Mới đây, Sở Văn hóa và Thể thao TP.HCM đã xử phạt Công ty TNHH Objoff đơn vị tổ chức show thời trang mang tên New Tradition 85 triệu đồng, đồng thời đình chỉ hoạt động công ty này trong 18 tháng. Show diễn bị dư luận phản ứng tiêu cực vì cách tân trang phục truyền thống hở hang, phản cảm. Năm ngoái, UBND TP. Hồ Chí Minh từng xử phạt đơn vị tổ chức cuộc thi Hoa hậu hoàn vũ Việt Nam về việc tổ chức sự kiện có siêu mẫu mặc trang phục trái thuần phong mỹ tục, với số tiền 70 triệu đồng, đình chỉ hoạt động tổ chức thi người đẹp tới 9 tháng.

Không chỉ trên sàn diễn, ngoài đời thực, không ít lần áo dài, áo yếm - những trang phục truyền thống của phụ nữ Việt Nam cũng bị “biến tướng” bên đầm sen với những bức ảnh, cách tạo dáng dung tục, phản cảm khiến dư luận không khỏi bức xúc và “dậy sóng”.

Những câu chuyện như vậy không phải là mới nhưng khiến cộng đồng lo ngại về nguy cơ biến dạng, bị mai một, thậm chí biến mất nét đặc sắc riêng của trang phục truyền thống.

Trong quá trình phát triển của mỗi dân tộc, cùng với tiếng nói, chữ viết, trang phục truyền thống luôn là một yếu tố quan trọng góp phần tạo dựng nên bản sắc văn hóa đặc trưng và là niềm tự hào của các thế hệ. Đành rằng theo thời gian, cùng với những giá trị văn hóa khác, trang phục truyền thống đã có sự thay đổi để phù hợp với nhu cầu và điều kiện sống thực tế của xã hội hiện đại. Tuy nhiên, dù xuất hiện ở đâu, trong hoàn cảnh nào, ngoài đời hay trên sân khấu, trang phục truyền thống cũng cần phải được trân trọng bằng cách sử dụng chúng một cách phù hợp.

Thời trang không có giới hạn nhưng đi quá giới hạn của sự cách tân sẽ khiến trang phục truyền thống bị biến dạng, méo mó và phản cảm. Trang phục truyền thống là di sản văn hóa, là thông điệp quá khứ. Làm mới trang phục truyền thống là một xu thế tất yếu nhưng khi đưa nhịp sống đương đại vào truyền thống, phát triển truyền thống phải "đánh thức" được bản sắc dân tộc và không làm mai một giá trị văn hóa.