Những ngày qua, sau khi Chùa Cầu - Hội An, thuộc tỉnh Quảng Nam được trùng tu đã gây ra những ý kiến nhiều chiều. Trong đó, một luồng ý kiến cho rằng, việc Chùa Cầu mang màu sắc tươi mới sau sửa chữa là điều đương nhiên. Thời gian sẽ giúp di tích phai màu để hòa vào tổng thể không gian phố cổ. Còn một bên lại cho rằng cái mới của Chùa Cầu khiến cho sự hoài cổ bị mất đi.

Chùa Cầu hay còn gọi là Cầu Nhật Bản, Lai Viễn Kiều là một công trình có giá trị tiêu biểu về lịch sử, văn hóa, kiến trúc nghệ thuật và sự giao lưu quốc tế ở Đô thị thương cảng Hội An. Trải qua 400 năm tồn tại, dưới tác động khắc nghiệt của điều kiện tự nhiên và thời gian, di tích Chùa Cầu không tránh khỏi những hư hại. Từ khi được xây dựng đến cuối thế kỷ 20, Chùa Cầu đã qua ít nhất 7 lần tu bổ. Lần trùng tu này, công trình đã thực hiện đúng quy trình và nguyên tắc trùng tu di tích, được các chuyên gia của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Tổng cục Văn hóa của Nhật Bản giám sát rất kỹ, đơn vị thi công làm đúng nguyên tắc cơ bản của trùng tu là đảm bảo các yếu tố nguyên gốc, tận dụng tối đa vật liệu cũ.

Trùng tu di tích là chuyên ngành khoa học nên ngoài việc tuân thủ các quy định trong nước thì còn phải tuân theo các công ước, quy định quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Mọi hoạt động can thiệp đều được tính toán trên cơ sở tôn trọng lịch sử, đảm bảo tính khoa học và khách quan. Tu bổ phải đảm bảo giữ lại tối đa các dấu tích vật chất hiện hữu, xác thực hàm chứa các giá trị lịch sử văn hóa của di tích Chùa Cầu, qua đó, bảo tồn nguyên vẹn các giá trị kiến trúc, nghệ thuật đã tạo nên hình ảnh biểu tượng của Hội An.

Là người dành nhiều tâm huyết cho các vấn đề về di sản văn hóa và là một trong những người tham gia ngay từ đầu đến cuối dự án trùng tu Chùa Cầu (Hội An - Quảng Nam), PGS.TS Đặng Văn Bài, Phó Chủ tịch Hội đồng Di sản văn hóa Quốc gia nhận định, đây là một trong những dự án được chuẩn bị một cách nghiêm túc khoa học. Sau nhiều cuộc hội thảo và 19 tháng thi công, dự án tu bổ di tích Chùa Cầu mới được khánh thành.

Thực tế, không riêng gì chùa Cầu Hội An, câu chuyện trùng tu di tích luôn là vấn đề nóng trong lĩnh vực bảo tồn văn hóa truyền thống. Theo số liệu từ Cục Di sản văn hóa - Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, hiện nay, nước ta có hơn 41.000 di tích phân bố trên khắp các vùng, miền, trong đó có hơn 4.000 di tích được xếp hạng di tích quốc gia, hơn 9.000 di tích được xếp hạng cấp tỉnh. Số lượng di tích xuống cấp ngày càng nhiều, áp lực lên công tác trùng tu ngày càng lớn.

Việc trùng tu di tích là cần thiết để bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa. Tuy nhiên, trùng tu như thế nào để thực sự mang lại hiệu quả vẫn luôn là câu hỏi quan trọng.

Theo PGS.TS Đặng Văn Bài, trong những năm gần đây công tác bảo tồn và phát huy các giá trị di sản đã tạo bước chuyển biến đáng kể và mang lại nhiều kết quả tích cực. Nhiều công trình, đặc biệt là các di tích cấp quốc gia đã được tu bổ chống xuống cấp di tích theo đúng bài bản, theo đúng quy chế, quy định, phát huy tốt những giá trị của di tích, di sản, tăng sức hút cho du lịch Việt Nam. “Tuy nhiên, những dự án thành công lại ít được tuyên truyền phổ biến trên các phương tiện thông tin đại chúng, do đó gây ra hiểu lầm rằng cứ trùng tu là gây “thảm họa”. Thực tế, các dự án trùng tu di tích cấp quốc gia và cấp tỉnh đều được thực hiện tốt. “Thảm họa” trùng tu chỉ diễn ra ở một số ít trường hợp ở phạm vi nhỏ, ví dụ như những công trình dự án không tuân thủ nghiêm túc những quy định về tu bổ di tích” - PGS.TS Đặng Văn Bài chia sẻ.

Mỗi di tích văn hóa là một trầm tích, một chứng nhân quan trọng của lịch sử, thể hiện một thời kỳ văn hóa và trí tuệ của cha ông. Di tích không dễ hình thành nhưng lại dễ bị mai một và nhiều nguy cơ bị biến mất với sự bào mòn của thời gian và điều kiện thiên nhiên khắc nghiệt. Bảo tồn và phát huy giá trị di sản, di tích là nhiệm vụ rất quan trọng. Tuy nhiên bảo tồn, trùng tu, tu bổ làm sao cho đúng là câu hỏi không dễ giải quyết.

Trả lời cho câu hỏi này, PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội cho rằng: “Để tránh “thảm họa trùng tu”, thứ nhất, chúng ta cần phải đánh giá hiện trạng một cách rất chi tiết, thực hiện khảo sát kỹ lưỡng. Thứ hai là phải lập kế hoạch trùng tu một cách rất khoa học. Thứ ba, cần phải huy động nguồn lực xứng tầm, cần bảo đảm nguồn vốn đủ lớn từ các nguồn ngân sách nhà nước, tài trợ từ các tổ chức, doanh nghiệp và sự đóng góp của cộng đồng. Ngoài ra, cần có sự tham gia của các chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực bảo tồn di sản. Thứ tư, vô cùng quan trọng, là phải tuân thủ các nguyên tắc bảo tồn, trong đó bảo đảm các nguyên tắc quốc tế về bảo tồn di sản nhằm gìn giữ tính nguyên bản và giá trị lịch sử của di tích. Thứ năm là cần phải giám sát chặt chẽ. Thứ sáu là phải tăng cường hoạt động giáo dục nhằm nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của công tác bảo tồn di tích, hướng đến việc bảo tồn và phát huy giá trị lịch sử văn hóa một cách hiệu quả và lâu dài”.

KTS Trần Huy Ánh, Ủy viên thường vụ Hội Kiến trúc sư Hà Nội cũng rất đồng tình với việc cần phải tăng cường thông tin, tuyên truyền và giáo dục về di tích, di sản văn hóa: “Chúng ta phải tăng cường sự hiểu biết của công chúng về di sản. Tất cả di sản được nhận diện đánh giá giá trị chính là nhờ đội ngũ các nhà khoa học, các nhà văn hóa. Vì thế, những bài viết, những quan điểm của họ cần được chia sẻ rộng rãi cho công chúng. Khi nhận thức của xã hội về di sản văn hóa được nâng cao thì bất cứ hành động nào vi phạm đều bị phát hiện và lên án kịp thời, tránh được việc xâm hại di tích, di sản” - KTS Trần Huy Ánh phân tích.

Các chuyên gia cũng cho rằng, một công trình trùng tu được cho là thành công phải đảm bảo đáp ứng được các yêu cầu về khoa học và yêu cầu tuân thủ các quy định của pháp luật. Ngoài ra, theo PGS.TS Đặng Văn Bài, cần phải chú ý đến yếu tố cộng đồng xung quanh khu vực di tích, di sản: “Dù chúng ta thực hiện những phương án tu bổ nào, những nguyên tắc nào thì cũng cần đáp ứng được các mục tiêu quan trọng. Mục tiêu cơ bản đầu tiên đặt ra là phải loại trừ những yếu tố khách quan và chủ quan tác động làm suy giảm các yếu tố nguyên gốc cấu thành giá trị của di sản. Mục tiêu thứ hai phải tạo ra sự bền vững kéo dài được tuổi thọ của di tích. Không có một công thức cứng nhắc cho tất cả di tích, mỗi một di tích phải có cách tiếp cận và phương pháp xử lý khác nhau. Nhưng, điều quan trọng không kém là mục tiêu thứ ba: tu bổ di tích để phục vụ nhu cầu của cộng đồng cư dân ở địa phương ấy. Lớn hơn là chúng ta phải giáo dục lòng yêu nước, giáo dục để hình thành nhân cách con người Việt Nam. Tôi nghĩ, bất cứ dự án nào mà đáp ứng được 3 mục tiêu đó thì nó có kết quả rất tốt”- PGS.TS Đặng Văn Bài nhấn mạnh.

Một trong những bài toán quan trọng cần phải tính đến trong công tác trùng tu đó là nguồn lực. Kinh phí dành cho bảo tồn, phát huy giá trị di sản, di tích còn khá khiêm tốn, nhỏ giọt, điều này cũng ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng trùng tu di tích. Vì thế rất cần một cơ chế thông thoáng và phù hợp để huy động được nguồn lực tổng thể của xã hội, của Nhà nước, của cộng đồng và của các doanh nghiệp tư nhân.

PGS.TS Đặng Văn Bài cho rằng, với điều kiện kinh tế của nước ta hiện nay, phải lựa chọn những đối tượng ưu tiên đầu tư: “Theo tôi, những di tích quốc gia đặc biệt, kiến trúc nghệ thuật có giá trị tiêu biểu phải được ưu tiên đầu tiên. Thứ hai là những di tích tu bổ đúng chuẩn mực khoa học và thứ ba là những di tích của đồng bào dân tộc thiểu số miền núi, biên giới” - PGS.TS Đặng Văn Bài phân tích thêm.

Trùng tu, tu bổ các di tích xuống cấp vẫn là nhiệm vụ khó khăn, phức tạp bởi chúng ta đang không chỉ thiếu kinh phí mà còn hạn hẹp nhiều nguồn lực khác. Các di tích đều có kiến trúc phức tạp, quy mô công trình quá lớn nên gây khó khăn trong việc phục hồi và tôn tạo. Thêm nữa, lĩnh vực này ngày càng thiếu vắng chuyên gia giỏi, khan hiếm thợ lành nghề. Trong khi đó, các trường mỹ thuật lại chưa đào tạo chuyên ngành này. Trong công tác bảo tồn di tích, trùng tu, tôn tạo đúng thời điểm là rất quan trọng bởi nếu không kịp thời, chúng ta khó có cơ hội trọn vẹn để bảo tồn, lưu giữ.

Mỗi di tích văn hóa là một trầm tích, một chứng nhân quan trọng của lịch sử, ở đó người ta thấy được một thời kỳ văn hóa, thấy được truyền thống tốt đẹp và trí tuệ của cha ông, xây dựng lên nền văn hóa cổ truyền của dân tộc. Di tích không dễ hình thành nhưng lại rất dễ bị mai một, luôn tiềm ẩn nguy cơ biến mất nhanh chóng. Chính vì vậy, việc trùng tu, bảo tồn và phát huy di tích vừa là nhiệm vụ cấp thiết vừa mang tính lâu dài. Đồng thời đây không phải nhiệm vụ của một cấp, một ngành hay riêng địa phương nào. Sự phối hợp giữa chính quyền, chuyên gia lịch sử, chuyên gia bảo tồn văn hóa và người dân chính là lời giải cho bài toán này.

Mời nghe nội dung bài viết tại đây: