Trở về quá khứ huy hoàng của bóng đá Việt Nam trong giai đoạn 2017-2022, đó là thành quả của sự đổi thay trong công tác đào tạo trẻ những năm trước đó. Giờ đây, để tiến thêm một bước, thực hiện giấc mơ World Cup vào năm 2026 hoặc xa hơn, bóng đá Việt Nam phải tiếp tục tạo ra và bồi dưỡng thế hệ tiếp nối lứa Công Phượng, Quang Hải.

Trở lại điểm xuất phát đồng nghĩa với rất nhiều khó khăn và sức ép.

Năm 2023 là thời điểm quan trọng của bóng đá Việt Nam, khi đội tuyển Quốc gia chuyển từ thời HLV Park Hang-seo sang HLV Troussier. Dưới thời tân HLV, bóng đá Việt Nam có một bản kế hoạch vô cùng công phu, không chỉ là duy trì sức mạnh của ĐTQG hiện tại, mà còn đẩy cao sức mạnh của các tuyến trẻ từ U21 tới U23 – những tài năng được kỳ vọng sẽ sớm lên tuyển.

Các đội U20 Việt Nam, U17 Việt Nam ít nhiều để lại dấu ấn ở giải châu Á nhưng kết quả cuối cùng đều là không vượt qua được vòng bảng. Tương tự như vậy, Olympic Việt Nam cũng phải dừng bước sớm tại ASIAD 19. Đó là rủi ro về mặt thành tích khi VFF chấp nhận chọn những lứa cầu thủ trẻ tuổi hơn so với giới hạn quy định để tham dự các giải đấu.

Còn với đội tuyển quốc gia, với quyết tâm thay đổi triết lý bóng đá Việt Nam, tân HLV người Pháp yêu cầu các học trò phải chuyển đổi lối chơi thay vì phòng ngự phản công, rình rập chờ cơ hội như trước đây bằng lối đá kiểm soát bóng, chuyền bóng liên tục và từ đó triển khai tấn công theo ý đồ. Ý tưởng và mong muốn của HLV Troussier rất tốt, nhưng lối chơi của các đội tuyển Việt Nam chưa thể tiến triển nhanh như mong đợi.

Minh chứng rõ nhất thể hiện trong 6 trận giao hữu dưới thời HLV Troussier. Dưới bàn tay của ông HLV người Pháp, tuyển Việt Nam có khởi đầu khá hoàn hảo với 3 trận toàn thắng trước Hồng Kông (Trung Quốc), Syria và Palestine mà không thủng lưới bàn nào. Tuy nhiên, màn trình diễn trên sân cỏ của các cầu thủ áo đỏ vẫn thiếu điểm nhấn và có những bàn thắng được xem là may mắn. Chiến thắng 2-0 trước Palestine mang đến khá nhiều hy vọng, nhưng hy vọng đó nhanh chóng bị nghi ngờ sau trận thua tuyển Trung Quốc. Tại Đại Liên, đội tuyển Việt Nam nhập cuộc tốt, cầm bóng tự tin và phần nào kiểm soát được thế trận trước một đối thủ mạnh hơn trên giấy tờ. Thế nhưng, các thông số chuyền bóng, kiểm soát bóng lại không đi cùng với việc tạo ra cơ hội, dứt điểm nguy hiểm. Tương tự, đó là 2 thất bại trước Uzbekistan và Hàn Quốc. Như vậy sau 3 trận giao hữu trong tháng 10, tuyển Việt Nam nhận 10 bàn thua, không ghi được bàn thắng nào. Đành rằng các đối thủ của tuyển Việt Nam đã tăng dần độ khó sau mỗi trận đấu.

6 tháng là khoảng thời gian quá ngắn để chuyển đổi.

Đầu tiên, nói về lối đá kiểm soát bóng mà HLV Troussier đang áp dụng, có thể thấy đây là lối đá không hề lỗi thời, rườm rà như nhiều người nhận định. Một đội bóng muốn chiến thắng là phải làm chủ cuộc chơi và triết lý của HLV Troussier không nằm ngoài mục đích đó.

Nên nhớ trong phần lớn giai đoạn trước đây, tuyển Việt Nam không có lối đá nào thực sự rõ ràng. Đến thời HLV Park Hang-seo, chúng ta chuyển hẳn sang đá phòng ngự, phản công và gặt hái thành công lớn, được xem là thời kỳ hoàng kim của bóng đá Việt với hàng loạt chứng tích lịch sử. Mặc dù vậy, đội tuyển Việt Nam cũng đi đến giới hạn cao nhất cùng HLV Park. Nếu tiếp tục triển khai lối chơi đó, đội bóng áo đỏ không có khả năng phá bỏ giới hạn để tiến lên đẳng cấp cao hơn. Bằng chứng là các thất bại liên tiếp ngay tại AFF Cup, đấu trường mà tưởng như thầy trò HLV Park Hang-seo đã thống trị.

Rõ ràng, để theo đuổi triết lý hoàn toàn mới của HLV Troussier, bóng đá Việt Nam cần thêm thời gian. Cũng cần nhớ rằng đây là cấp độ đội tuyển, HLV Troussier không thể chiêu mộ các cầu thủ phù hợp với triết lý của mình ngay lập tức như ở cấp độ CLB. Thay vào đó, ông buộc phải thử nghiệm liên tục và "đãi cát tìm vàng".

Thực tế, đội tuyển Việt Nam đã từng nhiều lần trẻ hóa. Thời HLV Park Hang-seo nắm quyền, hàng loạt sao trẻ từ đội U.23 Việt Nam (năm 2018) đã được đôn lên đội tuyển quốc gia. Tuy nhiên, lợi thế của ông Park trước đây là sở hữu đội hình "tài không đợi tuổi" vô cùng thiện chiến, đã ra sân ở nhiều giải đấu lớn nhỏ khi còn rất trẻ.

Còn lứa U23 Việt Nam mà HLV Troussier sở hữu không thể sánh với các đàn anh về mặt kinh nghiệm, bởi dàn cầu thủ này bị gián đoạn cơ hội đá các giải trẻ ở giai đoạn 2020 - 2021 do ảnh hưởng của dịch bệnh và đặc biệt không được tham gia tại đấu trường khốc liệt nhất Việt Nam – V.League.

Bên cạnh đó những tài năng như Quang Hải, Quế Ngọc Hải, Văn Lâm, Duy Mạnh, Hùng Dũng... - những trụ cột dưới thời ông Park đã không còn như ở thời kỳ đỉnh cao vì nhiều lý do.

Ông Park đến với chúng ta trong bối cảnh nhiều cầu thủ tài năng đang vào độ chín và khao khát cống hiến, thế nên thành công đến cũng là điều dễ hiểu. Còn giờ đây, thách thức của HLV Troussier là bối cảnh nhiều cầu thủ trụ cột xuống dốc về phong độ và đã no nê danh hiệu. Hơn nữa, đây lại là thời kỳ chuyển giao giữa thế hệ tuyển thủ, nên mọi sự so sánh lúc này đều là khập khiễng.

Thất bại nặng nề đương nhiên khó vui, nhưng bài học về chuyên môn tới sự vinh dự được đối đầu với các ngôi sao hàng đầu thế giới chắc chắn là đòn bẩy cho tuyển Việt Nam, đặc biệt những cầu thủ trẻ.

Câu trả lời tại vòng loại thứ 2 World Cup

Bóng đá luôn cần sự đổi mới, chuyển giao thế hệ để hướng tới tương lai. Ông Park cũng đã bị bắt bài khi sử dụng mãi một đội hình, không có nhân tố mới…HLV Troussier đã từng có kinh nghiệm đưa các đội tuyển khác dự World Cup nên VFF đã trao cơ hội cho ông ấy. Thua 3 trận giao hữu, chưa nói lên được điều gì, hãy cho ông ấy thời gian để thử nghiệm và xây dựng lại đội hình, nếu giải đấu chính thức mà đá như thế này thì chỉ trích cũng chưa muộn.

Đừng quên, tất cả chỉ mới bắt đầu và mục tiêu lớn nhất của HLV Troussier trong giai đoạn này không phải SEA Games hay các trận giao hữu vừa qua. Hãy cùng chờ xem đội tuyển Việt Nam trình diễn bộ mặt nào khi vòng loại World Cup 2026 giai đoạn 2 khu vực châu Á bắt đầu vào tháng 11 tới. Khi đó, dấu ấn của HLV người Pháp sẽ được đánh giá chính xác hơn./.