Sau 3 năm điều tra, cơ quan chức năng đã truy tố ông Lê Thanh Thản, Chủ tịch Tập đoàn Mường Thanh với tội danh lừa dối khách hàng. Vi phạm pháp luật sẽ bị xử lý, nhưng hậu quả hành vi của ông Thản và các cán bộ, công chức buông lỏng quản lý, thiếu tinh thần trách nhiệm dẫn đến nhiều khách hàng đang phải gánh chịu, xử lý ra sao mới là chuyện đáng bàn.

Theo đa số các bị hại, khi ký hợp đồng mua bán nhà tại dự án CT6C Kiến Hưng, họ không biết các căn hộ tại dự án xây sai quy hoạch. Khách hàng đều tin tưởng ông Lê Thanh Thản xây dựng theo đúng thiết kế được các cấp có thẩm quyền phê duyệt. 488 căn hộ không được Nhà nước công nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà và tài sản khác gắn liền với đất (sổ đỏ) đã được ông Thản bán cho khách hàng, thu lợi bất chính hơn 481 tỷ đồng.

Mặc dù ông Thản đã có đơn đề nghị được khắc phục hậu quả vụ án theo hướng tự thỏa thuận với người mua nhà tại tòa CT6C Kiến Hưng để mua lại nhà hoặc trả lại tiền mua nhà, sau đó sẽ tự phá dỡ tòa chung cư này. Thế nhưng, đa phần khách hàng đã từ chối nhận lại tiền mà đề nghị được xem xét cấp sổ đỏ.

Dưới góc độ pháp lý, giao dịch mua nhà của người dân với Công ty CP sản xuất, xuất nhập khẩu Bemes là một quan hệ dân sự. Với hành vi lừa dối khách hàng về tính pháp lý của các căn hộ được rao bán của ông Thản, theo quy định của Bộ luật Dân sự, giao dịch này là một giao dịch vô hiệu và như thế, về nguyên tắc, các bên khôi phục lại tình trạng ban đầu, hoàn trả cho nhau những gì đã nhận, tức là khách hàng nhận lại tiền, ông Thản nhận lại nhà.

Điều đáng nói ở đây là số tiền các khách hàng bỏ ra mua nhà thời điểm 5-10 năm trước, giờ đây không đủ để mua nhà với vị trí và chất lượng tương đương. Thế nên cũng dễ hiểu vì sao, khi làm việc với cơ quan điều tra, trong số 488 khách hàng của ông Thản chỉ có 6 người đồng ý nhận lại tiền và trả lại nhà cho "đại gia điếu cày". Đa số các bị hại còn lại đều đề nghị được hỗ trợ cấp sổ đỏ các căn hộ đã mua.

Tuy nhiên, cấp sổ đỏ được hay không, còn phải trên cơ sở các quy định của pháp luật và việc xem xét của nhiều cơ quan chức năng, trong đó xem xét đến quy hoạch tổng thể, đến các điều kiện đảm bảo về tiêu chuẩn kĩ thuật của căn hộ và tòa nhà đang có sai phạm.

Vụ án hình sự đang được cơ quan tố tụng xem xét, nhưng quyền lợi của những người dân mua nhà dường như vẫn chưa có phương án giải quyết thấu đáo và triệt để. Một điều đáng nói trong vụ án lừa dối khách hàng ở Dự án CT6C Kiến Hưng là sự buông lỏng quản lý, thiếu trách nhiệm của những cán bộ ở Sở Xây dựng, Sở Tài nguyên môi trường, Sở Quy hoạch kiến trúc và chính quyền sở tại, những người đã không kịp thời ngăn chặn, xử lý đối với các sai phạm. Nếu họ làm đúng chức trách được giao thì sẽ không có tình trạng những người dân "trót" mua nhà ở đây bị lừa dối, thiệt hại tới gần 500 tỷ đồng như vậy.

Pháp luật đã có quy định với quan hệ dân sự, ưu tiên sự thỏa thuận của hai bên với nhau. Bên mua nhà bị lừa dối, bị thiệt hại về lợi ích kinh tế có thể yêu cầu bên bán nhà bồi thường, nếu không thỏa thuận được thì có thể khởi kiện ra tòa. Nhưng "chờ được vạ thì má đã sưng”. Những người dân mua nhà ở CT6C Kiến Hưng rất mong cơ quan chức năng có giải pháp cụ thể, đảm bảo lợi ích tối đa của mình. Đừng vì sai phạm của một số cá nhân mà trăm thiệt hại lại đổ đầu dân.