Như đến hẹn lại lên cứ mỗi đầu năm học, báo chí và mạng xã hội lại xuất hiện dày đặc những lời “tố”, những ý kiến bức xúc và những bảng kê chi tiết các khoản phụ huynh phải nộp cho con, trong đó có nhiều khoản thu vô lý được gọi tên là “tự nguyện”.

Những khoản thu được chia nhỏ với các tên gọi khác nhau từ ghế ngồi học sinh, phí vệ sinh đến thẻ học sinh, giấy vở, sổ liên lạc điện tử, điều hòa, máy chiếu... Nhưng tổng số tiền phụ huynh phải nộp lên đến 4-5 triệu đồng thậm chí 7-8 triệu đồng, tương đương với thu nhập cả tháng của nhiều người lao động.

Phụ huynh bức xúc, còn học sinh thì sao? Có ai nghĩ đến việc những chuyện nhập nhằng tiền nong của người lớn khiến sự tôn nghiêm trong môi trường giáo dục giảm sút, rất có thể là một trong những căn nguyên của việc trẻ con ngày nay bớt sự tôn trọng với thầy cô?

Năm nào trước khi bước vào năm học, sở giáo dục các địa phương cũng ban hành các chỉ thị, hướng dẫn liên quan đến quản lý thu-chi đầu năm học để các nhà trường thực hiện cũng như phụ huynh có cơ sở để giám sát. Hằng năm, HĐND các tỉnh, thành phố đều ban hành danh mục các khoản được phép thu trong nhà trường, trong đó quy định rõ ràng khoản nào được phép thu và thu tối đa là bao nhiêu.

Thông tư 16/2018/TT-BGDĐT ngày 03 tháng 8 năm 2018 về tài trợ cho các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân cũng đã nêu rõ nguyên tắc “không lợi dụng việc tài trợ cho giáo dục để ép buộc đóng góp và không coi huy động tài trợ là điều kiện cho việc cung cấp dịch vụ giáo dục, đào tạo”.

Thông tư này cũng yêu cầu khi vận động tài trợ, cơ sở giáo dục phải xây dựng kế hoạch báo cáo phòng giáo dục phê duyệt và thủ trưởng cơ sở giáo dục là Tổ trưởng Tổ tiếp nhận tài trợ. Nghĩa là trách nhiệm người đứng đầu cũng như cơ quan quản lý đã được quy định rõ.

Để chống việc Ban đại diện cha mẹ học sinh trở thành cánh tay nối dài cho các nhà trường, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đã ban hành Thông tư 55/2011/TT-BGDĐT ngày ngày 22 tháng 11 năm 2011 nêu rõ 7 khoản thu ban đại diện cha mẹ học sinh không được quyên góp của người học hoặc gia đình người học.

Như vậy, những quy định pháp luật, những văn bản điều hành đều có đủ, nhưng lạm thu năm nào cũng diễn ra gây bức xúc cho cha mẹ học sinh. Thậm chí mức độ, cường độ của các khoản thu còn ngày càng lớn. Những khoản quy định không được phép thu của học sinh hoặc gia đình học sinh vẫn được liệt kê.

Việc nhập nhằng giữa tự nguyện và bắt buộc cho thấy sự tuân thủ pháp luật chưa nghiêm của các nhà trường.

Quy định pháp luật về Tổ tiếp nhận tài trợ trong nhà trường đã có, vậy Tổ tiếp nhận này vận hành đã đúng chưa? Đâu là lỗ hổng khiến Tổ tiếp nhận tài trợ trở thành việc chính của giáo viên chủ nhiệm và từng Ban đại diện cha mẹ học sinh?

Ngay cả yêu cầu “không quy định mức tài trợ bình quân, không quy định mức tài trợ tối thiểu” nêu trong Thông tư 16 cũng không được tuân thủ khi các khoản thu được nêu chi tiết tới từng đồng.

Quy định pháp luật cho phép xã hội hóa, vận động tài trợ cho giáo dục là hợp lý, xuất phát từ nhu cầu khách quan trong bối cảnh ngân sách các địa phương eo hẹp và ai cũng muốn con em có được môi trường, điều kiện học tập tốt hơn. Nhu cầu đóng góp cho giáo dục cũng là nhu cầu có thật của rất nhiều mạnh thường quân, phụ huynh học sinh.

Nhưng làm thế nào để tự nguyện, thỏa thuận không trở thành bắt buộc, để phụ huynh không khốn khổ, bức xúc vì các khoản đóng góp cho con đi học lại là vấn đề cần phải giải quyết thấu đáo.

Việc quy trách nhiệm cho hiệu trưởng các nhà trường khi để xảy ra lạm thu cần phải làm quyết liệt chứ không chỉ “dọa” như hành động đồng loạt lên tiếng ngay đầu năm học của các địa phương.

Đồng thời, cần phải có kênh chính thống, công khai, minh bạch để phụ huynh, mạnh thường quân có thể đóng góp cho trường học, lớp học chứ không thể mãi thông qua Ban đại diện cha mẹ học sinh, một tổ chức nhiều khi không dám lên tiếng và không đại diện được cho số đông phụ huynh như mục đích ban đầu.

Những lỗ hổng về chính sách, pháp luật và kẽ hở trong quá trình thực thi pháp luật vì thế cũng cần được rà soát sửa đổi, để lạm thu không phải là đề tài đến hẹn lại lên đầu năm học mới.