Bóng đá thế giới những ngày qua rúng động sau vụ hỗn loạn tại sân vận động Kanjuruhan ở Malang, Đông Java, Indonesia, nơi đám đông giẫm đạp lên nhau và nhiều người bị ngạt thở. Con số thương vong ban đầu được đưa ra là hơn 170 người chết và dù sau đó được đính chính thành 125, vẫn là một tổn thất quá lớn về nhân mạng. Giải VĐQG Indonesia đã tạm dừng để điều tra nguyên nhân sau chỉ đạo của Tổng thống Widodo trong khi Bộ trưởng Thanh niên Thể thao Indonesia Zainudin Amali nói đến khả năng huỷ bỏ giải đấu sau vụ việc.

125 người thiệt mạng khiến vụ việc xảy ra tại sân vận động Kanjuruhan trở thành thảm họa nghiêm trọng thứ hai trong lịch sử bóng đá thế giới. Trên sân Estadio Nacional, Peru gặp Argentina năm 1964, các cổ động viên đã tràn xuống sân khi một bàn thắng của đội chủ nhà bị từ chối. Cảnh sát can thiệp và vụ hỗn loạn sau đó khiến 328 người thiệt mạng. Còn vào năm 2001, 116 CĐV thiệt mạng tại sân Accra Sports, khi Accara Heart of Oak thi đấu với Kotoko - cuộc so tài giữa hai đội mạnh nhất Ghana. Người ta cũng hay nhắc đến những thảm họa Heysel và Hillsborough, xảy ra vào các năm 1985 và 1989…

Sau những vụ việc nghiêm trọng, nhiều quy định mới đã được ban hành và áp dụng đối với các sân bóng trên toàn thế giới, nhằm đảm bảo an toàn cho cầu thủ cũng như CĐV trong trường hợp xảy ra sự cố, nhưng dường như vẫn là chưa đủ. Điểm chung của những vụ thảm kịch dẫn tới nhiều người thiệt mạng nhất trong các trận bóng đá, đó là cuộc so tài giữa những đại kình địch, nên tập trung đông người và bầu không khí hừng hực, dễ bị kích động của các CĐV.

Tại sân Estadio Nacional (Peru), Kanjuruhan (Indonesia) hay Accra Sports (Ghana), thảm kịch đều bắt đầu bằng việc các CĐV tràn xuống sân và cảnh sát tìm cách ngăn cản đám đông bằng hơi cay, dẫn tới hỗn loạn và giẫm đạp lên nhau. Trong khi đó, theo quy định của FIFA, cảnh sát hoặc đội ngũ an ninh không được sử dụng vũ khí hoặc các loại khí để kiểm soát đám đông tại các trận đấu bóng đá. Việc không tuân theo quy định này đã dẫn tới thảm họa, mới nhất là tại Kanjuruhan (Indonesia).

Bóng đá Việt Nam cũng từng xảy ra những vụ ẩu đả giữa CĐV hai đội bóng nhưng may mắn mới dừng ở mức “sứt đầu mẻ trán” hay vấn nạn pháo sáng, pháo khói trên các khán đài. Việc kiểm soát an ninh hiện nay ở các sân vận động được BTC đặc biệt quan tâm và đặc biệt là trong những trận đấu có sự góp mặt của các đội tuyển quốc gia. Và thực tế, về độ “máu lửa” của CĐV Việt Nam cũng chỉ tập trung ở 1 vài sân bóng vốn được mệnh danh là “chảo lửa” như Thiên Trường (Nam Định), Lạch Tray (Hải Phòng) hay Vinh (Nghệ An).

Tuy nhiên, những vụ việc như vừa xảy ra ở Indonesia cũng sẽ khiến các BTC sân có những biện pháp chặt chẽ hơn nữa, nhằm đảm bảo an ninh an toàn tuyệt đối tại các sân vận động.

Cẩn trọng không bao giờ là thừa, nhất là với đặc thù SVĐ, nơi có thể tập trung hàng vạn người.

Bài học đã có nhiều, và đó đều là những bài học đắt giá – phải trả bằng sinh mạng con người./.