Luật Đất đai hiện hành dành hẳn 1 Chương với 13 Điều quy định tài chính về đất đai, giá đất và đấu giá quyền sử dụng đất, trong đó nêu rõ một nguyên tắc trong định giá đất là phải phù hợp với giá đất phổ biến trên thị trường của loại đất có cùng mục đích sử dụng đã chuyển nhượng, giá trúng đấu giá quyền sử dụng đất đối với những nơi có đấu giá quyền sử dụng đất hoặc thu nhập từ việc sử dụng đất và cùng một thời điểm, các thửa đất liền kề nhau có cùng mục đích sử dụng, khả năng sinh lợi, thu nhập từ việc sử dụng đất tương tự như nhau thì có mức giá như nhau.

Thế nhưng vụ đấu giá đất tại khu đô thị Thủ Thiêm, thành phố Hồ Chí Minh gần đây có mức trúng đấu giá lên tới 2,4 tỷ đồng, gấp 8 lần giá khởi điểm; giá trúng đấu giá 25 lô đất tại khu X4, phường Mai Dịch quận Cầu Giấy, thành phố Hà Nội cao hơn giá khởi điểm từ 2 đến 2,6 lần khiến dư luận xôn xao.

Ở khía cạnh tích cực, có thể thấy, việc mức trúng đấu giá quyền sử dụng đất cao sẽ mang lại nguồn thu ngân sách dồi dào cho địa phương. Tuy nhiên, cũng không khó để nhận thấy việc đẩy giá một số khu đất, thửa đất cũng đã kéo mặt bằng giá chung của cả khu vực lên cao, ảnh hưởng đến mặt bằng giá đất xung quanh cũng như mở rộng ra ở nhiều khu vực khác. Người dân bình thường khó có thể mua quyền sử dụng đất với giá cao ngất ngưởng, giá đất cao cũng làm tăng chi phí sản xuất, kinh doanh và giảm sức cạnh tranh của doanh nghiệp. Giá đất tăng cao đột biến không theo quy luật khách quan cũng sẽ làm gia tăng khiếu nại đòi mức bồi thường cao hơn phương án bồi thường đã được phê duyệt, gây mất ổn định xã hội; ảnh hưởng không tốt đến môi trường đầu tư...

Như vậy, có thể thấy, nếu đặt lên bàn cân so sánh, mức trúng đấu giá quá cao như vừa xảy ra lợi bất cập hại cho cả người dân, doanh nghiệp và Nhà nước.

Theo một số chuyên gia về đất đai, có nhiều nguyên nhân dẫn đến những tồn tại trong đấu giá quyền sử dụng đất, trong đó có nguyên nhân do quy định của pháp luật còn bất cập, thiếu đồng bộ dẫn đến việc đấu giá đất chịu sự điều chỉnh của nhiều văn bản quy phạm pháp luật như pháp luật về đất đai, pháp luật về đấu giá tài sản, pháp luật về quản lý thuế. Hiện nay, pháp luật nước ta chưa có quy định về việc dừng cuộc đấu giá khi có dấu hiệu bất thường trong việc đẩy giá trúng đấu giá lên quá cao, gây hiệu ứng tiêu cực, cũng chưa có chế tài xử lý khoản tiền người trúng đấu giá đã nộp dở dang trong trường hợp phải hủy hợp đồng trúng đấu giá đất.

Cùng với đó, thời gian từ khi đấu giá đất đến khi hết hạn nộp tiền trúng đấu giá khá dài. Theo quy định của Nghị định 126/2020 thời hạn nộp tiền sử dụng đất chậm nhất là 90 ngày, thậm chí lên tới 180 ngày như ở Thủ Thiêm là một khe hở để các công ty tham gia đấu giá thực hiện ý đồ như thổi giá bất động sản để tăng giá trị cổ phiếu, cơ cấu lại khoản nợ trong các ngân hàng, bán hàng tồn đọng…

Chính vì vậy, mới đây, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và môi trường đã đề xuất sửa quy định thời hạn nộp tiền trúng đấu giá rút xuống còn 10 ngày. Còn Bộ trưởng Bộ Tài chính trong phiên giải trình trước Ủy ban thường vụ Quốc hội đã nhấn mạnh: “Phải siết quy định để bảo đảm đấu giá một cách chặt chẽ hơn”.

"Siết quy định" như thế nào cũng là nhằm mục tiêu hài hòa quyền lợi của người dân, doanh nghiệp và Nhà nước, đảm bảo sự ổn định, minh bạch của thị trường. Để làm được điều đó, không chỉ sửa các quy định của luật đất đai mà các quy định của các luật liên quan cũng phải được bổ sung, hoàn thiện cho phù hợp với thực tế phát triển kinh tế xã hội, cân đối được giữa mục tiêu trước mắt và mục tiêu lâu dài.

Mục tiêu lâu dài là khi đấu giá xong, công trình được hoàn thành, như vậy sẽ thu hút được lao động, tăng được GDP và đóng nộp ngân sách đầy đủ, tạo được việc làm. Còn mục đích trước mắt là thu được tiền cho ngân sách quốc gia chứ không phải để cho một nhóm cá nhân, tổ chức lợi dụng quy định để đầu cơ, thổi giá đất nhằm trục lợi riêng./.