Phát biểu khai mạc tọa đàm, ông Vũ Thế Bình- Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam cho biết, truyền thông đóng vai trò quan trọng trong phát triển du lịch. Trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghệ 4.0 đang làm thay đổi diện mạo thế giới như hiện nay, vai trò của truyền thông càng được khẳng định rõ nét.

"Du lịch với tính chất là ngành kinh tế tổng hợp việc quảng bá sản phẩm, định hướng tiêu dùng và điều chỉnh hành vi của các bên liên quan không thể thiếu vắng vai trò của truyền thông. Trong thời đại mở cửa, mối quan hệ giao thương giữa các vùng và các quốc gia phát triển, cơ sở vật chất về giao thông được đầu tư, việc di chuyển, đi lại ngày càng dễ dàng. Nhờ đó, mong muốn được đi du lịch, khám phá thế giới của con người có điều kiện được thỏa mãn. Tuy nhiên, chính điều đó đặt con người trước quá nhiều sự lựa chọn: đi đâu, nên chọn sử dụng sản phẩm, dịch vụ nào… Nếu như trước đây đối với ngành du lịch, nhiệm vụ của truyền thông là giới thiệu các điểm đến, sản phẩm, dịch vụ thì bây giờ truyền thông sẽ đóng góp vai trò tư vấn giúp du khách giải quyết được vấn đề đang đặt ra", ông Vũ Thế Bình phân tích.

Ông Nguyễn Công Hoan, TGĐ Flamingo Redtour cho rằng, truyền thông trong du lịch góp phần đưa đến cho du khách những thông tin chân thực, khách quan, rõ ràng và đầy đủ về điểm đến, sản phẩm, dịch vụ. Những kênh truyền thông du lịch tin cậy không chỉ là nơi giới thiệu mà còn trở thành các chuyên gia tư vấn, định hướng cho du khách. "Sự bùng nổ của công nghệ thông tin kéo theo sự phát triển của các kênh truyền thông đặt ngành du lịch trong sự canh tranh khốc liệt, không chỉ về chất lượng của sản phẩm, dịch vụ mà còn là sự cạnh tranh về việc sử dụng truyền thông để quảng bá một cách hiệu quả".

Còn theo ông Phạm Duy Nghĩa- CEO Vietfood Travel, truyền thông đóng vai trò rất quan trọng trong quảng bá sản phẩm du lịch của mỗi doanh nghiệp, của từng địa phương hay quốc gia. 'Truyền thông không chỉ giúp thu hút du khách tiềm năng mà còn góp phần tăng cơ hội để du khách quay trở lại điểm đến, giúp kích thích nhu cầu chi tiêu của khách hàng. Vì thế, rất cần nguồn thông tin chính thức từ cơ quan chủ quản, quản lý ngành Du lịch và sự vào cuộc của các cơ quan truyền thông để tập trung truyền thông cho du lịch Việt Nam nói chung và các địa phương nói riêng nhiều hơn, mạnh hơn và đa dạng hơn", ông Nghĩa nhấn mạnh.

Chia sẻ tại tọa đàm, ông Vũ Quốc Trí, Tổng thư ký Hiệp hội Du lịch Việt Nam nêu quan điểm, ngành du lịch Việt Nam muốn phát triển bền vững, xứng tầm với tiềm năng thì cần phải có sự truyền thông đúng mực. "Nếu chúng ta truyền thông một vấn đề quá mức, quá tốt hay quá xấu, đều làm ảnh hưởng tới hình ảnh du lịch Việt Nam. Chẳng hạn khi chúng ta nói về kinh tế đêm, không thể nói là kinh tế đêm giải quyết được hết các vấn đề của ngành du lịch: tạo việc làm, tăng chi tiêu của du khách, thêm dịch vụ để khách trải nghiệm... vì thực tế không phải ở đâu, khi nào phát triển kinh tế đêm cũng mang lại hiệu quả. Vì thế, trước khi đưa thông tin về du lịch Việt Nam, các cơ quan truyền thông cần dựa trên tính tổng thể cũng như cần phải chú trọng giải quyết những mâu thuẫn giữa lợi ích mà ngành du lịch mang lại gắn với phát triển kinh tế - xã hội của cộng đồng địa phương".

Sự phối hợp giữa truyền thông và ngành Du lịch, các doanh nghiệp lữ hành là phương án cộng hưởng nguồn lực, mang đến hiệu quả tối ưu để thu hút khách du lịch đến Việt Nam và kích thích nhu cầu du lịch của du khách nội địa, góp phần đưa du lịch ngày càng phát triển.