Trải qua hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước, Việt Nam đã sản sinh ra nhiều vị tướng tài ba. Mỗi triều đại lịch sử, dân tộc ta đều tự hào vì có các danh tướng đủ tài và đức để lãnh đạo nhân dân đánh bại hầu hết các thế lực ngoại xâm, bảo vệ yên bình cho dân tộc.

Có thể kể đến các danh tướng: Lý Ông Trọng được Tần Thủy Hoàng dựng tượng. Quân Mông-Nguyên không dám gọi tên Trần Quốc Tuấn. Lê Hoàn đánh Tống bình Chiêm. Nguyễn Huệ chỉ tiến không lui trên chiến trường. Trần Khát Chân phá thế phong thủy kinh thành Tây Đô, đánh bại vua Chiêm Chế Bồng Nga.

Trần Khát Chân sinh năm 1370, mất năm 1399. Ông là người ở Hà Lãm, Phủ Vĩnh Ninh nay là xã Hà Lương huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa, là một tướng lĩnh Đại Việt cuối thời Trần. Ngay từ nhỏ, ông đã là người ham học và học rất giỏi. Năm 18 tuổi, Trần Khát Chân đã có tiếng là văn võ song toàn.

Trần Khát Chân là dòng dõi của danh tướng Trần Bình Trọng với câu nói bất hủ “Ta thà làm quỷ nước Nam chứ Không thèm làm vương đất Bắc”. Trần Khát Chân nổi bật với việc chỉ huy quân đội chống lại các đợt tấn công của Chiêm Thành, đánh bại vua Chiêm là Chế Bồng Nga trong trận Hải Triều năm 1390.

Trong giai đoan cuối thời Trần, đất nước ta rối loạn, cuộc sống của nhân dân vô cùng cực khổ bởi phía bắc giặc Minh nhòm ngó, phía Nam giặc Chiêm Thành quấy nhiễu, đem quân nhiều lần tiến đánh Đại Việt. Lúc bấy giờ Trần Khát Chân nổi lên là một vị tướng tài ba đánh đuổi giặc Chiêm Thành cứu dân tộc khỏi họa xâm lăng, bảo vệ bình yên cho đất nước.

Theo nhà sử học Lê Văn Lan, vào thời kỳ đó, nhà Trần đã ở giai đoạn suy vi mà nước Chiêm Thành bên cạnh thì lại rất mạnh nên đã 3 lần đánh thẳng vào kinh thành Thăng Long năm 1371, 1377, 1378. Những lần quân Chiêm Thành đánh vào Thăng Long thì Vua, quan phải đi lánh nạn. Đến năm 1789 thì quân Chiêm Thành do đích thân Chế Bồng Nga mang một đội thủy quân rất mạnh sang xâm chiếm nước ta và lần này Trần Khát Chân nhận lệnh từ Thái Thượng hoàng Trần Nghệ Tông chỉ huy đội quân Long Tiệp và đồng thời là phụ trách toàn bộ cuộc kháng chiến.

Theo "Đại Việt sử ký toàn thư", sau khi nhận lệnh từ Thái Thượng hoàng Nghệ Tông, Trần Khát Chân dẫn quân đi nhưng chưa đến vùng Thanh Hóa thì đã gặp quân Chiêm Thành. Ông quyết định lui quân khoảng 15km là vùng ngã ba sông Cửa Luộc, Thái Bình hiện nay.

Lúc đó ông đã bố trí sắp đặt sẵn trận địa mai phục và khi Chế Bồng nga cùng với các đoàn thuyền đến nơi thì đã được báo trước là thuyền của Chế Bồng nga có đăc điểm riêng, có màu xanh lục thì ông đã cho toàn bộ hỏa pháo của mình bắn vào thuyền của Chế Bồng Nga.

Ngày 23 tháng Giêng năm 1390, Đô tướng Trần Khát Chân đại thắng quân Chiêm thành ở Hải Triều, giết được vua Chế Bồng Nga. Khi nghe báo tin thắng trận, Thượng hoàng Trần Nghệ Tông rất vui mừng, liền phong cho Trần Khát Chân làm Long Tiệp Phụng Thần Nội vệ Thượng tướng quân, tước Vũ Tiết Quan Nội Hầu.

Thế nhưng thật tiếc là sau này vào thời suy vi của nhà Trần, Trần Khát Chân đã bị Hồ Quý Ly sát hại cùng với 370 quan quân khác của nhà Trần. Ông mất khi mới 29 tuổi.

Sau khi ông mất, tưởng nhớ công lao của ông đối với dân, với nước, nhân dân đã lập đền thờ ông ở làng Phương Nhai và sườn núi Đốn và nhiều nơi khác nữa.

Cuộc đời và sự nghiệp của Trần Khát Chân mãi là khúc ca đẹp về tinh thần kiên trung bất khuất, tấm gương sáng ngời được truyền tụng và noi theo đến muôn đời sau.

Mời nghe âm thanh tại đây: