Ấn Độ đã trải qua nhiều ngày liên tiếp khi số ca mắc mới được ghi nhận trong ngày luôn vượt quá mốc 300.000 người. Hệ thống y tế tại đây đang cận kề nguy cơ sụp đổ khi giường bệnh, máy thở và thuốc đều đã cạn kiệt. Người mắc Covid-19 nằm la liệt chờ có giường để được điều trị. Bác sĩ thì bối rối không biết nên điều trị cho ai trước. Ngay cả người may mắn được lựa chọn cũng phải đối mặt với vấn đề thiếu hụt oxy để thở. Hình ảnh hỏa táng và chết chóc…truyền đi từ đất nước này khiến cả thế giới chấn động.

Thái Lan, một trong những điểm nóng của dịch Covid-19 tại khu vực Đông Nam Á, hiện cũng lâm vào khủng hoảng khi số ca mắc Covid-19 tăng cao kỷ lục.

Lào, Campuchia cũng vậy. Lần đầu tiên tại các nước này, số ca mắc mỗi ngày tăng ở mức 3 con số.

Ấn Độ, Thái Lan, Lào và Campuchia đều từng có khoảng thời gian bình lặng như Việt Nam chúng ta lúc này. Cũng từng là những quốc gia tưởng như đang kiểm soát rất hiệu quả đại dịch Covid-19. Nhưng giờ thì rơi vào tình trạng khủng hoảng.

Sự khủng hoảng vì dịch bệnh đến từ nhiều yếu tố. Biến thể kép của virus được xem là một phần nguyên nhân. Nhưng còn một nguyên nhân quan trọng nữa là sự chủ quan của con người.

Làn sóng dịch Covid-19 tại Ấn Độ và các nước láng giềng trong khu vực đặt nước ta trước một thách thức mới. Nguy cơ xuất hiện đợt dịch thứ 4. Nguy cơ này đang ngày càng hiện hữu khi tại các tỉnh biên giới phía Tây Nam việc kiểm soát các ca nhập cảnh - đặc biệt là nhập cảnh trái phép qua đường biển, qua đường mòn, lối mở - gặp rất nhiều khó khăn. Khả năng có thể để lọt người nhập cảnh trái phép là khó tránh khỏi…

Hơn nữa, những ngày qua, chúng ta vẫn phát hiện các ca mắc mới là công dân VN trở về từ các nước đang có dịch hay là các chuyên gia nước ngoài đến VN làm việc, vì thế, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch đã nhận định: "Mầm bệnh có khả năng đã có trong cộng đồng".

Trong khi đó, sau một thời gian dài không có ca mắc Covid-19 do lây nhiễm trong cộng đồng, nhiều người đã bắt đầu nơi lỏng ý thức phòng chống dịch. Thông điệp 5K của Bộ Y tế: Khẩu trang – Khử khuẩn – Khoảng cách – Không tụ tập và Khai báo y tế, lá chắn thép bảo vệ chúng ta trước đại dịch đang, đang có phần bị xem nhẹ.

Kỳ nghỉ lễ 30/4 và mồng 1/5 đang đến gần, nhu cầu đi lại của người dân tăng cao. Trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp như hiện nay, đây sẽ là yếu tố tiềm ẩn nhiều nguy cơ bùng phát đợt dịch mới, nếu như sự chủ quan vẫn còn hiện hữu.

Bài học thực tế từ các nước cho thấy, Covid-19 khi trở lại thường lây lan mạnh hơn, ảnh hưởng của nó cũng sẽ khốc liệt hơn nhiều. Và hẳn không một ai trong chúng ta muốn trải nghiệm điều này.

Hiện, Bộ Y tế đã chuẩn bị các kịch bản ứng phó, kể cả cho tình huống xấu nhất. Tại khu vực biên giới, hoạt động tuần tra, kiểm soát đang được siết chặt. Nhiều lễ hội, hoạt động vui chơi, giải trí đã tạm dừng để đảm bảo công tác phòng chống dịch Covid-19.

Nhưng để duy trì trạng thái “bình thường mới” của ngày hôm nay, sự nỗ lực của các cơ quan chức năng thôi chưa đủ, mỗi chúng ta hãy đừng để sự chủ quan, lơ là tạo thành thảm họa.