Trong hệ thống pháp luật Việt Nam, pháp luật về hộ tịch có mối quan hệ mật thiết với luật dân sự, luật hôn nhân và gia đình. Các văn bản về quản lý hộ tịch của Nhà nước CHXHCN Việt Nam đã được ban hành từ những ngày đầu lập nước. Song phải đến năm 2014, với sự ra đời của Luật Hộ tịch, lần đầu tiên các quy định về hộ tịch mới được đưa lên thành luật, tạo cơ sở pháp lý ổn định, thống nhất, lâu dài cho công tác đăng ký và quản lý hộ tịch.

Kể từ ngày 01/01/2016, khi chính thức có hiệu lực thi hành, Luật Hộ tịch đánh dấu một bước chuyển căn bản trong công tác quản lý hộ tịch khi thay đổi phương thức đăng ký hộ tịch theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, thuận lợi cho người dân với dấu ấn nổi bật chính là việc đi vào vận hành cơ sở dữ liệu quốc gia điện tử về hộ tịch. Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử dần được hình thành với hàng chục triệu dữ liệu đăng ký khai sinh, khai tử, nhận cha, mẹ, con, đăng ký giám hộ, đăng ký nuôi con nuôi, đăng ký thay đổi, cải chính, bổ sung hộ tịch, xác định lại dân tộc.

Tính đến trung tuần tháng 12/2022, cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử đã ghi nhận có tổng số hơn 58,1 triệu dữ liệu hộ tịch các loại, trong đó có trên 8,1 triệu trường hợp trẻ em được đăng ký khai sinh, cấp số định danh cá nhân thông qua việc kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử toàn quốc và cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Giờ đây, người dân đã có thể dễ dàng đăng ký khai sinh, khai tử, đăng ký kết hôn bằng hồ sơ trực tuyến, vừa thuận lợi vừa tiết kiệm chi phí, giảm thời gian đi lại. Có thể nói, đây là một đột phá về cải cách thủ tục hành chính của ngành tư pháp trong việc quản lý các sự kiện hộ tịch xuyên suốt cuộc đời của mọi công dân, là cơ sở để quản lý Nhà nước trong nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy, mặc dù cơ sở dữ liệu hộ tịch là nguồn cung cấp thông tin đầu vào cho cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư nhưng quá trình triển khai thu thập thông tin còn chưa có sự phối hợp, kiểm tra, đối chiếu, chưa kịp thời xử lý các sai lệch giữa thông tin hộ tịch và thông tin cư trú. Chỉ đơn giản như việc giấy khai sinh tên có chữ đệm, có ngày tháng năm sinh nhưng sổ hộ khẩu lại thiếu tên đệm hay chỉ có năm sinh đã khiến nhiều người dân phải vất vả chạy đi chạy lại để cập nhật, điều chỉnh thông tin, xin cấp lại trích lục, tốn kém cả về thời gian, cả về tiền bạc. Rồi việc khai quê quán ra sao cũng là điều không ít người dân bức xúc khi có những gia đình đã 3 - 4 thế hệ sinh ra và lớn lên tại địa phương này nhưng trong các giấy tờ vẫn phải khai nguyên quán ở địa phương khác theo đời ông, đời cụ.

Theo ý kiến nhiều chuyên gia, vấn đề mấu chốt tháo gỡ các vướng mắc này phải đảm bảo thông tin thống nhất giữa cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử; kết nối và chia sẻ dữ liệu số giữa các cơ quan nhà nước chứ không phải đẩy cái khó là cập nhật, điều chỉnh thông tin về phía người dân như hiện nay. Đồng thời cũng phải quan tâm bố trí nguồn lực, kinh phí cho các địa phương, nâng cấp đồng bộ cơ sở hạ tầng thông tin và nâng cao trình độ của đội ngũ cán bộ làm công tác hộ tịch, cùng với đó cũng phải số hóa và cập nhật dữ liệu hộ tịch lịch sử vào hệ thống để làm sao Luật Hộ tịch và các quy định của luật thực sự bảo đảm được quyền lợi về nhân thân trong suốt cuộc đời của mỗi công dân.