Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay có 866.196 thí sinh tham gia bài thi tiếng Anh. Theo phân tích của các nhà chuyên môn: Nhìn vào biểu đồ phổ điểm bài thi môn tiếng Anh năm 2022 số điểm trung bình là 5,15 điểm, điểm trung vị là 4,8 điểm, điểm số có nhiều thí sinh đạt nhất là 3,8 điểm, có 423 thí sinh có mức điểm nhỏ hơn và bằng 1 ( chiếm tỷ lệ 0,05% ). Kết quả chấm thi cho thấy số thí sinh đạt điểm dưới trung bình là 446,648 ( chiếm tỷ lệ 51,56% ).

Nhìn vào biểu đồ phổ điểm môn tiếng Anh năm nay các chuyên gia đánh giá rằng đề thi đã có sự điều chỉnh. Đề thi mức độ phân hóa cao hơn sẽ luôn đi cùng với kết quả đánh giá chuẩn hơn. Và con số trên 50 % thí sinh đạt điểm dưới trung bình môn tiếng Anh trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay là con số biết nói, là thực trạng buồn, là hồi chuông cảnh báo cho chất lượng dạy và học môn tiếng Anh trong hệ thống giáo dục của chúng ta. Tại sao lại có kết quả đáng buồn này?

Từ những năm 2000, chúng ta đã có ý thức về việc dạy và học tiếng Anh, nhiều trường phổ thông đã mạnh dạn thay thế tiếng Anh cho tiếng Nga hoặc song song cùng dạy 2 ngôn ngữ này. Trong trường thì thế, ngoài xã hội, những trung tâm ngoại ngữ mọc lên nhan nhản, các chương trình tiếng Anh cho trẻ em, tiếng Anh cho học sinh, cho sinh viên, cho người lớn … Nhận thức về tầm quan trọng của tiếng Anh đã tạo ra làn sóng dạy và học tiếng Anh ở trong nhà trường và ngoài xã hội. Những chứng chỉ A, B,C tiếng Anh đã từng là tiêu chí giá trị cho các kỳ thi, tiếng Anh – thứ ngôn ngữ quốc tế được ghi nhận và coi trọng, giáo viên tiếng Nga hầu hết đã tự học để chuyển sang dạy tiếng Anh.

Thấy được tầm quan trọng của tiếng Anh trong xu thế hội nhập, năm 2008 Đề án ngoại ngữ 2020 ra đời với mục tiêu đến năm 2020 đa số thanh niên Việt Nam tốt nghiệp trung cấp, cao đẳng và Đại học có đủ năng lực ngoại ngữ, sử dụng độc lập, tự tin trong giao tiếp, học tập, làm việc trong môi trường hội nhập, đa ngôn ngữ, đa văn hóa, đồng thời có thể biến ngoại ngữ thành thế mạnh của người Việt Nam, phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Lẽ ra phải tập trung vào việc đào tạo nâng cao năng lực của giáo viên - một chủ thể quan trọng quyết định quá trình thành công của đề án thì đề án lại đầu tư quá nhiều cho việc mua giáo trình và trang thiết bị trong khi năng lực sử dụng thiết bị của giáo viên hạn chế dẫn tới việc thiết bị xuống cấp hư hại gây thiệt hại lớn cho nhà nước.

Con số hơn 10.000 tỷ đồng mà Đề án ngoại ngữ 2020 được nhà nước đầu tư là tiền thuế từ người dân chứ không phải là tiền tài trợ không hoàn lại từ bất cứ tổ chức, dự án nào. Đề án này không đạt hiệu quả là sự thất thoát lãng phí khó có thể chấp nhận được. Năng lực của đội ngũ giáo viên tiếng Anh ở các cấp học hạn chế (đặc biệt là cấp học phổ thông ) tất yếu dẫn đến chất lượng dạy và học tiếng Anh không có chất lượng. Trong khi đó, nhu cầu tiếng Anh đầu vào các trường đại học top trên, yêu cầu chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế khi du học, tuyển dụng …ngày một cao, các trung tâm luyện IELTS, TOEFL tha hồ hốt bạc, các trường tư coi việc đầu tư giáo viên nước ngoài dạy tiếng Anh cho học sinh như công cụ để thu tiền của phụ huynh. Nhà nhà đầu tư cho con học tiếng Anh, chứng chỉ tiếng Anh quốc tế chỉ có thể đạt được khi cho con vào lò luyện với số tiền đầu tư hàng chục triệu đồng cho 1 khóa học mà để đạt được 6.0 IELTS trở lên thì phải luyện vài khóa, học phí cứ thế cấp số nhân.

Và nữa, con số hơn 50% thí sinh đạt điểm dưới trung bình môn tiếng Anh trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay là điều cần phải được nhìn nhận thật nghiêm túc. Ngành giáo dục cần chấn chỉnh kịp thời chất lượng dạy và học tiếng Anh trong hệ thống giáo dục từ phổ thông đến đại học. Khi đã nhận thức và trả giá cho những hạn chế về năng lực ngoại ngữ thì mới tìm ra những giải pháp hữu hiệu để thực thi.