“Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về CNXH và con đường đi lên CNXH ở Việt Nam” là bài viết của GS.TS, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhân kỷ niệm 131 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, đăng trên Tạp chí Cộng sản. Đây có thể coi là Cương lĩnh của Đảng về xây dựng và phát triển đất nước, đáp ứng các nhiệm vụ trước mắt và lâu dài.

Bài viết rất quan trọng này đã tổng kết thực tiễn hơn 35 năm đổi mới toàn diện đất nước, những bài học và kinh nghiệm trong thực tiễn Việt Nam, phong trào cộng sản và công nhân quốc tế, nhất là về thành công và thất bại của mô hình CNXH ở Liên Xô và các nước XHCH Đông Âu. Điều đặc biệt có ý nghĩa là bài viết đã thuyết phục và giải đáp rất nhiều vấn đề mà đảng viên và nhân dân quan tâm cùng những băn khoăn, trăn trở trong bối cảnh tình hình trong nước, khu vực và quốc tế thay đổi nhanh chóng, thời cơ và nguy cơ, thách thức đan xen.

Lâu nay, không ít cán bộ, đảng viên và nhân dân băn khoăn về việc chọn con đường đi lên CNXH ở Việt Nam vì bị tác động bởi việc Liên Xô tan rã và các nước XHCN Đông Âu sụp đổ. Lợi dụng việc này cùng những khó khăn mà Việt Nam gặp phải trong xây dựng và bảo vệ đất nước, các thế lực thù địch ra sức công kích Đảng và Nhà nước ta chọn con đường đi lên CNXH là lỗi thời, là vô vọng và tô vẽ cho các mô hình tư bản ở Mỹ và các nước Tây, Bắc Âu.

Bằng các dẫn chứng cụ thể từ thực tế đã và đang diễn ra ở các nước tư bản cùng lập luận chặt chẽ, bài viết chỉ ra những thành tựu cũng như những khuyết tật không thể giải quyết được trong chủ nghĩa tư bản, đó là phân hoá giầu nghèo, bất công xã hội, lấy lợi nhuận làm mục tiêu tối thượng, thể chế chính trị bị thao túng bởi các nhóm lợi ích… Đây không phải là xã hội mà Việt Nam hướng tới.

Vậy nhân dân ta cần một xã hội thế nào? Có lẽ, rất nhiều người tâm đắc và xúc động khi Tổng Bí thư chỉ ra con đường phát triển đất nước: “Chúng ta cần một xã hội mà trong đó sự phát triển là thực sự vì con người, chứ không phải vì lợi nhuận mà bóc lột và chà đạp lên phẩm giá con người. Chúng ta cần sự phát triển về kinh tế đi đôi với tiến bộ và công bằng xã hội, chứ không phải gia tăng giầu nghèo và bất bình đẳng xã hội. Chúng ta cần một xã hội nhân ái và đoàn kết, tương trợ lẫn nhau, hướng tới các giá trị tiến bộ, nhân văn, chứ không phải cạnh tranh bất công “cá lớn nuốt cá bé” vì lợi ích vị kỷ của một số ít cá nhân và phe nhóm. Chúng ta cần sự phát triển bền vững, hài hoà với thiên nhiên để bảo đảm mô trường sống trong lành cho các thế hệ hiện tại và tương lai, chứ không phải để khai thác, chiếm đoạt tài nguyên, tiêu dùng vật chất vô hạn độ và huỷ hoại môi trường.Và chúng ta cần một hệ thống chính trị mà quyền lực thực sự thuộc về nhân dân, chứ không phải chỉ cho một thiểu số giầu có.”- đây là lần đầu tiên Tổng Bí thư đã chỉ ra sáng rõ nhất về xã hội mà Việt Nam hướng tới và đấy chính là CNXH đích thực mà Đảng, Nhà nước và nhân dân ta quyết tâm thực hiện.

Bài viết đã giải quyết các vấn đề cơ bản như như đi lên CNXH bằng cách nào, nền tảng tư tưởng và kim chỉ nam cho hành động của chúng ta là gì, lực lượng nào lãnh đạo đất nước, thể chế chính trị cùng những vấn đề cụ thể mà hiện, vẫn còn những nhận thức mơ hồ và khác nhau. Ví dụ như vấn đề xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN, kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, các thành phần kinh tế xã hội trong thời kỳ quá độ, phát triển kinh tế và văn hoá, xã hội…

Bằng tư duy khoa học và từ thực tiễn đất nước trong đấu tranh giành độc lập tư do, thống nhất đất nước và quá trình xây dựng đất nước, đặc biệt là thực tiễn hơn 35 năm đổi mới, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nêu rõ: đi lên CNXH ở Việt Nam là một quá trình lâu dài nhiều khó khăn, thử thách và được chia ra nhiều giai đoạn và cái đích đạt tới là dân giầu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Đảng Cộng sản Việt Nam là lực lượng duy nhất đủ sức lãnh đạo nhân dân ta xây dựng thành công CNXH vì chính Đảng Cộng sản Việt Nam đã lãnh đạo thành công các cuộc chiến đấu chông ngoại xâm, giành độc lập tư do và bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, nâng cao vị thế và uy tín của nước ta trên trường quốc tế. Nền tảng tư tưởng của Đảng ta là Chủ nghĩa Mác Lê-nin và tư tưởng Hồ Chí Minh. Chúng ta không máy móc rập khuôn màvận dụng có sáng tạo các nguyên lý của chủ nghĩa Mác Lê-nin và kinh nghiệm của các nước vào thực tiễn Việt Nam.

Nếu có ai đó còn hoài nghi về khái niệm kinh tế thị trường định hướng XHCN thì Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã giải thích rõ ràng các tiêu chí và bản chất của kinh tế thị trường định hướng XHCN và đó là đột phá lý luận rất cơ bản và sáng tạo của Đảng ta. Nền kinh tế đó được vận hành đầy đủ theo quy luật kinh tế thị trường nhưng có sự lãnh đạo, định hướng và điều hành của Nhà nước nhằm bảo đảm tiến bộ, công bằng và an sinh xã hội, có nhiều hình thức, nhiều thành phần kinh tế nhưng kinh tế nhà nước, tập thể giữ vai trò chủ đạo.

Một vấn đề thể hiện tính ưu việt của chế độ ta, của CNXH là giải quyết hợp lý vấn đề công bằng xã hội, chăm lo hạnh phúc, cuộc sống tinh thần và vật chất cho nhân dân, chia sẻ lợi ích cho các tầng lớp yếu thế khó khăn trong xã hội, bảo đảm ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành như Bác Hồ đã nói. Đây không phải là việc cào bằng mà là tinh thần thúc đẩy xã hội đi lên, người giầu ngày càng giầu thêm, người nghèo ngày càng khá lên, nước lên thì thuyền lên. Chính vì thế, dù đất nước chưa giầu có, dù trong tình hình khó khăn, Đảng và Nhà nước ta vẫn chăm lo cho các đối tượng người có công, người nghèo, nhân dân các dân tộc, vùng sâu vùng xa. Thành tựu xoá đói giảm nghèo của Việt Nam được Liên hợp quốc ghi nhận là thành công. Công cuộc phòng chống đại dịch Covid-19 đã thể hiện sinh động ý chí và nỗ lực của cả hệ thống chính trị do Đảng lãnh đạo.

Bài viết của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đáp ứng tâm tư, nguyện vọng của nhân dân trong bối cảnh nhân dân ta phải tập trung cao nhất nhân tài, vật lực cho phòng chống dịch bệnh Covid-19, đồng thời triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII về phát triển kinh tế xã hội, trước mắt là làm tốt nhất cuộc bầu cử Quốc hội khoá XV và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026. Tin tưởng vào sự lãnh đạo đúng đắn và sáng tạo của Đảng, nhân dân ta nhất định thực hiện được các nhiệm vụ trước mắt và lâu dài hướng tới các ngày lễ trọng đại kỷ niệm 100 năm ngày thành lập Đảng vào năm 2030, 100 năm ngày thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa nay là Cộng hòa XHCN Việt Nam vào năm 2045, xây dựng thành công CNXH ở Việt Nam.