Sau quá trình điều tra, liên quan đến thông tin thiết bị dạy học lớp 1 (năm học 2020-2021) được cấp cho 781 trường (đợt 1 vào tháng 6 năm 2019 cho 169 trường, đợt 2 cấp vào tháng 12 năm 2020 cho 512 trường) vùng đặc biệt khó khăn khi đưa vào sử dụng có vấn đề về chất lượng, Sở Giáo dục và Đào tạo Thanh Hóa đã vào cuộc kiểm tra, xác minh. Kết quả kiểm tra cho thấy, nhiều máy tính khởi động chậm, hay treo máy, số lượng không đủ mỗi lớp một chiếc nên giáo viên vẫn phải sử dụng máy tính cá nhân để dạy học. Ti vi được cấp là loại LG 32inch không thể sử dụng để dạy học vì cơ bản các trường đã có tivi màn hình lớn hơn từ các nguồn khác. Ngoài ra, đầu DVD, máy chiếu được trang bị, các trường cũng không sử dụng đến. Bộ chữ cái số lượng không đủ để ghép tiếng, ghép từ trong bài học. Bộ sa bàn giáo dục giao thông, bộ tranh dạy học trực quan kích thước quá nhỏ khó cho việc quan sát của học sinh...
Không những thế, nhiều trường chưa có nhân viên làm công tác thiết bị giáo dục mà cử giáo viên kiêm nhiệm, trong đó, nhiều người kỹ năng sử dụng máy tính, thiết bị điện tử còn hạn chế. Có trường thậm chí, còn chưa có phòng học bộ môn, nơi để thiết bị chưa bảo đảm...
Xác minh ban đầu nhận định, gói thầu có dấu hiệu thông đồng gây thiệt hại tài sản nhà nước này có liên quan đến bà Phạm Thị Hằng - nguyên Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Thanh Hóa.
Bà Hằng đã chỉ đạo cán bộ dưới quyền thông đồng với Công ty Cổ phần thẩm định giá BTC Value và nhà thầu là Công ty Cổ phần sách và thiết bị trường họcThanh Hóa để nhà thầu này trúng 2 gói thầu cung cấp đồ dùng học tập giảng dạy lớp 1 năm học 2020-2021. Hai gói thầu có tổng trị giá hơn 119 tỷ đồng. Bà Hằng và 8 người liên quan đã bị khởi tố, bắt tạm giam về tội "Vi phạm về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng".
Thông tư 05/2019/TT-BGDDT quy định rõ : Các thiết bị giáo dục trang cấp cho các trường phải đảm bảo tiêu chuẩn, kỹ thuật về thiết bị dạy học. Vậy mà 2 gói thầu mà bà Phạm Thị Hằng - nguyên Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thanh Hóa - cho triển khai không sử dụng được đã làm thất thoát của nhà nước gần 120 tỷ đồng. Việc này làm ảnh hưởng thế nào đến quá trình "số hóa giáo dục" của tỉnh Thanh Hóa, đặc biệt là trong thời điểm dịch bệnh covid 19 diễn biến phức tạp, công tác dạy và học càng cần sự hỗ trợ của thiết bị công nghệ.
Bà Hằng và những người liên quan sẽ bị pháp luật xử lý đúng người, đúng tội. Tuy nhiên, đây không phải là lần đầu tiên ngành giáo dục dính án "tham nhũng" khi triển khai các hoạt động mua sắm thiết bị giáo dục. Trước đó, ở một số địa phương, lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo cũng đã từng bị pháp luật triệu hồi, khởi tố về những vụ việc tương tự.
"Số hóa giáo dục" là xu thế tất yếu mà ngành giáo dục đang và sẽ triển khai mạnh mẽ. Việc mua bán thiết bị giảng dạy là đương nhiên vì có công cụ mới thực hiện được việc chuyển đổi. Nhưng từ những vụ việc đáng buồn như ở Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Thanh, các nhà quản lý giáo dục cần rút ra bài học xương máu. Trong điều kiện nhận thức và kỹ năng của đội ngũ chưa thật tinh thông, điều kiện tập huấn sử dụng trang thiết bị, điều kiện bảo quản và bảo hành thiết bị chưa có và chưa được chuẩn bị đầy đủ, các dự án đầu tư trang thiết bị chồng chéo không được kiểm soát cũng sẽ dẫn tới tình trạng thiết bị không đồng bộ, cái thừa vẫn thừa, cái thiếu vẫn thiếu. Từ đó dẫn tới việc triển khai ứng dụng công nghệ vào giảng dạy sẽ không đạt hiệu quả mong đợi.
Việc triển khai một hoạt động nhằm nâng cao chất lượng giáo dục chưa hiệu quả đã là một vấn đề nghiêm trọng, chưa nói đến chuyện tham nhũng. Tham nhũng ở bất kể lĩnh vực nào cũng đáng lên án. Tuy nhiên, tham nhũng trong giáo dục khiến dư luận thấy căm phẫn bởi nó bôi nhọ môi trường mô phạm, nơi xưa nay vẫn được coi là trong sáng, nơi dạy con người ta sống có nhân cách, ngay thẳng, trung thực.