Ngày 27/4 đánh dấu sự bùng phát của làn sóng dịch Covid-19 thứ tư, đợt dịch được coi là nghiêm trọng nhất từ trước đến nay. Đến nay, sau gần 3 tháng, số ca mắc đã lên đến hơn 60.000 người và dự báo sẽ còn tiếp tục tăng trong những ngày tới.

Trải qua 4 đợt dịch, vẫn với phương châm “chống dịch như chống giặc” nhưng cách thức thực hiện đã có nhiều thay đổi. Như một lẽ tất yếu, dịch bệnh biến đổi, cách thức chống dịch cũng phải thay đổi.

“Cởi trói” quy định về cách ly, thay đổi chiến lược điều trị

Cách ly tập trung nghiêm ngặt các trường hợp F1 nhằm bảo vệ những người còn lại khỏi lây nhiễm là kinh nghiệm chống dịch độc đáo mà chúng ta đã áp dụng kể từ khi Covid-19 xuất hiện. Song, bắt đầu từ trận dịch ở Hải Dương và sau này là Bắc Giang, Bắc Ninh, cách làm này đã bắt đầu bộc lộ những bất cập, nhất là khi 69% F1 chuyển thành F0 – một con số lịch sử của ngành dịch tễ học.

Sự gia tăng quá nhanh các trường hợp F1 tại thành phố Hồ Chí Minh đã tạo gánh nặng, đe dọa hệ thống vận hành mạng lưới khu cách ly tập trung. Tình trạng lây nhiễm chéo với tỷ lệ 38% số F1 thành F0 trong các khu cách ly tập trung đã được lãnh đạo TP Hồ Chí Minh khẳng định. Tỷ lệ lớn các F0 được ghi nhận trong khu cách ly nằm trong các báo cáo hàng ngày của Bộ Y tế.

Ngày 27/6, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã yêu cầu thay đổi chiến thuật với những người được xếp vào diện F1, tức là người tiếp xúc gần với người nhiễm bệnh.

Truy vết, khoanh vùng, cách ly,… từng giúp chúng ta trở thành điểm sáng chống dịch. Chúng ta vẫn tiếp tục chiến lược đó, nhưng có cách thức bổ sung, trong đó người dân được tin tưởng, chia sẻ với nhà nước, tự cách ly ở nhà.

Ngay cả với bệnh nhân mắc Covid-19, trước kia khi các cơ sở điều trị chưa quá tải, người bệnh được quản lý điều trị trong bệnh viện để tránh lây lan ra cộng đồng. Song hiện nay, khi dịch bùng phát mạnh, chủng mới diễn biến phức tạp, nhiều người chỉ nhiễm nhưng không có biểu hiện triệu chứng, không cần phải chăm sóc y tế, ngành y tế cũng đã thay đổi chiến lược để F0 được cách ly tại nhà…Nhiều chuyên gia y tế cho rằng, đây là một quyết định hợp lý, phù hợp với diễn biến của dịch bệnh hiện nay.

Tôn trọng mức kỷ luật cao hơn nữa để đánh bại SarS-CoV-2

Người dân đã cùng Chính phủ đạt được những kết quả ấn tượng trong quá trình chống chọi với dịch bệnh. Nhưng lần này, virus SarS-CoV-2 rất khó lường, không những lây lan nhanh mà còn liên tục biến thể.

Giả định, nếu chỉ trong 2, 3 tuần, cả nước cố gắng sống cách ly toàn diện và tuyệt đối, thì dịch sẽ “chết” ngay. Nhưng đó là lý thuyết. Không một xã hội nào có thể sống “dị biệt” như vậy, dù chỉ một ngày. Vì vậy, hơn bao giờ hết, cần mỗi người dân nâng cao tính kỷ luật nhất có thể trong cuộc chiến với Covid-19.

Tất nhiên, yêu cầu này cũng cần đặt trong bối cảnh mà các chính sách phải phù hợp với đời sống dân sinh chứ không phải cách mà một số địa phương đang làm như “Cấm người lao động đi làm bằng xe máy”; “đòi hỏi giấy thông hành âm tính bằng xét nghiệm PCR” hay thậm chí loay hoay bắt bẻ và phân định mặt hàng nào là thực phẩm thiết yếu mới được phép ra khỏi nhà để mua.

Chính phủ đã có nghị quyết về phòng chống dịch, y tế và các ngành chức năng đang rất nỗ lực để đẩy lùi dịch bệnh. Bây giờ là lúc chính quyền các địa phương phải biến nghị quyết thành hành động phù hợp, có như thế mới mong dịch sẽ sớm qua đi.

Covid-19 có lẽ sẽ không phải là dịch bệnh cuối cùng mà chúng ta phải đối mặt. Cứ nhìn lịch sử thì thấy rõ: luôn có một bệnh dịch nào đó, lớn, nhỏ tùy lúc với những nguy hiểm rình rập. Nhưng cũng trong lịch sử, chưa bao giờ có một bệnh dịch nào kéo dài quá lâu. Sự tồn tại của nó sẽ tuỳ thuộc rất nhiều vào phản ứng tập thể của xã hội và mức độ hiệu quả của những giải pháp khoa học. Và với thực tế hiện nay, dù việc chống dịch Covid-19 còn nhiều gian nan, nhưng với sự thay đổi linh hoạt trong các biện pháp chống dịch ở từng địa phương, nhất là những nơi tâm dịch, chúng ta luôn có quyền lạc quan, hy vọng.