Có lẽ chưa bao giờ, cụm từ “công nghiệp văn hóa” lại được quan tâm và nhắc đến nhiều như hiện nay. Đã qua rồi cái thời mà văn hóa chỉ được xem như là các hoạt động vui chơi giải trí, là lĩnh vực tinh thần thuần túy, văn hóa “chỉ biết tiêu tiền”. Thực tế đã chứng minh, dù không coi văn hóa là công cụ kiếm tiền, song chúng ta hoàn toàn có thể làm giàu từ văn hóa - và đó chính là câu chuyện của công nghiệp văn hóa.

Lần đầu tiên, một Hội nghị toàn quốc về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đã được tổ chức. Hội nghị do chính Thủ tướng Chính phủ chủ trì với sự tham gia của nhiều Bộ ngành liên quan cùng sự góp mặt của 63 tỉnh, thành trong cả nước. Chỉ riêng điều đó cũng đủ để thấy phát triển công nghiệp văn hóa có ý nghĩa đặc biệt như thế nào trong bối cảnh hiện nay.

Trên thế giới, phát triển công nghiệp văn hóa đang diễn ra mạnh mẽ, được xem là xu thế và dần trở thành động lực quan trọng thúc đẩy sự phát triển kinh tế, xã hội của các quốc gia. Việt Nam thì sao? Trước hết phải khẳng định chúng ta có tiềm năng, lợi thế để phát triển công nghiệp văn hoá - thậm chí là nhiều.

Với những Vịnh Hạ Long, Cúc Phương, Tràng An, Phong Nha-Kẻ Bàng, Côn Đảo, Phú Quốc… Việt Nam - vùng đất của di sản đã tạo ra một nguồn lực không hề nhỏ cho phát triển các loại hình du lịch - một trong những ngành công nghiệp văn hóa tiềm năng, mũi nhọn.

Bên cạnh đội ngũ trí thức, các văn nghệ sĩ, Việt Nam còn có đội ngũ nghệ nhân dân gian trong các lĩnh vực âm nhạc, hội họa, làng nghề truyền thống... Họ là những “báu vật sống” của đất nước trong việc giữ gìn và phát huy giá trị di sản văn hóa, phát triển các ngành công nghiệp văn hóa như du lịch, thủ công mỹ nghệ, âm nhạc...

Nguồn lực dồi dào như vậy, nên ngay cả với giai đoạn được xem là đầy khó khăn và thách thức (2018 - 2022), khi mà phân nửa chặng đường bị tác động bởi “cơn lốc” đại dịch Covid-19 trên toàn cầu, thì những đóng góp của các ngành công nghiệp văn hóa cho nền kinh tế nước nhà vẫn là rất đáng kể, ước bình quân đạt hơn 1 triệu tỷ đồng (tương đương khoảng 44 tỷ USD). Chỉ tính riêng năm 2022, thống kê có tới hơn 70 nghìn cơ sở đang hoạt động có liên quan đến ngành công nghiệp văn hóa và bình quân lực lượng lao động thu hút trên dưới 2 triệu người, tăng 7,44%/năm.

Đó chính là những “con số biết nói”, khẳng định những đóng góp quan trọng của các ngành công nghiệp văn hóa vào sự tăng trưởng đất nước. Không chỉ có thế, thông qua sản phẩm của các ngành công nghiệp văn hóa, hình ảnh quốc gia sẽ được quảng bá, không ngừng mở rộng không gian văn hóa, “sức mạnh mềm” quốc gia cũng được gia tăng (minh chứng từ việc ba thành phố lớn của Việt Nam là Hà Nội, Đà Lạt và Hội An mới đây đã chính thức gia nhập Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO).

Rõ ràng, mọi chuyện đã rất khác so với thời điểm trước năm 2016 (trước khi có Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030), khi mà công nghiệp văn hóa vẫn còn là câu chuyện ngổn ngang, đầy rối rắm.

Một bước tiến dài, song cũng phải thẳng thắn nhìn nhận, hiệu quả vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, vẫn cần những “cú hích” mạnh mẽ hơn nữa, mang tính tổng thể và bền vững hơn nữa.

Cùng với việc tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện cơ sở pháp lý, các chính sách ưu đãi, khuyến khích sáng tạo… để từng bước “khơi thông” nguồn lực thúc đẩy công nghiệp văn hóa phát triển, thì việc đẩy mạnh các hoạt động giao lưu, hợp tác, liên doanh, liên kết với các quốc gia có nền công nghiệp văn hóa phát triển như Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc… là hết sức cần thiết. Công nghiệp văn hóa phải góp phần khơi dậy niềm tự hào về văn hóa và con người Việt Nam.

Thực tế là khó khăn bao giờ cũng đến từ nhận thức, vậy nên quan trọng nhất vẫn là phải làm sao tháo gỡ cho được những điểm nghẽn trong nhận thức, khi ấy mới tạo điều kiện cho văn hóa nói chung, các ngành công nghiệp văn hóa nói riêng phát triển. Chúng ta không thiếu tài năng sáng tạo, cái chúng ta thiếu đó chính là môi trường cho sự sáng tạo được bùng nổ, thăng hoa, là những sản phẩm văn hóa có chất lượng cao tham gia thị trường văn hóa trong nước và quốc tế, những sản phẩm mang tầm thương hiệu quốc gia, để từ đó tăng cường sức mạnh tổng hợp nội sinh của đất nước.

Chỉ khi chúng ta coi công nghiệp văn hóa là một ngành mũi nhọn, cần được ưu tiên thì khi đó, bài toán doanh thu 7% GDP mà Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 đã đặt ra xem ra mới có lời giải.

Bằng không, phát triển công nghiệp văn hóa sẽ mãi chỉ dừng ở mức khởi động, thay vì chuyển động, chứ chưa nói tới tăng trưởng và tạo hiệu quả đột phá như tiềm năng, kỳ vọng.