Mới đây, khi các trường Đại học đồng loạt công bố điểm chuẩn, bên cạnh niềm hân hoan của các em trúng tuyển có không ít giọt nước mắt của những thí sinh không toại nguyện ước mơ. Đành rằng trong các kỳ thi, kỳ xét tuyển sẽ có kẻ thắng, người thua nhưng “cuộc chiến” điểm chuẩn năm nay có vài điều khiến người thua không “tâm phục, khẩu phục” bởi nhiều học sinh điểm khá cao mà vẫn rớt nguyện vọng 1 trong khi nhiều bạn có lực học kém hơn thì cách đây cả tháng đã ung dung nhận giấy trúng tuyển. Lý do vì đâu?

Dù vẫn tuân thủ đúng nguyên tắc xét tuyển từ xưa đến nay là “lấy từ cao xuống thấp cho đến khi đủ chỉ tiêu” và “điểm thi của thí sinh cao thì điểm chuẩn đương nhiên tỷ lệ thuận cũng cao”, tuy nhiên, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, nhiều trường đã chọn giải pháp an toàn là sử dụng các phương thức xét tuyển khác như xét kết quả học tập 3 năm THPT, dựa vào chứng chỉ ngoại ngữ …Do đó, đương nhiên chỉ tiêu xét tuyển bằng kết quả Kỳ thi tốt nghiệp THPT sẽ còn lại không nhiều. Và cũng vì thế, sự cạnh tranh giữa các thí sinh chọn phương thức xét tuyển bằng kết quả thi THPT trở nên khốc liệt. Thêm nữa, số lượng thí sinh tập trung quá đông vào các ngành hot như Công nghệ thông tin, Kinh tế, Ngoại ngữ … cũng khiến cho điểm chuẩn những ngành này tăng đột biến. Trong cuộc chạy đua maraton ấy tất có nhiều thí sinh bị bỏ lại phía sau.

Người ta gọi thí sinh 2K3 thi đại học năm nay là những “dê vàng” nên dễ hiểu là lượng thí sinh chắc chắn sẽ đông hơn. Số liệu từ Ban Chỉ đạo tuyển sinh của Bộ Giáo dục và Đào tạo cho thấy, so với năm 2020, số lượng thí sinh năm nay tăng 11%, quan trọng hơn là thí sinh đăng ký xét tuyển ĐH, Cao đẳng tăng 24% so với năm ngoái, trong khi chỉ tiêu tuyển sinh của các trường tăng không nhiều. Nếu coi chỉ tiêu như một miếng bánh thì vẫn miếng bánh ấy phải chia cho nhiều người, và người trước đã ăn một phần thì tất nhiên, người đến sau còn lại chẳng bao nhiêu.

Trong số những điều ấm ức, không “tâm phục, khẩu phục” như đã nêu ở phần đầu bài viết, có câu chuyện để có thể đỗ vào ngành Văn hóa Hàn quốc ở trường ĐH Khoa học Xã hội và nhân văn, ĐH Quốc gia Hà Nội tưởng như đùa mà là thật. Ai cũng hiểu, môn xã hội, nhất là môn Văn, khó có thể đạt điểm tuyệt đối nên chuyện thi khối C mà đòi cả 3 môn đạt 10 có lẽ chưa ai nghĩ tới bao giờ. Ấy thế mà dù thí sinh có đạt 29.9 điểm cho 3 môn thi Văn, Sử, Địa vẫn không có cơ hội trúng tuyển vào ngành Văn hóa Hàn Quốc vì điểm trúng tuyển của ngành này là 30. Vì chính sách ưu tiên chưa hợp lý điểm chuẩn cao ở mức vô lý này đã khiến nhiều thí sinh ở các tỉnh, thành phố không thể bén mảng đến ngành học này!

Một nguyên nhân nữa không thể không nói tới, đó là sự phân hóa của đề thi. Khi đề thi chưa có sự phân hóa cao thì điểm của thí sinh sẽ cao ở mức “đồng đều” và làm khó cho quá trình xét tuyển. Dịch Covid-19 khiến việc học bị gián đoạn, tất cả các phương án thi cử cũng đều phải lựa chọn giải pháp “an toàn” nên đề thi cũng có phần nhẹ nhàng hơn cho phù hợp với tình hình thực tiễn. Và như một hệ quả dây chuyền, cái nọ kéo theo cái kia khiến việc xét tuyển năm nay có nhiều bất cập.

Khép lại mùa tuyển sinh năm 2021 với băn khoăn về sự mất cân đối giữa các ngành nghề đào tạo và điểm đầu vào, vì thế, có thể nói, khái niệm điểm chuẩn xem ra có vẻ chưa thật chuẩn.