Khi các cầu thủ bắt đầu ra sân hát Quốc ca, hàng triệu khán giả theo dõi trên nền tảng Youtube đã “chết lặng” khi màn hình hiện lên dòng chữ "Vì lý do bản quyền âm nhạc, chúng tôi buộc lòng phải tắt tiếng ở phần lễ chào cờ. Sau lễ chào cờ, tín hiệu âm thanh sẽ trở lại bình thường. Mong quý vị và khán giả thông cảm."

Đây là sự cố hy hữu khi khán giả không được nghe Quốc ca trong trận đấu của đội tuyển Việt Nam khi theo dõi trên nền tảng Youtube. Dù chưa có bên nào “đánh bản quyền” Quốc ca, nhưng các đơn vị tiếp sóng phòng xa bằng cách tự tắt tiếng phần này để tránh bị mất doanh thu như kênh YouTube của FPT khi phát sóng trận Việt Nam - Saudi Arabia diễn ra tối 16/11 tại Việt Nam.

Dư luận dậy sóng nhưng câu trả lời có lẽ lại thuộc về trách nhiệm của cơ quan quản lý đối với Quốc ca chứ không chỉ là trách nhiệm của một tổ chức, cá nhân cụ thể nào.

Trước hết, nói về góc độ hành lang pháp lý. Với Luật Sở hữu trí tuệ được ban hành năm 2005, sửa đổi bổ sung năm 2009 và 2019, hiện hành, Việt Nam đã có những quy định về quyền tác giả tương đối đầy đủ.

Cũng như các tài sản khác, chủ sở hữu tài sản, là tác giả của tác phẩm có các quyền tài sản mang lại giá trị kinh tế đối với tác phẩm của mình. Dù được pháp luật dân sự công nhận là một loại tài sản, thế nhưng tác phẩm văn học nghệ thuật như Quốc ca lại là một tài sản đặc biệt với sự tồn tại về mặt vật chất khác hẳn với các loại tài sản hữu hình khác. Bên cạnh các quyền tài sản với tác phẩm, tác giả của tác phẩm còn có các quyền đặc thù khác mà không chủ sở hữu tài sản nào có được đó là các quyền nhân thân với tác phẩm.

Luật đã có quy định, ngoài chủ sở hữu quyền tác giả là tác giả còn có các đồng tác giả, các tổ chức cá nhân giao quyền cho tác giả hoặc giao kết hợp đồng với tác giả, người thừa kế hoặc người được chuyển giao quyền. Chưa kể liên quan đến một tác phẩm theo Luật Sở hữu trí tuệ, ngoài quyền của tác giả còn có quyền của người biểu diễn, của nhà sản xuất bản ghi âm, ghi hình, quyền của tổ chức phát sóng.

Đối với mỗi bản ghi âm, ghi hình của một bài hát khi được phát hành sẽ chứa 2 loại quyền tách biệt là: quyền bản ghi - liên quan đến phần nhạc, hòa âm phối khí và âm thanh giọng hát có trong bản ghi và quyền tác giả - liên quan đến phần giai điệu, tiết tấu và lời của bài hát được sử dụng trong bản ghi âm. Quốc ca của Việt Nam đã được gia đình nhạc sỹ Văn Cao hiến tặng tác phẩm cho Nhà nước, nhưng là hiến tặng phần "nhạc và lời". Điều 13 Hiến pháp 2013 đã ghi nhận: Quốc ca nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là nhạc và lời của bài “Tiến quân ca”. Việc trao tặng này của gia đình nhạc sỹ Văn Cao cũng chấm dứt việc hát Quốc ca trong các chương trình biểu diễn trong nước phải nộp tiền tác quyền.

Hiện nay có rất nhiều đơn vị sản xuất bản ghi “Tiến quân ca” cả trong nước và ngoài nước. Theo Luật Sở hữu trí tuệ, nếu bất kỳ ai bỏ tiền, thời gian, công sức, kỹ thuật ra sản xuất bản ghi mà đã thanh toán quyền tác giả thì là chủ sở hữu hợp pháp của bản ghi; bất kỳ ai sử dụng bản ghi đó thì phải xin phép nhà sản xuất.

Ngày 15/7/2016, khi tiếp nhận bài hát, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Vương Duy Biên cho biết Bộ được giao nhiệm vụ là cơ quan chủ quản quản lý bài hát. Bộ có trách nhiệm gìn giữ và phát huy giá trị ca khúc này. Văn phòng Bộ cũng đã giao các vấn đề liên quan đến bản quyền của bài “Tiến quân ca” cho Cục Bản quyền tác giả. Vì vậy, để tránh các sự cố bản quyền tương tự, Nhà nước mà trực tiếp là Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch cần thực hiện sản xuất bản ghi Quốc ca chuẩn, với dàn nhạc giao hưởng và phát miễn phí trên các nền tảng số âm nhạc. Trong các sự kiện trong và ngoài nước, các đơn vị có thể sử dụng bản ghi này mà không lo vi phạm bản quyền.

Không ai được phép dùng tài sản Quốc gia để trục lợi cho mục đích cá nhân. Song, khi đã hội nhập toàn cầu, Việt Nam cần chấp hành “luật chơi” quốc tế. Người dân bức xúc, doanh nghiệp kêu oan, cuối cùng vẫn chỉ có cơ quan chức năng mới có thể xử lý triệt để vấn đề này.