Đất đai là vấn đề rất phức tạp, nhạy cảm, được sự quan tâm của toàn xã hội, liên quan đến mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội và mọi người dân.

Nguyên nhân chính khiến nhiều người dân phải “cõng đơn” đi kiện từ năm này qua năm khác là từ bất cập trong công tác thu hồi đất.

Luật Đất đai năm 2013 tại điều 74 quy định khi Nhà nước thu hồi đất, việc bồi thường được thực hiện bằng việc giao đất có cùng mục đích sử dụng với loại đất thu hồi. Nếu không có đất để bồi thường thì được bồi thường bằng tiền theo giá đất cụ thể của loại đất thu hồi, do UBND cấp tỉnh quyết định tại thời điểm quyết định thu hồi đất.

Nguyên tắc là thế, quy định tưởng như rõ ràng là thế nhưng vì sao người dân vẫn bức xúc, vẫn đơn thư, vẫn khiếu nại? Bên cạnh nguyên nhân bảng giá đất do Nhà nước quy định được áp dụng trong bồi thường khi thu hồi đất thấp hơn nhiều do với giá giao dịch trên thị trường thì còn lý do gì khác?

Người dân có thể hy sinh quyền lợi nếu việc thu hồi đất vì lợi ích, mang lại sự phát triển cộng đồng nói chung nhưng sẽ không bao giờ chấp nhận việc thu hồi đất để tạo điều kiện cho tham nhũng, tư túi, cho lợi ích nhóm.

Khoản 3, Điều 54, Hiến pháp năm 2013 nêu rõ: “Nhà nước thu hồi đất do tổ chức, cá nhân đang sử dụng trong trường hợp thật cần thiết do luật định vì mục đích quốc phòng, an ninh; phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng. Việc thu hồi đất phải công khai, minh bạch và được bồi thường theo quy định của pháp luật”. Tuy nhiên, Luật Đất đai 2013 không định nghĩa hay giải thích lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng được hiểu là như thế nào. Thay vào đó là liệt kê các trường hợp thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng tại điều 62.

Với quy định như vậy, thực tế những năm thi hành Luật Đất đai, nhiều trường hợp thực hiện dự án phát triển kinh tế - xã hội mang bản chất vì lợi ích quốc gia, công cộng nhưng lại không được quy định trong luật (như các dự án đầu tư theo hình thức BT, BOT), khi triển khai công tác thu hồi đất gặp nhiều khó khăn về pháp lý, khó khăn vì sự thiếu hợp tác của người dân cũng như tạo kẽ hở tạo điều kiện cho một số đối tượng trục lợi, tham nhũng dẫn đến thất thoát ngân sách.

Đồng thời, ngược lại, nhiều dự án kinh tế mang bản chất lợi ích của nhà đầu tư nhưng lại được gắn mác lợi ích quốc gia, công cộng nên áp giá đền bù thấp, mang tính áp đặt, mệnh lệnh hành chính trong thu hồi đất. Đây là sự khởi đầu cho những khiếu kiện dai dẳng của người dân bị thu hồi đất.

Để hạn chế những bức xúc, khiếu kiện và giúp công tác quản lý đất đai hiệu quả, nguồn lực đất đai được phát huy, việc khắc phục những bất cập trong cơ chế thu hồi đất cần được thực hiện triệt để hơn trong lần sửa đổi Luật Đất đai 2013 lần này.

Ngoài việc cần phải làm rõ các khái niệm thế nào là phát triển kinh tế - xã hội, thế nào là lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng để từ đó áp dụng cơ chế thu hồi, bồi thường khác nhau, nhiều chuyên gia cho rằng, việc sửa đổi Luật Đất đai năm 2013 cần có sự đổi mới căn bản về cơ chế chuyển dịch đất đai để phục vụ cho lợi ích theo cơ chế thị trường, trong đó có vấn đề quan trọng nhất là giá đất của Nhà nước bồi thường cho người sử dụng đất.

Phát biểu tại Hội nghị lần thứ 4 của Ban Chỉ đạo Trung ương ngày 14/2/2022, tổng kết Nghị quyết số 19-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 6 (khóa XI) về tiếp tục đổi mới chính sách, pháp luật về đất đai trong thời kỳ đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, tạo nền tảng để đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nhấn mạnh một số nguyên tắc rất cơ bản là việc sửa đổi Luật Đất đai bảo đảm đồng bộ với các luật có liên quan; phù hợp với thể chế chính trị của Việt Nam.

Các chính sách được ban hành không thể bao phủ toàn bộ các góc cạnh của cuộc sống nhưng cần tháo gỡ được các khó khăn, ách tắc trong thực tế cả về thể chế và khâu tổ chức thực hiện. Phải lấy quyền lợi của người sử dụng đất làm trung tâm của các mối quan hệ, làm sao để thu hồi đất, bồi thường tái định cư bảo đảm hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, người dân và doanh nghiệp, bảo đảm cuộc sống của người dân phải tốt hơn hoặc bằng nơi ở cũ./.