Nói tới văn hóa là nói tới “thương hiệu”, tới “giá trị quốc gia”, “nguồn lực phát triển đất nước”. Bởi suy cho cùng, nếu một quốc gia không có gốc rễ văn hóa bền vững, không có nền văn hóa đủ sâu rộng thì rất dễ bị hòa tan trong bối cảnh hội nhập. Và để cái gốc rễ ấy thực sự bền vững, phải bắt đầu từ chính văn hóa gia đình, văn hóa trong mỗi người, để làm nên những giá trị chuẩn mực người Việt Nam thời đại mới hội tụ đủ 4 giá trị cốt lõi: Trí - Đức - Thể - Mỹ.

Bất cứ ai cũng được sinh ra và lớn lên trong chiếc nôi gia đình, nơi đó có tình thương yêu vô điều kiện, nuôi dưỡng mỗi người lớn lên và trưởng thành. Gia đình là điểm tựa tinh thần lớn lao, là nơi khơi nguồn mọi sáng tạo và thành công cho mỗi người. Đây cũng chính là trường học đầu tiên hình thành, phát triển nhân cách con người. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn: “Gia đình tốt thì xã hội mới tốt, xã hội tốt thì gia đình càng tốt hơn. Hạt nhân của xã hội là gia đình”.

Trong bối cảnh đất nước và quốc tế đang có những thay đổi về mọi mặt, đặc biệt, từ khi nước ta bước vào thời kỳ đổi mới, hội nhập quốc tế, gia đình Việt Nam ngày càng có vai trò quan trọng trong việc thực hiện chức năng cơ bản của mình, trong đó đề cao và nhấn mạnh chức năng xã hội hóa cá nhân, hình thành nhân cách con người. Gia đình truyền thụ cho các cá nhân những giá trị văn hóa truyền thống cũng như những giá trị văn hóa hiện đại, tạo nên giá trị xã hội và nhân cách văn hóa của mỗi con người.

Tất cả những giá trị về kinh tế, văn hóa, xã hội… đều khởi nguồn từ gia đình. Chính gia đình là một thiết chế văn hóa góp phần tạo dựng nên một xã hội có văn hóa. Từ việc chú trọng xây dựng cá nhân trong gia đình thì sẽ mở rộng ra xã hội, trở thành phẩm chất chung của người Việt Nam. Gia đình càng hoàn thiện, càng ổn định và có văn hóa sẽ góp phần xây dựng lối sống, nếp sống tốt đẹp cho xã hội.

Xác định gia đình là môi trường đầu tiên và nhất mực quan trọng trong xây dựng những giá trị cốt lõi, chính vì vậy, trong nhiệm vụ chủ yếu thực hiện Nghị quyết 33-NQ/TƯ, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã nêu nhiều thông điệp ý nghĩa về gia đình. Những chuyện tưởng chừng như nho nhỏ trong cuộc sống thường nhật như sự hiếu thuận, lòng chung thủy, tình yêu thương gắn bó… lại trở thành chuyện quốc gia đại sự. “Chiến lược xây dựng gia đình Việt Nam đến năm 2030 tầm nhìn đến 2045” cũng chú trọng theo hướng phát triển, bảo vệ những giá trị của gia đình. Cụ thể là giáo dục lối sống, đạo đức trong gia đình để phát triển gia đình bền vững, hướng tới xây dựng cộng đồng hạnh phúc, quốc gia hạnh phúc.

Trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng ta luôn xác định tinh thần nhất quán: “Văn hóa là nguồn lực nội sinh trực tiếp trong sự phát triển của đất nước” và “Con người là trung tâm của mọi nguồn lực”. Nếu mỗi người Việt Nam đều đứng vững trên “đôi chân” ĐẠO ĐỨC - TRÍ TUỆ và mỗi gia đình Việt Nam là một tế bào mạnh khỏe thì không có lý do gì chúng ta không xây dựng được một quốc gia, một đất nước Việt Nam có nền văn hóa bản sắc. Khi đó, văn hóa sẽ là ngọn đuốc “soi đường cho quốc dân đi”, vững vàng trên con đường hội nhập và phát triển.