2 tuần nay, đề tài “Nghiên cứu ảnh hưởng của đặc điểm nhân trắc ngực nữ sinh Bắc Việt Nam tới áp lực và độ tiện nghi áp lực của áo ngực” của nghiên cứu sinh Lưu Thị Hồng Nhung giảng viên trường ĐH Kỹ thuật Hưng Yên, nghiên cứu sinh của trường ĐH Bách khoa Hà Nội gây “bão” cộng đồng. Bởi lẽ cái tên của đề tài khiến cho không ít người hoài nghi về tính khoa học và thực tiễn. Cũng không có gì khó hiểu khi trước đó, đề tài nghiên cứu về cầu lông hay không ít đề tài nghiên cứu sinh khác cũng đã trở thành chuyện hài hước, đàm tiếu.

Thế nhưng ngay từ ban đầu khi có lao xao, lãnh đạo Viện Dệt may, da giày và thời trang, trường Đại học Bách khoa Hà Nội – PGS.TS Phan Thanh Thảo - đã trực tiếp chia sẻ với báo chí về nội dung nghiên cứu cũng như tính khoa học của đề tài nghiên cứu này. Bà đồng thời cũng khẳng định năng lực nghiên cứu của nghiên cứu sinh Lưu Thị Hồng Nhung. Với 8 công trình nghiên cứu, trong đó có 4 bài báo quốc tế (1 bài trong hệ thống ISI, 3 bài Scopus, Springer, 4 bài báo khoa học được công bố trong tạp chí Khoa học và công nghệ được phản biện và được Hội đồng học hàm giáo sư nhà nước tính điểm và 1 giải thưởng Khoa học công nghệ đo lường Việt Nam) – là những yếu tố cơ sở để khẳng định luận án nghiên cứu hoàn toàn đủ điều kiện bảo vệ .

Trở lại với đề tài nghiên cứu có vẻ quá bình thường, không mang “tầm” hàn lâm lại có “nhạy cảm” là áo nịt ngực của phụ nữ, khiến dư luận quan tâm. Tò mò thì đã đành nhưng lại không ít lời dèm pha. Vậy suy xét kỹ hơn thì thế nào?

Thời trang chỉ được coi là chuẩn nếu nó đẹp và thoải mái, đảm bảo sức khỏe cho người mặc. Trang phục có 2 loại: trang phục bên ngoài và nội y bên trong. Ở các quốc gia phát triển, trang phục nội y rất được quan tâm bởi nó không chỉ tôn lên vẻ đẹp của hình thể mà còn góp phần bảo vệ sức khỏe của người mặc trong nhiều bối cảnh hoạt động. Các hãng đồ lót như Victoria Secret, Triump và nhiều hãng thời trang khác đã làm mưa làm gió thị trường nội y với doanh thu khổng lồ bởi sự tin dùng của khách hàng.

Ở Việt Nam chúng ta, ngành thời trang ngày càng phát triển nhưng thị phần cho thời trang nội y dường như vẫn lặng như tờ. Chiếm lĩnh thị trường nội y là các hãng thời trang Trung Quốc, Thái Lan, Nhật bản và giờ là cả các hãng thời trang nổi tiếng trên thế giới như Triump, Victoria Secret…

Nói đến lĩnh vực thời trang nội y, người ta còn khá dè dặt nếu không nói là ngần ngại, vì vậy việc một đề tài nghiên cứu về “nội y” đã khiến một bộ phận dân chúng “lao xao”?

Có cần phải lao xao khi một nửa dân số là phụ nữ ở mọi lứa tuổi, tham gia mọi lĩnh vực hoạt động ngành nghề với nhiều môi trường làm việc thì chuyện nghiên cứu tìm tòi sáng tạo thời trang nội y cho chị em là điều rất đáng làm. Những con số phụ nữ bị ung thư vú hay mắc các chứng bệnh liên quan đến áo nịt ngực và tư thế làm việc đã từng được ngành y đề cập. Thế nên một đề tài tiến sỹ đầu tư bài bản, có luận cứ khoa học, có khảo sát thực tế, có đối sánh và có cả những giải pháp triển khai các hướng nghiên cứu tiếp theo, đề ra các hướng phát triển cho nhà sản xuất, cho việc khám và điều trị bệnh của ngành y… thật sự rất đáng được trân trọng.

Xem ra công chúng đã vội hồn nhiên chê bai, chế giễu dù chưa tìm hiểu kỹ hoặc cũng là hùa theo đám đông cho khỏi “lạc hậu”. Nhưng “chớ vội cười người”, bởi cười như thế, vô tình lại chính là bộc lộ sự hồ đồ, thiếu hiểu biết của bản thân hay sao? Nhưng lật lại vấn đề, có lẽ, đây cũng là một ví dụ điển hình cho việc chúng ta không nên vơ đũa cả nắm, đồng nhất chuyện nhỏ, vật dụng nhỏ đều là những thứ không mang ý nghĩa, giá trị lớn, không đáng để lưu tâm, nghiên cứu./.