Cách đây vài năm, sau nghỉ công tác tại bệnh viện công, tôi về làm việc cho một bệnh viện tư nhân ở một miền quê. Lúc đó tôi nghĩ với vốn kinh nghiệm lâu năm của mình, chắc tôi sẽ nhanh chóng chiếm được lòng tin của người dân nơi đây. Nhưng thực tế không phải vậy. Nhiều bệnh nhân được tôi khám, hỏi bệnh rất kỹ càng, trước khi về lại hỏi: “bác ơi tôi có phải khám gì nữa không”. Tôi rất ngạc nhiên vì mình vừa khám cho người bệnh cẩn thận đến thế cơ mà! Một thời gian sau tôi mới biết nhiều người ở đây quan niệm phải lấy máu và chụp chiếu thì mới gọi là… khám bệnh. Nghĩa là người bệnh tin vào kết quả của các xét nghiệm chụp chiếu hơn là quá trình khám, hỏi bệnh của người thuốc.
Tôi không rõ hiện tượng này xảy ra từ khi nào. Nhưng là người đã có 40 năm công tác trong ngành Y, điều này làm tôi chạnh lòng. Nhiều lần tôi tự hỏi, phải chăng người bệnh bây giờ không còn niềm tin đối với thầy thuốc. Tôi buồn, rất buồn nếu điều đó là… sự thật!
Tôi nghĩ, để xảy ra tình trạng như thế này, khó có thể nói là lỗi do bên nào. Nhưng tiên trách kỷ, hậu trách nhân, ngành Y cũng có lỗi khi đã từng làm mất niềm tin của người dân. Từ khi nào không rõ nữa, những bất cập cả chủ quan và khách quan khiến thầy thuốc và người dân trở nên dè dặt, nghi nghờ lẫn nhau. Đã có rất nhiều bàn luận về vấn đề này, tôi chỉ xin tóm tắt vào hai ý chính:
Về phía bệnh nhân, mong muốn lớn nhất là được chăm sóc sức khỏe tốt với chi phí trong khả năng thanh toán của mình.
Về phía thầy thuốc, mong muốn lớn nhất là sống được bằng nghề, thu nhập đủ để nuôi gia đình.
Những mong muốn giản dị và hiển nhiên như thế mà bao năm chúng ta không nhận ra hoặc nhận ra nhưng không có những giải pháp tốt để hài hòa những mong muốn chính đáng ấy.
Đã 40 năm công tác trong ngành y, tôi từng chứng kiến nhiều thăng trầm của ngành khi chúng ta xử lý chưa đúng mối quan hệ này. Có một giai đoạn khá dài, chúng ta đã duy ý chí, yêu cầu nhân viên y tế nâng cao y đức và năng lực để nâng cao chất lượng khám chữa bệnh mà không nhìn thẳng vào những khó khăn thực tế của ngành Y: cơ sở vật chất, trang thiết bị xuống cấp, trình độ nhân lực tụt hậu, đời sống nhân viên y tế khó khăn và gần đây nhất là thiếu thốn thuốc men… Tất cả những thiếu thốn đó phản ánh vào chất lượng điều trị giảm sút.
Đành rằng y đức của cán bộ y tế là một phần không thể thiếu để nâng cao chất lượng khám chữa bệnh và niềm tin của người bệnh, nhưng chưa đủ. Để nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, để thầy thuốc sống được với nghề và để nuôi dưỡng niềm tin của người bệnh khi đến với cơ sở y tế, với các thầy thuốc, ngành Y còn rất nhiều phải làm ngay.
Với riêng tôi, mỗi năm vào dịp kỷ niệm ngày Thầy thuốc VN, chỉ mong nhân viên y tế bớt phải nghe những lời nói có cánh ồn ào sáo rỗng, mà mong có những chia sẻ thực chất với tình hình y tế Việt Nam. Mong rằng những chính sách bất hợp lý sẽ sớm được tháo gỡ để các thầy thuốc có đủ “vũ khí” trong tay giúp người bệnh đẩy lùi bệnh tật trở về với cuộc sống. Và cũng mong rằng, người bệnh khi đến với cơ sở y tế hãy đặt niềm tin vào THẦY THUỐC.