổi, thảo luận về các biện pháp phối hợp, cùng bắt tay vào triển khai hiệu quả chủ trương mở cửa du lịch của Chính phủ.

Đại sứ Vũ Hồng Nam - Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản đề nghị nên có những liên kết, kết nối trực tiếp với doanh nghiệp lữ hành của hai nước Việt Nam và Nhật Bản để chuẩn bị cho những tour du lịch lớn vì người Nhật Bản thích đi du lịch theo nhóm lớn. Ngoài ra, Đại sứ Vũ Hồng Nam cũng đề nghị nên tập trung khuyến khích mảng doanh nghiệp Nhật Bản vào Việt Nam. "Với sự mở cửa của chúng ta, Nhật Bản sẽ kết nối làm ăn cũng như phục hồi hoạt động kinh doanh. Tôi mong Bộ Ngoại giao cùng Tổng cục Du lịch có chính sách cụ thể hơn để doanh nghiệp Nhật Bản vào Việt Nam. Ngoài ra, chúng ta cần có những hội nghị, tọa đàm trao đổi với các doanh nghiệp Nhật Bản để biết nước bạn muốn gì và đáp ứng được cụ thể với từng thị trường" - Đại sứ Vũ Hồng Nam chia sẻ.

Đại sứ Nguyễn Tất Thành - Đại sứ Việt Nam tại Australia kiến nghị, cần phải sớm có hướng dẫn về cấp thị thực cho người nước ngoài và thủ tục cần đơn giản, nhanh gọn. Khi các thủ tục được đơn giản hóa sẽ tăng sức cạnh tranh cho du lịch Việt Nam. Đặc biệt, cần sự nhất quán trong áp dụng các chính sách trên toàn quốc, tránh mỗi địa phương một cách làm.

Tại hội nghị, đa số các ý kiến đều cho rằng việc đảm bảo an toàn y tế, thủ tục xuất nhập cảnh, hộ chiếu vaccine, chính sách thị thực, khôi phục đường bay… cần có sự vào cuộc của các bộ, ngành liên quan. Việc mở cửa đón khách du lịch trở lại cần linh hoạt, thích ứng với điều kiện, cấp độ dịch của từng địa phương. Các địa phương cũng nhất trí trong việc cần đẩy mạnh công tác truyền thông, quảng bá, phát triển các ấn phẩm quảng bá bằng nhiều ngôn ngữ khác nhau, xây dựng thông điệp thống nhất, đẩy mạnh chuyển đổi số… Còn các doanh nghiệp cũng đã sẵn sàng và đang cần hơn bao giờ hết sự thống nhất, chỉ huy của Tổng cục Du lịch, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch để phối hợp nhịp nhàng.

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam nhấn mạnh: Quyết định mở cửa du lịch có ý nghĩa hết sức quan trọng, khẳng định Việt Nam mở cửa hoàn toàn giao lưu và giao thương quốc tế như giai đoạn trước khi xảy ra đại dịch Covid-19, chỉ kèm theo một số giải pháp trên tinh thần quản lý, kiểm soát rủi ro, áp dụng những biện pháp tối thiểu nhất để giữ an toàn cho tất cả mọi người, không phân biệt nguời Việt Nam với người nước ngoài. Mục tiêu chống dịch là kiểm soát hiệu quả, không vượt ngưỡng quá tải của hệ thống y tế. Phó Thủ tướng cũng yêu cầu các Đại sứ bám sát tinh thần với các nước bạn, hỗ trợ doanh nghiệp quảng bá hình ảnh, chính sách thu hút nhà đầu tư du lịch và du khách. Đặc biệt, các bộ ngành cũng sẽ tiếp thu ý kiến của doanh nghiệp, địa phương về những chính sách mở cửa trong thời gian tới. Ví dụ mở rộng thị trường miễn visa, kéo dài thời gian lưu trú của khách, gỡ bỏ hạn chế của visa điện tử...

Lắng nghe chia sẻ và kiến nghị từ các Đại sứ Việt Nam tại các quốc gia và các đại diện doanh nghiệp du lịch, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đoàn Văn Việt nhận thấy mức độ sẵn sàng của một số điểm đến trong và ngoài khu vực, những điểm đến có chính sách mở cửa thông thoáng và thủ tục đơn giản sẽ được nhiều du khách hoan nghênh hơn. Ở thời điểm này khi nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ còn đóng cửa, sự lựa chọn của du khách chưa thể đa dạng như trước đại dịch, vì vậy những điểm đến mở cửa sớm hơn có thể nắm bắt cơ hội quảng bá, làm mới hình ảnh du lịch và thu hút sự quan tâm của càng nhiều du khách. "Điểm mấu chốt ở đây là làm thế nào để chúng ta khôi phục lại hoạt động du lịch một cách khẩn trương, đồng bộ, tạo ra liên kết ngành và liên kết địa phương hiệu quả, hỗ trợ và định hướng phù hợp cho doanh nghiệp".

Cũng theo Thứ trưởng Đoàn Văn Việt, để tận dụng tốt cơ hội mở cửa hoạt động du lịch, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch sẽ thực hiện 6 nhiệm vụ trọng tâm: Tăng cường liên kết, hợp tác liên ngành và với các địa phương; Hỗ trợ định hướng trong quá trình phục hồi cho các doanh nghiệp du lịch; Đẩy mạnh hoạt động truyền thông và xúc tiến, quảng bá du lịch; Phục hồi và phát triển nguồn nhân lực du lịch; Phát triển và nâng cao chất lượng sản phẩm, nâng cấp cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất du lịch và Đẩy mạnh chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động du lịch.