Tôi giật mình đến sững sờ khi xem đoạn clip một nam sinh văng tục trước lớp và xông thẳng lên bục giảng tát giáo viên, giật lại chiếc điện thoại - đang được chia sẻ trên các trang mạng xã hội. Clip dù kéo dài chỉ 16 giây nhưng đã cho thấy đầy đủ hành vi vô lễ, hỗn xược, bất chấp đạo lý của học sinh chỉ để lấy lại chiếc điện thoại bị giáo viên tịch thu trước đó.

Đoạn clip ghi lại sự việc, gây ám ảnh người xem không chỉ bởi hành vi quá vô lễ của học sinh mà còn bởi gương mặt sững sờ của giáo viên, nó như một vết dao cứa vào lòng chúng ta - còn đâu là phép tắc, là tình thầy trò?

Tôi tự hỏi, từ bao giờ, chiếc điện thoại thông minh trở thành vật bất ly thân đối với học sinh, trở thành phương tiện giải trí, tán gẫu mọi lúc, mọi nơi của các em?

Đã từ bao giờ, nhiều học sinh không thể buông bỏ được chiếc điện thoại dù chỉ là vài phút, cho dù giáo viên, nhà trường đã đưa ra nhiều quy định nghiêm ngặt về việc sử dụng điện thoại trong trường học?

Và đã từ bao giờ, học sinh coi trọng chiếc điện thoại của mình hơn cả những tri thức cần được lĩnh hội trong giờ học? Có thể vì nó mà văng tục, chửi bậy và dám đánh lại cả giáo viên như nam sinh này đã làm?

Rất nhiều câu hỏi đặt ra và hẳn nhiều người, khi xem đoạn clip rất ngắn ngủi này, cảm nhận được nỗi đau, lòng tự trọng nghề nghiệp của giáo viên bị tổn thương sâu sắc như thế nào khi nhận cú tát bất ngờ của học trò.

Nỗi đau còn lớn hơn khi trong số học sinh, cũng có người a dua, hò hét, cổ vũ. Như vậy, cũng có thể, những học sinh này sẽ làm điều tương tự nếu rơi vào cảnh huống giống thế.

Không ít giáo viên từng chia sẻ, họ bất lực trước việc học sinh sử dụng điện thoại trong giờ học. Dù đưa ra nhiều giải pháp nhưng bằng cách này, cách khác, học sinh vẫn lén lút dùng điện thoại, không tập trung vào bài học. Và để giữ “hòa khí”, không làm căng thẳng, không vi phạm quy định "không được mắng, phê bình học sinh trước lớp", đôi khi, giáo viên đành phải làm “lơ” trước hành vi này.

Thực tế, nhiều gia đình hiện nay cho con em mình sử dụng điện thoại thông minh từ rất sớm, thậm chí, sẵn sàng bỏ ra hàng chục triệu đồng để “lên đời” điện thoại cho con mà không không quản lý, không hướng dẫn con sử dụng sao cho lành mạnh, phù hợp. Hậu quả là, nhiều con trẻ đã không thể rời khỏi chiếc điện thoại dù chỉ vài phút.

Chiếc điện thoại không có lỗi. Ngay trong Điều lệ trường THCS, THPT cũng có quy định, giáo viên có thể cho phép học sinh sử dụng điện thoại để phục vụ mục đích học tập.

Nhưng nếu như gia đình, cha mẹ không quản lý chặt chẽ, không hướng dẫn cho con em mình sử dụng điện thoại sao cho phù hợp và nhà trường, giáo viên mãi vẫn còn lúng túng trong phương pháp giáo dục, kỷ luật học sinh thì rất có thể, người lớn vẫn phải nhận những “cú tát” đau đớn từ chính sản phẩm giáo dục của mình, chỉ vì một chiếc điện thoại nhỏ bé.

Ngẫm sâu hơn, cái tát ấy, bằng một cách tiêu cực, thức tỉnh chúng ta lần nữa rằng, giáo dục nhân cách cho học sinh đang là vấn đề cần báo động trong các nhà trường. Mọi tri thức cao siêu, thành tích, danh hiệu này nọ hay phương pháp dạy học tân tiến nào đó, sẽ có nghĩa lý gì khi một phép tắc cơ bản, một đạo lý cơ bản để làm người, làm trò, cũng không thực hiện được.