Cô bạn đồng nghiệp tâm sự, một buổi sáng thức dậy, thấy chậu hoa sau bao ngày vun trồng đã đâm nụ trổ bông, chỉ đơn giản thế thôi, cả ngày hôm đó cô nàng luôn mỉm cười hạnh phúc…

Một nữ doanh nhân thì chia sẻ: “Hạnh phúc lớn nhất là mang lại những lợi ích thiết thực cho cộng đồng”.

Cũng không ít người thì cho rằng, hạnh phúc là khi có cuộc sống giàu sang, được thăng chức, lên lương hay mua nhà, tậu xe mới.

Thế nhưng lại có câu chuyện về một người đàn ông vô cùng giàu có, hễ thứ gì có thể mua bằng tiền là ông đều sở hữu, nếu thích. Tuy nhiên, người đàn ông này lại cảm thấy cuộc sống vô vị, nhàm chán.

Vậy hạnh phúc là gì? Tìm kiếm nó ở đâu? Làm thế nào đạt được? Mỗi người sẽ có câu trả lời nhưng tôi thấy thích câu châm ngôn: “Hạnh phúc không đến từ việc loay hoay tìm kiếm nó mà chính bằng cách sống của bạn”.

Hơn 2 năm qua, sự hoành hành của Covid- 19 khiến hàng triệu người trên trái đất phải ra đi vì dịch bệnh. Nhưng có lẽ cũng chính trong thảm họa ấy, con người ta chợt nhận ra hạnh phúc không phải là thứ gì quá xa xôi, hào nhoáng mà nó ở ngay chính những điều rất giản đơn, bình dị trong cuộc sống. Đôi khi, chỉ cần cùng nhau nghe nhạc, đọc sách, cùng nhau dọn dẹp, trồng cây, nấu nướng, cùng thưởng thức những món ăn ưa thích do chính tay mình hoặc người thân nấu, thế cũng đã vui, đã là mãn nguyện…Điều mà có lẽ trước đó, trong cuộc mưu sinh cơm áo, gạo tiền hay những xa hoa hào nhoáng thường ngày dường như bị khỏa lấp.

Và trong cơn bão dịch bệnh vừa qua, nếu ai đó vẫn còn khỏe mạnh, vẫn còn một nơi bình yên để đi về, nhiều khi đã là hạnh phúc!

Không chỉ quan niệm về hạnh phúc của mỗi cá nhân thay đổi. Đại dịch Covid-19 còn khiến cho những đánh giá, chiêm nghiệm về hạnh phúc của cộng đồng, của một đất nước cũng không còn giống trước.

Nếu như trước dịch Covid-19, mỗi quốc gia đều phấn đấu tăng trưởng nhanh, không ngừng nâng cao thu nhập và coi đấy là mục tiêu cao nhất thì khi đại dịch xảy ra mới thấy rõ, tăng trưởng nhanh, thu nhập cao tuy rất cần nhưng không phải là tất cả, bởi cảm giác hạnh phúc của người dân lại nằm ở cảm giác được an toàn, được sống trong xã hội bình an.

Với đất nước chúng ta, thu nhập có thể chưa cao, tốc độ phát triển có thể chưa bằng nhiều quốc gia khác nhưng Việt Nam luôn là đất nước bình yên, an ninh con người và an ninh xã hội được bảo đảm. Đó chẳng phải là hạnh phúc sao.

Không những thế, khi đứng trước tình hình khó khăn, hoạn nạn ai cũng nhìn thấy rõ tinh thần đoàn kết, sự sẻ chia của người dân Việt Nam. Mỗi người dân tùy thuộc vào điều kiện của mình đã có những hành động thiết thực giúp đỡ những người còn khó khăn, yếu thế. Cứ mỗi ngày việc tử tế lại được nhân lên, sự yêu thương, sẻ chia giữa những người xa lạ đã mang đến niềm vui sống, niềm hạnh phúc cho mỗi người.

Theo Báo cáo Hạnh phúc Thế giới thường niên năm 2021 do Mạng lưới giải pháp phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc công bố, Việt Nam đã tăng 4 bậc, từ vị trí 83 lên vị trí 79. Báo cáo này xếp hạng các quốc gia và vùng lãnh thổ dựa vào 6 tiêu chí: GDP trên đầu người, tuổi thọ, quyền tự do, sự hào phóng, phúc lợi xã hội và tình trạng tham nhũng.

Những chỉ số đo lường được thay đổi, có lẽ cũng vì thế nên không phải ngẫu nhiên, văn kiện Đại hội Đảng lần thứ 13 nhấn mạnh hạnh phúc của người dân, quyền làm chủ của nhân dân là trung tâm, là chủ thể của toàn bộ quá trình phát triển đất nước. Và trong văn kiện ngoài việc đề cao phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” còn nhấn mạnh yếu tố “nhân dân thụ hưởng”. Lấy hạnh phúc và sự ấm no của nhân dân làm tiêu chí phấn đấu và đánh giá sự lãnh đạo của Đảng, hoạt động của hệ thống chính trị.

Và tiêu chí của hạnh phúc không chỉ là cuộc sống ấm no giàu sang, mà nó còn được đo lường thông qua sự hài lòng về cuộc sống, môi trường, chính sách an sinh, phúc lợi xã hội, hài lòng về cơ quan công quyền...

Đại sư Rinpoche, người đứng đầu Tu viện Sangchen Ogyen Tsuklag ở Trongsa, Bhutan và cũng là người tường tận tất cả về hành trình theo đuổi hạnh phúc đã từng khẳng định hạnh phúc là mối quan tâm của tất cả mọi người. Dù có thừa nhận hay không, thì đây vẫn là lẽ sống của loài người chúng ta. Ông cho rằng hạnh phúc có 4 trụ cột, đó là: Tình yêu thương, lòng trắc ẩn, sự buông bỏ và nghiệp nhân quả. Những điều này có thể được chiêm nghiệm mọi lúc, mọi nơi với mỗi con người.

Đơn giản vậy thôi để hiểu rằng, cuộc sống luôn chứa đựng những điều bất ngờ với biến cố có thể xảy ra bất cứ lúc nào nên bất cứ ai cũng đừng mải tìm kiếm hạnh phúc trong sự vô hình. Hạnh phúc vốn tồn tại xung quanh mỗi người, từ những điều nhỏ bé, dung dị nhất. Biết tận hưởng, biết hy sinh, biết bằng lòng…để mỗi ngày đều là những phút giây hạnh phúc.