Chuẩn bị thi vào lớp 10, con của bạn tôi học 3 ca một ngày. Kết thúc ca cuối cùng vào lúc 9h tối, cháu về ngồi tiếp vào bàn học cho đến khuya. Thời gian ôn thi lên đến 11-12 tiếng một ngày. Cả nhà căng thẳng không dám nói một câu nặng lời với cháu, đúng nghĩa con sắp thi cha mẹ phải “đi nhẹ, nói khẽ, cười duyên”. Đáng sợ, trường hợp của cháu không phải là cá biệt.

Tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh năm nào cũng vậy, kỳ thi vào lớp 10 được phụ huynh, học sinh và báo chí gọi bằng cái tên “cuộc đua khốc liệt”. Năm nay sẽ còn “khốc liệt” hơn khi tổng số chỉ tiêu của các trường THPT công lập Hà Nội chỉ chiếm 55,7% số thí sinh dự thi. Năm ngoái con số này là 64%, đã được coi là khốc liệt nhất so với những năm trước đó.

Tỷ lệ 55,7% nghĩa là sẽ có gần một nửa số học sinh sẽ “trượt” tại kỳ thi vào lớp 10 công lập tới đây. Một kỳ thi mà chỉ cần sơ sảy một chút thì đỗ đã thành trượt. Những giọt nước mắt tiếc nuối của các con, của cha mẹ sau mỗi mùa thi sẽ ngày càng nhiều hơn khi dân số cơ học ở những đô thị lớn như Hà Nội ngày càng tăng.

Chỉ cần nhìn con số thí sinh so với tổng chỉ tiêu các trường THPT đã thấy rằng, ở các đô thị lớn như Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh trường học đang thiếu nhường nào.

Mới đây, Hà Nội đưa ra dự kiến đến năm 2025 sẽ xây và thành lập mới 225 trường học các cấp từ bậc học mầm non đến THPT. Để làm được việc này, Hà Nội phải “sửa sai” khi chưa quản lý chặt các ô đất nội thành đã được quy hoạch giao cho các doanh nghiệp. Đồng thời khẩn trương rà soát để bổ sung quy hoạch đáp ứng với tình trạng tăng dân số cơ học.

Để chia sẻ gánh nặng ngân sách, giải pháp thường được nhắc đến là mở rộng trường tư bằng những chính sách ưu đãi phù hợp để tiến tới 10% số học sinh có thể học trường tư (hiện nay học sinh trường tư mới chỉ đạt 3,4%). Khi có nhiều trường tư hơn, mức học phí sẽ cạnh tranh hơn để đỡ gánh nặng cho phụ huynh và tất nhiên sức nóng kỳ thi vào các trường công lập sẽ giảm nhiệt.

Đó là những giải pháp căn cơ thuộc về tương lai. Nhưng trước mắt, phụ huynh chỉ có thể tự tìm cách cởi trói áp lực cho mình và cho các con. Bởi áp lực thi cử bao giờ cũng có nguyên nhân từ tâm lý, từ sự kỳ vọng của cha mẹ đặt vào con cái.

Nó thể hiện trong việc đặt nguyện vọng vào các trường top với tỷ lệ chọi chỉ có thể gọi là “khốc liệt”.

Nó còn thể hiện bằng nỗi sợ mang danh “thi trượt vào lớp 10”, như một sự kiện ảnh hưởng đến lòng tự tôn của những đứa trẻ mới ở tuổi 15 và của cả không ít phụ huynh luôn coi thành tích của con em như bộ mặt của chính mình.

Bởi vậy, để tự cởi trói, cha mẹ nên chuẩn bị cho con và cho mình một tâm thế sẵn sàng đón nhận một kết quả không như kỳ vọng. Cũng bình thường thôi khi thi có đỗ có trượt, nhất là trong một kỳ thi đúng nghĩa “năm ăn năm thua” và chắc chắn trong cả cuộc đời, thi trượt vào lớp 10 không phải là ngày tận thế!

Với ngành giáo dục các thành phố lớn, cũng nên tính đến những phương án tuyển sinh bớt áp lực hơn như kết hợp xét tuyển với thi tuyển hay đưa vào các giải pháp kỹ thuật cho phép thí sinh có thể chọn nguyện vọng sau khi có kết quả thi.

Thật vô lý nếu biến một kỳ thi chỉ để vào trường phổ thông thành kỳ thi sinh-tử, biến một mốc ở tuổi học trò thành nỗi ám ảnh không đáng có./.