Mấy ngày nay dư luận bàn tán rôm rả về đề tài “tiến sỹ”. Không cần phải có trình độ cao người ta cũng có thể thấy cái tên đề tài luận án tiến sỹ “cầu lông” mới hài hước làm sao. Nghĩ mà buồn, bởi xưa nay hầu như ai cũng đinh ninh một chân lý: Người có học vị cao không chỉ có trình độ, có kiến thức hơn người mà đương nhiên là phải có sự tự tôn, tự trọng tương xứng. Vậy mà …
Đây không phải lần đầu tiên những đề tài luận án tiến sỹ bị phanh phui bởi nó không xứng tầm ngay từ tên gọi chứ chưa cần bàn sâu đến nội dung luận án. Một luận án tiến sỹ phải đảm bảo những tiêu chí gì hẳn những người thực hiện đề tài và những người hướng dẫn nghiên cứu sinh thực hiện phải nắm rất rõ. Vậy mà …
Xưa nay chúng ta thường chê trách những đề tài nghiên cứu “đút ngăn kéo cho mối xông”, không thể triển khai được trong thực tế vì toàn nghiên cứu những cái đâu đâu tốn thời gian, giấy mực. Bao hội nghị, bao cuộc họp, bao lần cải cách, bao Thông tư, Nghị định, tiêu chí tiến sỹ vẫn cứ không ổn, không nhận được sự đồng thuận từ các chuyên gia, các nhà khoa học. Vậy phải chăng là vẫn có những con đường riêng, vẫn có sự đặc cách, sự dung túng cho những “tiến sỹ giấy” với những đề tài “kỳ dị”, đến khi không may “lộ ra”, gây cười cho bàn dân thiên hạ.
Những đề tài luận án ở bậc học cao nhất lại trở thành trò đàm tiếu cho thiên hạ thực đã làm rẻ rúng đi sự học của những nghiên cứu sinh nghiêm túc và là điều khó có thể chấp nhận.
Giải pháp nào để giữ được tính chuẩn mực nghiêm túc của học vị cao nhất là điều cần làm chứ không phải là điều cần bàn. Khi chủ nhân của những luận án tiến sỹ kiểu như đề tài “cầu lông” im lặng chờ dư luận chìm xuồng thì các cơ quan chức năng cần vào cuộc một cách kiên quyết. Thiết nghĩ, chỉ cần thu hồi, đình chỉ những luận án này một lần, chắc sẽ giải quyết được nạn bùng nổ ồ ạt những “tiến sỹ cầu lông” trong tương lai.
Tiên trách kỷ, hậu trách nhân, những “tiến sỹ cầu lông” không thể một mình chọn đề tài và viết luận án, phía sau họ là các chuyên gia, những người hướng dẫn và cả một hội đồng phản biện “hoành tráng”, có trình độ. Chả lẽ tất cả những người này cũng “đồng thuận” cho trình làng những luận án tiến sỹ như thế ??? Vậy mà …
Đằng sau tiếng cười mai mỉa của nhân gian về các đề tài tiến sỹ cầu lông là nỗi đau về sự khủng hoảng nhân cách của những tân tiến sỹ dởm. Bởi khi kinh tế thị trường đã lấn sâu vào môi trường học thuật, sự gian dối đã trở nên công khai, bất chấp thì học vị có thể cũng trở thành những cuộc bán – mua. Để rồi cuối cùng, sản phẩm là những luận án vô nghĩa chỉ nhằm đánh bóng tên tuổi, thêm sức nặng cho con đường thăng quan tiến chức cho một bộ phận những người coi việc học như một trò đùa!
Học vị cao - tự trọng có cao? Là câu hỏi cần sớm có câu trả lời từ chính những người trong cuộc, của cơ quan chức năng. Không thể để việc học trở thành trò cười khi chúng ta đang nỗ lực đổi mới giáo dục từ những bậc học thấp nhất mà ở bậc học được coi là “đỉnh của chóp” lại có những loại luận án dởm ngang nhiên tồn tại.