Nước Anh - Một siêu cường văn hóa

Năm 2002, trong dịp kỷ niệm 10 năm ra đời, Giải Bóng đá Ngoại hạng Anh đã được Nữ hoàng Anh Elizabeth Đệ Nhị trao tặng kỷ niệm chương vì “có nhiều đóng góp trong việc giúp cho văn hóa Anh được biết đến trên toàn thế giới”. Nhờ bóng đá mà văn hóa, lối sống, phong cách, âm nhạc, ẩm thực, trang phục... của người Anh có thể được nhận diện ở bất cứ đâu, từ một quốc gia Đông Nam Á cho đến vùng rừng rậm Amazon ở Nam Mỹ xa xôi. Đó là ví dụ cho thấy, sản phẩm của ngành Công nghiệp Văn hóa có đóng góp lớn như thế nào trong việc tạo dựng thương hiệu quốc gia.

Nước Anh là một “siêu cường văn hóa” nhờ ảnh hưởng của ngôn ngữ, tôn giáo. Đó là quê hương của tiểu thuyết hiện đại, là nơi sản sinh ra những nhà viết kịch, nhà thơ, nhà văn đại tài. Trong thế kỷ XX, nhiều quốc gia khác cũng nhờ công nghiệp văn hóa mà độ nhận diện của họ trên thế giới gia tăng, thiện cảm của công chúng nước khác với quốc gia đó tăng theo, từ đó dẫn đến nhiều lợi ích khác.

Cho đến nay, nhiều người vẫn ấn tượng mạnh về những gì được chứng kiến trong Lễ khai mạc Olympic London 2012 do Danny Boyle – đạo diễn đạt giải Oscar – thực hiện. Đó là một sự kiện nghệ thuật hoành tráng có sự tham gia của hơn 10.000 diễn viên, Danny Boyle đã hòa trộn một cách tinh tế tất cả những biểu tượng văn hóa nghệ thuật đương đại của nước Anh. Nước Anh được khắc họa qua hình tượng một “Hòn đảo diệu kỳ”, ở đó có cô bé Alice trong xứ sở thần tiên, Peter Pan, Chúa tể hắc ám Voldemort trong loạt chuyện Harry Potter.

Đặc biệt có cả một đoạn clip chàng Điệp viên 007 James Bond do diễn viên Daniel Craig thủ vai, tới cung điện Buckingham hộ tống Nữ hoàng Anh Elizabeth Đệ Nhị đến sân vận động dự lễ khai mạc bằng trực thăng, bay qua những công trình kiến trúc như Cầu Tháp London, Vòng quay Thiên niên kỷ, Tháp đồng hồ Big Ben... Quá nhiều biểu tượng văn hóa được đạo diễn Danny Boyle lồng ghép trong một chương trình nghệ thuật kéo dài 3 tiếng, trước sự chứng kiến của 8 vạn khán giả trực tiếp, 120 nguyên thủ quốc gia và hơn 3 tỷ người khác xem qua truyền hình.

“Cái khó là làm thế nào tập hợp tất cả những điều tuyệt vời nhất về đất nước chúng tôi ở mọi khía cạnh: thể thao, nghệ thuật, văn học, lịch sử, những đóng góp cho các sự kiện quốc tế... vào cùng một chương trình nghệ thuật. Chúng tôi có quá nhiều biểu tượng văn hóa, và tôi không muốn bỏ qua bất cứ điều gì. Tôi tin mình đã đem đến một buổi lễ dành cho tất cả mọi người”, đạo diễn Danny Boyle nói.

James Bond, Harry Potter, Voldermort, những công trình kiến trúc... đều là các sản phẩm của ngành Công nghiệp Văn hóa Anh. Không chỉ các nhân vật hư cấu, một nguyên thủ quốc gia có thật – Cố Nữ hoàng Elizabeth Đệ Nhị - qua bàn tay tài tình của các nhà sáng tạo nội dung – cũng trở thành một biểu tượng văn hóa, đại diện cho những giá trị tốt đẹp mà người Anh tôn thờ. Nói đến những hình tượng đó là nói đến Vương quốc Anh, một “siêu cường văn hóa” sở hữu rất nhiều bộ nhận diện thương hiệu quốc gia.

Khai thác Công nghiệp Văn hóa để tạo thương hiệu quốc gia

Bắt chước nước Anh, trong thế kỷ XX, nhiều quốc gia khác cũng xây dựng nền Công nghiệp Văn hóa để gây dựng thương hiệu quốc gia, giúp cho hình tượng đất nước đó in sâu trong lòng người dân nước khác. Một ví dụ quá hiển nhiên: nói đến điện ảnh và truyền hình là phải nhắc đến Hollywood của Mỹ. Một thế kỷ qua, hàng ngàn bộ phim, hàng chục ngàn hình tượng điện ảnh – truyền hình xuất xưởng từ Kinh đô Hollywood, góp phần tăng cương độ nhận diện nước Mỹ trên toàn thế giới.

Không chỉ các sản phẩm cụ thể của ngành công nghiệp nội dung, ngay cả một ý niệm tưởng như mơ hồ như “Tinh thần Samurai” cũng được Nhật Bản khéo léo khai thác để biến thành một bộ nhận diện thương hiệu cho họ ở tầm thế giới. Tiến sỹ Bùi Nguyên Bảo, một chuyên gia về ngoại giao và văn hóa phân tích: “Nhắc đến Nhật Bản là nhắc đến Tinh thần Samurai. Dù tiếp cận ở góc độ nào: một vở kịch, một cuốn sách hay một bộ phim... đọc đi đọc lại hay xem các tác phẩm này – dù thể loại có thể khác nhau, nhưng luôn nổi bật lên tinh thần, ý chí, khí phách của người Nhật”.

Những ví dụ gần hơn về mặt thời gian mà chúng ta có thể nhắc đến là Triển lãm Thế giới World EXPO Dubai 2020 và Vòng chung kết World Cup 2022 tại Qatar. Cùng với Olympic, đó là 3 sự kiện thu hút số người tham dự lớn nhất toàn cầu. Và có một điểm đặc biệt: trong vòng 2 năm World EXPO Dubai 2020 và World Cup 2022 đều diễn ra trên Bán đảo Ả Rập, biến khu vực này trở thành tâm điểm thu hút sự quan tâm của toàn thế giới. Từ việc còn xa lạ với công chúng quốc tế, nhờ đăng cai những siêu sự kiện, hình ảnh Dubai (Các Tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất) và Qatar – với những đô thị xa họa, những nét văn hóa Ả Rập đặc sắc... được biết đến rộng rãi trên toàn thế giới, góp phần thay đổi nhận thức của công chúng về hình ảnh 2 quốc gia này.

Ông Trần Nhất Hoàng, Phó Cục trưởng Cục Hợp tác Quốc tế, Bộ VH-TT&DL, Phó Tổng đại diện Việt Nam tại World EXPO Dubai 2020 nhìn nhận: “Các quốc gia Trung Đông, sau khi đã xây dựng được một nền tảng kinh tế - tài chính – xã hội ổn định, tốt đẹp, họ khát khao và mong muốn thế giới nhìn nhận đúng về họ, chứng minh rằng họ có thể làm những điều phi thường; đồng thời muốn thế giới nhìn nhận về họ theo cách khác đi so với cách mà lâu nay thế giới vẫn nhìn nhận họ. Đó là lí do mà ở World EXPO Dubai họ đưa ra chủ đề: Connecting minds. Creating future (kết nối trí tuệ để xây dựng tương lai). Điều đó cho thấy họ cần sự kết nối để tạo nên sự hiểu biết, thấu hiểu lẫn nhau. Và khi đã thấu hiểu họ rồi thì chúng tôi thực sự ngưỡng mộ họ. Họ có tầm nhìn lớn lao, quản trị quốc gia rất tốt, có tiềm lực, xây dựng và quản trị nguồn lực rất hiệu quả”.

Phân tích sâu hơn về trường hợp World Cup, ông Trần Nhất Hoàng đặc biệt yêu thích cách mà người Qatar thay đổi nhận thức công chúng thế giới về hình tượng chiếc khăn đội đầu qua linh vật La’eeb. Nếu như trước đây, những chiếc khăn đó mang đến ý niệm về sự sợ hãi, bí ẩn, thậm chí gợi nhắc chủ nghĩa khủng bố, thì qua linh vật World Cup 2022, người Qatar muốn mang đến hình ảnh vui vẻ, thân thiện, hòa đồng hơn: “Họ rất coi trọng cảm xúc trong việc xây dựng hình ảnh quốc gia mình với nước ngoài thông qua âm nhạc, nghệ thuật, thậm chí là một góc quay, một biển bảng, một lời chào. Qatar đã đưa vào những nét nhạc ấn tượng, giàu cảm xúc, lặp đi lặp lại trước và sau trận đấu. Chính điều đó lưu lại trong ký ức công chúng những điều tốt đẹp, là công cụ để kết nối Qatar với thế giới”.

Với Việt Nam, nhiều chuyên gia văn hóa và ngoại giao nhận định, chúng ta có quá nhiều yếu tố để tạo nên những hình tượng, biểu tượng văn hóa, qua đó tạo dựng hình ảnh quốc gia trong mắt bạn bè quốc tế. Trong thế kỷ XX, chúng ta từng có một biểu tượng văn hóa nổi tiếng: hình tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Hiện nay, thời trang, ẩm thực, hội họa, du lịch đều có thể khai thác để tạo nên thương hiệu quốc gia. Vấn đề của Việt Nam là, dù có nhiều chất liệu nhưng chúng ta vẫn chưa có được một dây chuyền sản xuất sản phẩm đủ nhiều, đủ liên tục, tạo ra giá trị cao, giống như những gì mà Anh, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc đã làm. Với những chuyển biến và nhận thức về Công nghiệp Văn hóa ở Việt Nam, hy vọng điều đó sẽ thay đổi trong tương lai gần.