Trong văn bản trả lời kiến nghị của cử tri Đà Nẵng mới đây về chất lượng đào tạo thạc sỹ, tiến sỹ, Bộ trưởng GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn thừa nhận hiện còn tồn tại tình trạng nể nang, dễ dãi khi thành lập hội đồng đánh giá luận văn, luận án, thông qua một số đề tài luận án tiến sĩ có phạm vi quá hẹp, không bảo đảm giá trị khoa học…

Bộ trưởng cũng đánh giá do nguồn lực đầu tư hạn chế, chất lượng đào tạo sau đại học trên thực tế không đồng đều trong toàn hệ thống, một số đơn vị chưa tuân thủ chặt chẽ quy chế đào tạo. Từ đó dẫn đến tình trạng chất lượng nhiều công bố khoa học bắt buộc chưa cao, chỉ ở mức đối phó đủ điều kiện công trình.

Chất lượng đào tạo thạc sỹ, tiến sỹ từ nhiều năm nay đã lắm điều tiếng và không ít phen làm nóng dư luận.

Từ những đề tài luận án với cái tên đã phản ánh nội hàm hạn hẹp, dễ dãi, ví dụ “Phát triển cầu lông cho công chức thành phố Sơn La” cho đến tình trạng nhân bản các đề tài luận án tiến sĩ, các đề tài na ná nhau, chỉ cần thay tên, đổi địa điểm.

Báo chí đã từng nhắc đến trường hợp Viện Khoa học thể dục thể thao. 2 năm liền, Viện này cho ra lò cùng một đề tài "Nghiên cứu giải pháp nhằm nâng cao chất lượng công tác giáo dục thể chất”, chỉ thay đối tượng là “các trường thành viên ĐH Quốc gia TP.HCM" vào năm 2016 thành “cho sinh viên Trường Đại học Hải Phòng" vào năm 2017.

Và không chỉ dư luận lên tiếng, tháng 5/2022, Thanh tra Chính phủ đã ra thông báo kết luận thanh tra, chỉ ra các vi phạm, khuyết điểm trong tổ chức hợp tác nghiên cứu, đào tạo, liên kết đào tạo và cấp bằng thạc sỹ, tiến sỹ của Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam trong giai đoạn 2015-2019.

Thanh tra đã chỉ ra, tại Học viện Khoa học Xã hội thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, chỉ tính từ ngày 1/4 đến ngày 14/4/2016, đã có gần 60 học viên bảo vệ xong luận án. Cứ 3 ngày ra lò 2 tiến sỹ, “lò ấp tiến sỹ” như dư luận đặt tên quả cũng không oan.

Thực trạng đã được nhìn rõ, nhưng làm thế nào để giảm các thạc sỹ, tiến sỹ rởm, làm thế nào không còn tình trạng các trường đại học, các viện nghiên cứu trở thành các “lò ấp” thạc sỹ tiến sỹ lại không dễ dàng.

Năm 2017, Bộ GD-ĐT ban hành Quy chế đào tạo thạc sỹ, tiến sỹ với yêu cầu luận án tiến sĩ phải có ít nhất một công bố trên các các tạp chí quốc tế có uy tín và một công bố trong nước. Quy chế này được đánh giá là làm giảm phần nào các "lò ấp" tiến sĩ trong vài năm gần đây.

Chính vì vậy, năm 2021, khi Bộ GD-ĐT ban hành Quy chế đào tạo tiến sĩ mới, trong đó không yêu cầu bắt buộc có công bố quốc tế như Quy chế 2017, nhiều ý kiến lo ngại “loạn” đào tạo tiến sỹ sẽ lặp lại.

Quy chế 2021 được cho là phù hợp với chuẩn của khu vực và quốc tế và trên thực tế chất lượng các bài báo quốc tế cũng dăm bảy loại mà giới khoa học đều biết rõ.

Nhưng tác động của chính sách thế nào, liệu có khiến tình trạng loạn đào tạo tiến sỹ lặp lại cũng vẫn phải chờ thời gian đánh giá.

Điều chắc chắn là, bên cạnh tác động của các chính sách, chất lượng đào tạo sau đại học quyết định bởi chính các cơ sở đào tạo, bởi các hội đồng và từng thầy hướng dẫn, phụ thuộc vào sự tuân thủ chặt chẽ quy định, quy chế pháp lý đã có. Không thể “dễ dãi, nể nang” để rồi lĩnh vực nghiên cứu khoa học trở thành nơi bán bằng, mua danh.

Nhưng thay vì chờ sự tự giác, rất cần đẩy mạnh công khai, minh bạch và sự giám sát của cơ quan quản lý, của toàn xã hội.

Cùng với tự chủ, các cơ sở đào tạo phải tuân thủ trách nhiệm giải trình như Luật Giáo dục Đại học đã quy định.

“Các cơ sở đào tạo phải tăng cường công khai từ danh mục đề tài luận văn, luận án, học viên cao học, nghiên cứu sinh, người hướng dẫn và nội dung các luận văn, luận án trên trang thông tin điện tử của cơ sở đào tạo theo quy định hiện hành”. Đây cũng là một trong những giải pháp mà Bộ trưởng Bộ GD-ĐT đã nêu ra để giải bài toán chất lượng đào tạo thạc sỹ, tiến sỹ.

Công khai, minh bạch thiết nghĩ sẽ là biện pháp hữu hiệu để gian dối, dễ dãi không có đất sống, để không còn những thạc sỹ, tiến sỹ “rởm”. Khi đó, đào tạo sau đại học mới thực sự là loại hình đào tạo cung cấp nguồn nhân lực có trình độ cao đáp ứng sự phát triển nhanh và bền vững của đất nước./.