Nếu nghiên cứu kỹ sẽ thấy, tên phố của Thủ đô được cha ông ta sắp xếp có chủ đích và có giá trị lịch sử, tuân theo quy tắc mỗi cụm ứng với một triều đại, giai đoạn lịch sử nhất định. Các con đường thuộc quận Hoàn Kiếm – Trung tâm Thủ đô thường gắn với tên các vị danh nhân thời kỳ đầu dựng nước: Phố Ngô Quyền, Đinh Tiên Hoàng, Lý Thái Tổ, rồi Đinh Liệt, Đinh Lễ…

Lại có những con phố gợi nhắc “hào khí Đông A” thời nhà Trần cũng được sắp xếp cùng nhau, ví như đường Trần Hưng Đạo, Trần Nhân Tông nằm sát ngay phố Yết Kiêu, Dã Tượng, Đỗ Hành…

Xuôi về quận Cầu Giấy, các con đường ở đây lại gắn liền với tên các vị danh nhân có công trong thời kỳ chống Pháp, chống Mỹ, thống nhất đất nước như đường Xuân Thủy, Trần Đăng Ninh, Phạm Văn Đồng, gần đó là những cung đường mang tên các chính khách nổi tiếng khác trong lịch sử cách mạng Việt Nam như Phạm Hùng, Hồ Tùng Mậu, Lê Đức Thọ…

Hay có những khu vực với những con phố được lấy tên theo các văn nghệ sĩ có đóng góp lớn cho sự nghiệp phát triển văn hóa nước nhà, chủ yếu nằm ở gần hồ Tây thơ mộng như phố Đặng Thai Mai, Tô Ngọc Vân và mới đây nhất là đường Trịnh Công Sơn….

Và đương nhiên, nhắc tới Thủ đô văn hiến, người ta nhớ ngay đến khu phố cổ và những con phố được bắt đầu bằng chữ "Hàng". “Rủ nhau chơi khắp Long Thành/Ba mươi sáu phố rành rành chẳng sai/Hàng Bồ, Hàng Bạc, Hàng Gai/Hàng Buồm, Hàng Thiếc, Hàng Hài, Hàng Khay”…Chính điều này đã góp phần làm nên nét đặc trưng cho phố phường Hà Nội.

Tuy nhiên, cùng với sự phát triển chóng mặt của Thủ đô và sự thay đổi về địa giới hành chính thì nhu cầu đặt tên cho các tuyến đường mới cũng tăng lên. Tuy nhiên, việc tìm ra địa danh, sự kiện, danh nhân điển hình để đặt tên cho phố không phải là dễ. Chính vì vậy, có những tuyến đường mở ra cả chục năm rồi mà chưa có tên. Chưa kể câu chuyện trùng tên đường, tên phố khi Hà Đông và Sơn Tây (thuộc Hà Tây cũ) sáp nhập vào Hà Nội, trong đó chủ yếu là tên danh nhân, gây ra những khó khăn trong việc di chuyển, giao dịch đối với người dân. Nhiều lái xe công nghệ than thở, hơn một lần ship hàng lên khu vực trung tâm Hoàn Kiếm, tới nơi mới té ngửa, địa chỉ cần tới lại tận… Hà Đông.

Việc đặt tên cho đường phố dù đã có những quy định chặt chẽ với 11 bước và qua nhiều vòng lấy ý kiến nhân dân, thế nhưng thực tế để lập ra một “ngân hàng tên đường - phố” lại là chuyện không hề dễ dàng, nhất là những đô thị phát triển nóng về hạ tầng.

Nhiều nhà văn hóa, lịch sử từng lên tiếng, trước nay, việc đặt tên đường phố vẫn thường có nhiều tranh cãi khi sử dụng tên các danh nhân, người nổi tiếng. Nếu chọn tên danh nhân mà không có sự chuẩn bị chu đáo, kỹ lưỡng, không theo một quy chuẩn nào sẽ dẫn tới những tranh cãi, hệ lụy và ngay cả mục đích tôn vinh cũng không đạt được kết quả như mong muốn. Việc này cần nghiên cứu lại trên cơ sở khoa học hơn. Khi có sự chuẩn bị một cách chủ động về nguồn tài nguyên tên, như thành lập ngân hàng dữ liệu tên đường, phố sẽ giúp cơ quan chức năng có nhiều sự lựa chọn hơn và đưa ra những quyết định hợp lý nhất mỗi khi xuất hiện thêm những đường, phố mới.

Cũng có những ý kiến cho rằng, các phố mới ở Thủ đô hiện nay nên đặt theo số, chữ cái, tìm trong hệ tọa độ đường ngang - đường dọc để người dân dễ tìm. Việc đặt tên đường và sự phát triển đô thị liên quan mật thiết với nhau. Vì thế, trong quá trình đặt tên đường phố, phải làm sao cho dễ tìm, dễ nhớ, dễ hiểu và đặt kịp thời với sự phát triển của khu vực mới mở rộng. Cũng vì mục đích đó, mà tên đường theo kiểu chữ, số, theo người viết, cũng là một giải pháp.

Có thể nói, việc đặt tên theo cách thức như thế nào để vừa khoa học, vừa tiện lợi đồng thời vẫn có nét đặc trưng riêng, rõ ràng cần một quyết định có tầm, có tâm của người có trách nhiệm, nhất là khi những con đường, con phố ấy lại ở Hà Nội - Thủ đô ngàn năm văn hiến./.