Trong nhịp sống của xã hội hiện đại cùng môi trường làm việc tất bật, đầy thách thức thì chuyện căng thẳng, áp lực kéo dài do công việc là điều khó tránh khỏi. Một con số thống kê cho thấy, khoảng 40.000 người Việt Nam đã tự tử trong một năm là do trầm cảm. Con số này cao gấp 4 lần so với số người chết vì tai nạn giao thông. Thực sự đáng báo động.

Tất nhiên, trầm cảm có nhiều nguyên nhân khác nhau, nhưng trong đó yếu tố công việc căng thẳng chiếm tỷ lệ khá cao. Vì vậy, nó trở thành vấn đề không nhỏ đặt ra đối với sức khỏe tinh thần của người lao động.

Có thể với nhiều người, căng thẳng thường xuyên hiện diện trong cuộc sống nên dần coi đó là chuyện bình thường. Nhưng khi có một bộ phận đáng kể dân số mắc chứng rối loạn tâm thần do căng thẳng tâm lý cấp tính hoặc mạn tính, thậm chí, có một tỷ lệ cao tương đương một bệnh dịch thì đó lại là vấn đề của xã hội hiện đại và là câu chuyện không phải của riêng ai.

Mặt khác, chúng ta cũng phải nhìn thẳng vào thực tế, người lao động không chỉ ở Việt Nam mà trên toàn thế giới đang và sẽ phải chấp nhận những thay đổi đáng kể trong tổ chức, việc làm và quan hệ lao động. Đương nhiên, họ sẽ phải chịu áp lực ngày càng lớn để đáp ứng yêu cầu công việc trong cuộc sống hiện đại.

Trong ấn phẩm mới đây của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), nhóm An toàn và sức khỏe lao động sau khi nghiên cứu về căng thẳng tại nơi làm việc trên toàn thế giới bao gồm châu Á - Thái Bình Dương, Mỹ, Úc và châu Âu đã đi đến kết luận, vấn đề này có thể gây thiệt hại hàng tỷ USD mỗi năm cho xã hội theo cách trực tiếp và gián tiếp. Con số đó chưa thể tính hết những cái giá mà con người phải trả khi chịu đựng đau khổ, buồn bã và thậm chí là tự sát.

Còn tại Việt Nam, thời gian vừa qua, làn sóng công chức, viên chức nghỉ việc có xu hướng gia tăng, không chỉ vì lương thấp mà một phần không nhỏ vì áp lực, căng thẳng trong công việc. Con số gần 40.000 công chức, viên chức nghỉ việc trong 2 năm rưỡi vừa qua là một minh chứng khó phủ nhận.

Căng thẳng tại nơi làm việc - một vấn đề đáng báo động với nhiều hệ lụy, nhưng thực tế hiện nay, từ người lao động đến doanh nghiệp, thậm chí ngay cả tổ chức công đoàn các cấp vẫn chưa nhận thức đúng mức về thực trạng này và dành sự quan tâm để giải quyết. Hầu hết chính sách phúc lợi cho nhân viên hiện vẫn tập trung vào chăm sóc sức khỏe thể chất, trong khi đó, các chương trình hỗ trợ sức khỏe tinh thần mới ở giai đoạn đầu hoặc chưa có.

Chúng ta đang sống trong một cộng đồng mà mọi người đều chạy theo những quy chuẩn của xã hội, kỳ vọng của gia đình hoặc thành công của những người xung quanh. Việc cố gắng đạt được những thành quả không phù hợp với bản thân chỉ khiến mỗi người thêm áp lực và cảm thấy tồi tệ hơn nếu thất bại.

Khi cảm thấy công việc quá căng thẳng, có lẽ cần nhất là sự bình tâm suy nghĩ để xác định rõ mục tiêu và điều mình thật sự mong muốn. Thay vì đặt mục tiêu quá lớn, hãy hoàn thành công việc hiệu quả mỗi ngày, tất yếu sẽ thấy bản thân mình hữu ích và tự tin hơn, từ đó có thêm động lực để gặt hái những thành quả to lớn.

Ngày Quốc tế lao động 1/5 là dịp để tôn vinh người lao động và gây dựng đoàn kết lao động trên toàn thế giới, bởi vậy, hơn lúc nào hết, vì sức khỏe, hạnh phúc và cuộc sống, mỗi người cần hiểu để phòng ngừa và giảm thiểu tác động của stress, căng thẳng tại nơi làm việc. Một cách đơn giản có thể chỉ là dành vài phút cuối ngày để ghi lại những việc mình đã hoàn thành tốt, những ảnh hưởng tích cực đối với đồng nghiệp để thấy một ngày làm việc thật sự có ích, nhiều niềm vui. Còn ở tầm vĩ mô, có lẽ, phải coi việc xây dựng các chương trình liên quan tới sức khỏe tinh thần là ưu tiên cấp bách, thay vì chỉ là một lựa chọn mang tính không bắt buộc, để hướng tới môi trường làm việc không căng thẳng cho người lao động./.