Ta sẽ khó nhận biết mình đang ở Việt Nam nếu giữa đường phố thủ đô, nhìn những tòa nhà của người Việt xây, dành cho người Việt, nhưng tên gọi thì không có chút Việt nào. Vincom Plaza, Vinhomes Sky Lake, Grand Plaza, Sun Red River, Central Point, Sommerset, Kafe House, West Point, Green Bay, Moon Tower, Ecopark, Imperial, River Side, Vinaconex Tower, Green Park, Petrowaco… và rất rất nhiều những tên gọi khác.

Tại sao các thương hiệu Việt, công trình và sản phẩm dịch vụ Việt lại lạm dụng tiếng nước ngoài như vậy?. Có phải các đô thị Việt Nam đã là những thành phố quốc tế, với khách hàng, cư dân người nước ngoài chiếm phần lớn? Không. Phần lớn những công trình, nhà hàng, công ty dùng tên nước ngoài, thường là theo tiếng Anh, lại hướng đến khách hàng và người sử dụng là Việt Nam. Ngay cả những chương trình văn hóa, nghệ thuật, nơi yếu tố văn hóa được chú trọng, cũng không thoát khỏi việc phải gắn tên tiếng Anh như “Spotlight”, “Remix”…

Ngay những thành phố đã quốc tế hóa cao độ như Beijing, Tokyo, Seoul, Hongkong, Bankok…, thì tên gọi, thương hiệu, biển hiệu bằng ngôn ngữ bản địa chiếm phần lớn, không phải tiếng Anh. Ngay cả những thương hiệu toàn cầu, nếu muốn bán được ở Trung Quốc, phải dùng tên viết theo Hoa ngữ, sau đó mới kèm thương hiệu gốc. Từ hàng triệu chiếc xe Volkswagen đến hàng tỷ chai Coca-Cola tiêu thụ ở đất nước này, bắt buộc phải sử dụng tên gọi phiên sang ngôn ngữ bản địa.

Sự lạm dụng tên riêng tiếng nước ngoài ở Việt Nam có lẽ do người Việt có tâm lý sính ngoại. Nên tên tiếng Anh là cách dễ dàng nhất tạo sự liên hệ đến thị trường và văn minh Âu Mỹ, đến những gì được mặc định là cao cấp. Đọc khó một chút, viết khó một chút dường như càng đem lại cảm giác “sang sang” hơn cho cả chủ nhân thương hiệu và khách hàng của họ. Một bộ phận lớn người Việt ta đang rất thiếu tự tin với chính ngôn ngữ mẹ đẻ của chúng ta.

Đặt tên theo tiếng nước ngoài có thể là vấn đề không lớn nếu xem nó là việc riêng giữa người mua và người bán trong một mối quan hệ cung - cầu phù hợp với kinh tế thị trường. Khi người mua sẽ quyết định sản phẩm dịch vụ đó có phù hợp với mình, cả về chất lượng và hình thức, tên gọi.

Lạm dụng tên theo tiếng nước ngoài cũng là nhỏ nếu đặt nó bên cạnh bao nhiêu vấn đề lớn đang ngổn ngang của đô thị, của quốc gia như quy hoạch, lao động việc làm, như môi trường ô nhiễm, giao thông ùn tắc, rác thải…

Nhưng đó sẽ cho thấy vấn đề lớn nếu nhìn ở góc độ khác, góc độ văn hóa, động lực của dân tộc và thương hiệu quốc gia.

Những quốc gia châu Á như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc đã tạo nên những kỳ tích về kinh tế, xã hội nhờ động lực văn hóa và chính trị.

Hàn Quốc, từ một nước nghèo đói vươn lên thành nền kinh tế lớn thứ 3 châu Á chỉ trong 30 năm. Người Hàn đã dựa vào tập hợp các yếu tố, trong đó một yếu tố quyết định được Chính phủ của ông Park Chung Hee khơi dậy đó là lòng tự tôn dân tộc, đặt lợi ích quốc gia lên trên hết, dựa trên nền tảng văn hóa dân tộc.

Nếu ai thích văn hóa Hàn Quốc sẽ biết đến khái niệm “văn hóa uri”. Uri là một từ thường xuyên được người Hàn sử dụng với nghĩa là “chúng tôi, chúng ta”. Thay vì nói “đất nước của tôi” người Hàn sẽ nói “đất nước của chúng tôi”. Văn hóa Uri thể hiện lòng yêu nước và mỗi cá nhân có trách nhiệm to lớn với đất nước và dân tộc. Đó là lý do mà người Hàn coi việc dùng các sản phẩm nội địa là trách nhiệm với quốc gia và nhà sản xuất thì coi việc tạo dựng một thương hiệu bằng tên tiếng Hàn là nghĩa vụ. Samsung trong tiếng Hàn có nghĩa là “Ba ngôi sao”- biểu tượng cho sự trường tồn bất diệt. Hay Huyndai trong tiếng Hàn có nghĩa là “Hiện đại”.

Việt Nam có tập đoàn lớn nào ‘dám’ đặt những tên sản phẩm thuần theo ngôn ngữ dân tộc? Kể cả tỷ phú Phạm Nhật Vượng, với khát vọng lớn lao về phát triển nền công nghiệp Việt Nam, thì thương hiệu được ông đầu tư lớn nhất về tiền bạc để gánh cái khát vọng Việt ấy, lại cũng là một thương hiệu, mà về mặt ngôn ngữ, lại khá lai căng và không thuần Việt – VINFAST.

Mức độ phồn thịnh của mỗi quốc gia phụ thuộc vào nhiều yếu tố như địa lý, tài nguyên, chính trị, và đặc biệt là văn hóa. Lịch sử cho thấy, trừ những cộng đồng quá nhỏ hoặc quá mới để có bản sắc văn hóa rõ ràng, thì chưa thấy cộng đồng hay quốc gia nào thành công mà chỉ chạy theo sự du nhập bề nổi những thành tố văn hóa ngoại lai, mà chối bỏ những thành tố văn hóa căn cốt của chính mình, trong đó có tiếng nói.

Luật pháp của chúng ta cũng đã có những quy định cho việc đặt tên. Cụ thể là Luật quảng cáo, Luật doanh nghiệp và Luật Nhà ở đều có những quy định về cách đặt tên với yêu cầu phải có tên tiếng Việt và tên tiếng Việt phải được viết to hơn tiếng nước ngoài (nếu có), tên tiếng Việt phải là yếu tố chính. Nhưng Luật chưa hề được thực thi một cách nghiêm túc. Bởi lẽ chính là chủ nhân của các tên riêng bằng tiếng nước ngoài kia dường như chưa bao giờ ý thức được mình cần phải góp phần tạo nên thương hiệu của Việt Nam cả về hình thức và nội hàm.

Một dân tộc muốn phát triển bền vững phải dựa vào những giá trị cốt lõi của dân tộc đó, trong đó có văn hóa, ngôn ngữ.

Tiếng ta còn, nước ta còn. Câu đó càng đúng hơn trong thế giới phẳng, khi mà sự phân định giữa các cá nhân và quốc gia được dựa nhiều nhất bằng văn hóa, mà biểu hiện rõ ràng nhất là ngôn ngữ. Những thương hiệu mạnh của Việt Nam, trước hết hãy là những thương hiệu tiếng Việt, không pha lẫn và có bản sắc, có sự tính toán để hội nhập thành công trong môi trường toàn cầu hóa.

Còn lạm dụng tiếng nước ngoài, sang chưa thấy đâu, mà nó cho thấy sự tự ti về tiếng Việt, nhận thức sai về ngôn ngữ, hoặc là sự thiếu vắng nền tảng văn hóa!