Chúng ta vừa trải qua đại dịch khủng khiếp, tất cả mọi người trong xã hội đều hiểu và cảm nhận rõ sự hi sinh và công sức của các cán bộ, nhân viên y tế – những người đã có mặt ở nơi nguy hiểm nhất để phòng chống dịch, cứu chữa, điều trị bệnh nhân COVID-19.

Dịch bệnh chưa lắng xuống, lời cảm ơn y bác sĩ còn chưa nói hết, vẫn còn đó những “món nợ” ân tình. Vậy mà…

Vụ việc một người đàn ông xông tới bóp cổ, đe dọa bác sĩ tại Bệnh viện nhân dân Gia Định-TP. Hồ Chí Minh đã khiến nhiều người, không phải chỉ trong ngành, cảm thấy phẫn nộ và “sốc”. Dẫu hành vi của một cá nhân không đại diện cho tất cả bệnh nhân, người nhà và toàn xã hội, song cũng khiến chúng ta cảm thấy xấu hổ và dường như nợ thêm một lời xin lỗi với những người đã từng hết lòng cống hiến, hi sinh vì sức khỏe cộng đồng.

Hành vi bạo lực, gây thương tích, tổn hại về sức khỏe tinh thần và thể chất với cán bộ nhân viên y tế - dù xuất phát từ bất cứ lý do nào cũng là điều không thể chấp nhận và không thể dung thứ. Điều 134, Bộ Luật Hình sự sửa đổi năm 2017 cũng đã bổ sung tình tiết tăng nặng đối với tội cố ý gây thương tích cho người “chữa bệnh cho mình”. Bộ Y tế, các bệnh viện cũng đã có nhiều biện pháp để bảo vệ cán bộ nhân viên y tế. Tuy nhiên, dường như, tất cả những điều đã thực hiện chưa đủ mạnh để tạo được một hành lang an toàn cho các y bác sĩ trong môi trường bệnh viện. Khi môi trường làm việc có nhiều rủi ro, luôn nơm nớp lo sợ bị hành hung… liệu các y bác sĩ có yên tâm làm việc, có toàn tâm, toàn ý để cứu chữa người bệnh?

Cái gốc của nhiều vụ việc, có lẽ xuất phát từ cách ứng xử của những người có thói quen giải quyết mọi việc bằng bạo lực. Nếu ở ngoài đường, người bị tấn công có thể chống trả nhằm tự vệ nhưng trong bệnh viện, khi đang khoác lên mình tấm áo blouse trắng, lương tâm và trách nhiệm nghề nghiệp không cho phép y bác sĩ phản kháng. Vậy ai sẽ bảo vệ họ?

5 năm trước, đại biểu Quốc hội Nguyễn Lân Hiếu đã kiến nghị Quốc hội ban hành Luật về phòng chống bạo hành nhân viên y tế và hủy hoại tài sản ở các cơ sở dịch vụ y tế. Luật khám chữa bệnh sửa đổi đang trong giai đoạn hoàn chỉnh để trình Quốc hội trong kỳ họp tới cũng đã có nhiều điều chỉnh theo hướng bảo vệ tốt hơn cho nhân viên y tế. Thế nhưng, trong khi tính chất răn đe của luật pháp còn chưa cao, thiết nghĩ, không chỉ cần thiết phải tạo một hàng rào đủ mạnh để ngăn chặn các vụ tấn công, hành hung nhân viên y tế mà việc tạo một không gian, một môi trường văn minh trong bệnh viện để bất cứ ai khi bước chân vào cũng phải tự ý thức cần ứng xử sao cho lịch sự, tôn trọng cán bộ nhân viên y tế cũng là điều cần thiết. Không thể để bệnh viện là nơi tính côn đồ lộng hành.

Mong rằng mỗi người khi đến bệnh viện đều trong tâm thế chia sẻ, cảm thông với công việc của y bác sĩ để xây dựng mối quan hệ tốt đẹp giữa hai bên. Bởi cuộc sống của chúng ta, từ khi sinh ra đến khi kết thúc đều có sự hiện diện, chăm sóc của những người thầy thuốc. Triết gia người La Mã Seneca có câu: "Người ta trả tiền cho công sức của bác sĩ, còn sự tử tế của bác sĩ vẫn mãi là món nợ ân tình" – liệu có ai muốn biến mình thành người vong ân?